Giải đáp những vướng mắc về chính sách mới cho người lao động
Phát biểu tại buổi giao lưu "Những điểm mới về chế độ chính sách cho người lao động”, Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Ngô Văn Tuyến nhấn mạnh, những buổi giao lưu trực tuyến về chính sách pháp luật mà báo Lao động Thủ đô phối hợp với các cấp Công đoàn tổ chức thường xuyên trong nhiều năm qua đã tạo một kênh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật rất hiệu quả, hữu ích với công nhân viên chức lao động.
Đây cũng là lý do để năm 2021 này và thời gian tiếp theo, Liên đoàn Lao động thành phố tiếp tục chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho báo Lao động Thủ đô phối hợp với các cấp Công đoàn Thủ đô tổ chức thêm nhiều cuộc giao lưu trực tuyến để tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đoàn viên, công nhân viên chức lao động.
Ông Ngô Văn Tuyến - Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố phát biểu tại buổi giao lưu |
Cũng tại buổi giao lưu, Phó Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô Nguyễn Văn Bình cho biết, với chủ đề “Những điểm mới về chế độ chính sách cho người lao động” hôm nay là kênh thông tin phổ biến pháp luật trực tiếp cho người lao động.
Báo đã mời các chuyên gia là Luật sư, cán bộ công đoàn, cán bộ ngành bảo hiểm xã hội - những nhà hoạch định và triển khai chính sách, am hiểu về pháp luật lao động và các chính sách pháp luật liên quan tới người lao động, sẵn sàng trả lời các câu hỏi liên quan đến chế độ chính sách mà người lao động quan tâm.
Về phía công đoàn, Chủ tịch Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thị Thanh chia sẻ, chương trình giao lưu trực tuyến hôm nay có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm hỗ trợ pháp lý, tập huấn nâng cao kiến thức pháp luật, quyền và nghĩa vụ cho người lao động, góp phần ổn định quan hệ lao động.
Tham gia giải đáp câu hỏi của cán bộ công chức, viên chức, người lao động gồm các chuyên gia: bà Dương Thị Minh Châu, Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội; Ông Tạ Văn Dưỡng, Trưởng Ban Chính sách Pháp luật Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội và Thạc sỹ, Luật sư Nguyễn Văn Hà, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội.
Tại buổi giao lưu, chị Đặng Thị Lan Anh (Phòng Tài chính - Kế toán) đặt câu hỏi: Khi người lao động tự ý bỏ việc liên tục từ 5 ngày làm việc trở lên thì người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không? Thủ tục thực hiện như thế nào và có phải chi trả trợ cấp thôi việc trong trường hợp này không? Nếu người lao động không nghỉ phép hết năm thì có được thanh toán tiền phép còn lại không?
Chị Đặng Thị Lan Anh (Phòng Tài chính - Kế toán) đặt câu hỏi tại buổi giao lưu |
Trả lời câu hỏi của chị Lan Anh, chuyên gia Tạ Văn Dưỡng cho biết, trong quy định của Bộ luật Lao động 2019, nếu người lao động nghỉ việc liên tục 5 ngày không có lý do chính đáng thì người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không phải trả bất cứ khoản trợ cấp nào (như trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm).
Tuy nhiên, người sử dụng lao động phải báo trước với người lao động trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Trường hợp nghỉ phép, nếu người lao động không nghỉ hết phép năm thì những ngày chưa nghỉ phép sẽ được trả; Còn việc trả bằng tiền hay không thì chưa có quy định cụ thể, có thể theo quy định thỏa ước lao động tập thể.
Trong trường hợp người lao động không đi làm cả năm mà chỉ làm 6 tháng thì số ngày nghỉ phép chỉ được tính là 7 ngày (14 ngày đối với trường hợp đi làm đủ năm).
Chị Nguyễn Thu Hằng (Phòng Kinh doanh) hỏi: Người lao động nghỉ sinh con thì có phải đóng bảo hiểm xã hội không? Nếu người lao động làm việc tại hai nơi khác nhau thì việc đóng bảo hiểm xã hội phải tiến hành như thế nào? Hiện nay, nhiều người lao động đổi thẻ căn cước hay thế cho chứng minh Nhân dân, việc này có ảnh hưởng gì đến việc tham gia bảo hiểm xã hội hay không?
Bà Dương Thị Chị Châu cho rằng, đối với trường hợp nghỉ thai sản thì người lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội. Việc này đã được quy định rõ trong Luật. Nếu người lao động làm việc tại hai nơi thì phải đóng bảo hiểm xã hội ở nơi ký hợp đồng lao động đầu tiên.
Nếu người lao động đổi thẻ căn cước công dân thay cho chứng minh nhân dân thì người lao động chỉ cần báo cho công ty để công ty báo lại cho đơn vị bảo hiểm xã hội. Việc này cũng không có gì phức tạp. Bảo hiểm xã hội sẽ cập nhật thông tin mới của người lao động.
Với sự tham gia tư vấn, trả lời câu hỏi trực tiếp của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực pháp luật lao động, buổi giao lưu hướng tới mục đích giúp các doanh nghiệp, cán bộ, công nhân viên chức lao động nâng cao nhận thức về chính sách pháp luật liên quan đến người lao động, nhất là những vướng mắc liên quan đến vấn đề tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động; từ đó góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp.