Giao lưu trực tuyến giúp người lao động Thủ đô thêm kiến thức về những điểm mới của Bộ luật Lao động
Toàn cảnh buổi giao lưu trực tuyến "Những điểm mới của Bộ luật Lao động có hiệu lực từ ngày 1/1/2021"
Bài liên quan
Tết Dương lịch 2020 người lao động được nghỉ duy nhất 1 ngày
Quốc hội chốt tuổi nghỉ hưu tăng theo lộ trình 60 với nữ, 62 với nam
Đóng bảo hiểm xã hội bao nhiêu tháng thì được hưởng chế độ thai sản?
Tập trung chăm lo thưởng Tết Nguyên đán cho người lao động
Dự chương trình có Phó Trưởng ban Tuyên giáo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Vũ Mạnh Tiêm; Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Ngô Văn Tuyến; Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Hà; Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô Lê Thị Bích Ngọc.
Buổi giao lưu có sự tham dự của hơn 200 đại biểu là lãnh đạo đơn vị, doanh nghiệp, cán bộ, đoàn viên Công đoàn, công nhân, viên chức, lao động của các Công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn ngành Giao thông Vận tải Hà Nội.
Phát biểu tại buổi giao lưu, bà Lê Thị Bích Ngọc - Ủy viên Thường vụ Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô nhấn mạnh: "Người lao động là lực lượng quan trọng trong xã hội, tạo ra hầu hết các giá trị vật chất và tinh thần, quyết định sự phát triển xã hội. Vì vậy, những quy định điều chỉnh các quan hệ trong lĩnh vực lao động cũng là bộ phận quan trọng trong hệ thống pháp luật của bất kỳ quốc gia nào.
Với mong muốn giúp người lao động, người sử dụng lao động có thêm kiến thức về những điểm mới của Bộ luật Lao động, báo Lao động Thủ đô tổ chức buổi giao lưu trực tuyến có sự tham gia của các chuyên gia là luật sư của đoàn Luật sư Hà Nội, cán bộ của Bảo hiểm xã hội Hà Nội và Liên đoàn Lao động thành phố. Các khách mời đều là những người có nhiều kinh nghiệm và kiến thức về lĩnh vực lao động, đang tham gia giải quyết trực tiếp các vấn đề liên quan đến Bộ luật Lao động".
Bà Lê Thị Bích Ngọc, Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động thành phố, Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô phát biểu khai mạc chương trình |
Khẳng định chương trình là hoạt động hết sức ý nghĩa, thiết thực đối với đoàn viên, người lao động, bà Tạ Thị Mỹ Thanh, Chủ tịch Công đoàn ngành Giao thông Vận tải Hà Nội nhấn mạnh, đây là dịp đại diện các đơn vị, doanh nghiệp, đoàn viên công đoàn, công nhân viên chức lao động ngành Giao thông Vận tải Hà Nội được giao lưu, trao đổi, học hỏi nhằm nâng cao kiến thức pháp luật về lao động và Công đoàn.
Buổi giao lưu trực tuyến trang bị thêm kiến thức vốn rất rộng lớn cho người sử dụng lao động, cán bộ Công đoàn và đặc biệt là công nhân lao động của ngành hiểu rõ, thực hiện tốt; Góp phần đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động, ổn định quan hệ lao động để hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; Góp phần hoàn thành chỉ tiêu kinh tế, xã hội của ngành và thành phố.
Chị Trần Thị Lan Anh (Thanh tra Sở Giao thông Vận tải) đặt câu hỏi tại buổi giao lưu |
Chị Trần Thị Lan Anh (Thanh tra Sở Giao thông Vận tải) băn khoăn: "Bạn tôi làm việc tại một công ty du lịch đã tham gia bảo hiểm xã hội được 2 năm. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, bạn phải tạm ngưng thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương. Xin hỏi để được hưởng chế độ trợ cấp khó khăn do đại dịch Covid-19 bạn tôi cần đáp ứng được yêu cầu gì?".
Giải đáp thắc mắc này, luật sư Nguyễn Văn Hà - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên chống thành công dịch Covid-19. Có được thành công này là nhờ những chính sách của Đảng và nhân dân ủng hộ.
Một trong những biện pháp tích cực đang triển khai hiện tại là Nhà nước hỗ trợ tài chính giúp những lao động bị ảnh hưởng bởi dịch. Những người lao động trong diện buộc phải nghỉ để phục vụ công tác phòng tránh dịch, khi kết thúc dịch như hiện tại, các đối tượng được hưởng chính sách không quá 3 tháng sẽ căn cứ vào mức độ ảnh hưởng của từng khu vực, các điều kiện giãn cách sẽ khác. Những đối tượng chịu ảnh hưởng nên liên hệ với phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thuộc quận, huyện, thị xã để được hỗ trợ.
Ông Tạ Văn Dưỡng - Trưởng ban Chính sách pháp luật, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội bổ sung: Dựa trên Nghị quyết 45 và Thông tư 15, những người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì sẽ được hưởng hỗ trợ của chính phủ.
Có 3 điều kiện chính để người lao động có thể được nhận trợ cấp. Thứ nhất, người lao động hoãn hợp đồng lao động trong thời gian làm việc 1 tháng trở lên. Thứ hai, thời điểm nghỉ việc không lương từ ngày 1/4 trở đi, doanh nghệp không có doanh thu trong thời gian đó (điều này sẽ do cơ quan thuế xác nhận). Thứ ba, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trước thời gian tạm nghỉ việc. Hồ sơ sẽ do doanh nghiệp gửi đến các cơ quan chính quyền địa phương, nếu đủ điều kiện người lao động sẽ được hưởng trợ cấp; Hoặc người lao động có thể tham khảo trên tổng đài 111 để được hướng dẫn.
Sau hơn 2 giờ diễn ra giao lưu trực tuyến, đã có hơn 30 câu hỏi trực tiếp và hàng chục câu hỏi được gửi tới tòa soạn từ bạn đọc trên khắp mọi miền Tổ quốc. Rất nhiều câu hỏi đã được các chuyên gia giải đáp thỏa đáng; Qua đó đã giải đáp những vướng mắc liên quan đến vấn đề pháp luật lao động, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết của người lao động về những điểm mới của Bộ luật Lao động có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.
Ông Ngô Văn Tuyến, Ủy viên Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội ghi nhận, biểu dương những cố gắng, nỗ lực của báo Lao động Thủ đô, Công đoàn ngành Giao thông Vận tải Hà Nội và các cấp Công đoàn đã tích cực phối hợp với báo tổ chức nhiều buổi giao lưu trực tuyến có ý nghĩa thiết thực, cung cấp kiến thức pháp luật cho người lao động.
Theo ông Ngô Văn Tuyến, đối với bất kỳ người lao động nào khi đi làm, tham gia vào quan hệ lao động đều đặc biệt quan tâm đến các quy định của pháp luật về chế độ chính sách dành cho mình. Ở góc độ người sử dụng lao động, việc nắm rõ và triển khai thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật trong lĩnh vực lao động cũng là điều cần thiết, từ đó mới có thể động viên, giữ chân được người lao động và xây dựng quan hệ lao động hài hòa làm nền tảng cho sự phát triển bền vững.