Giai đoạn 2021 - 2025 tiếp tục sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh đại học
Tưng bừng ngày hội chào tân sinh viên trường Đại học Kiến trúc Hà Nội HOCMAI hợp tác và tài trợ Đại học Colorado Boulder phát triển dự án PhET |
Trong giai đoạn 2021-2025, các trường đại học cơ bản giữ ổn định phương thức tuyển sinh đại học như năm 2020, với đa số chỉ tiêu xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, bên cạnh đó có kết hợp với các phương thức tuyển sinh khác như qua học bạ, chứng chỉ quốc tế...
Toàn cảnh hội nghị |
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn thông tin, trong năm 2020, dù dịch Covid-19 xảy ra đã ảnh hưởng lớn đến công tác tuyển sinh, khiến các trường phải lùi công tác tuyển sinh và lùi thời gian năm học lại một vài tháng nhưng kỳ tuyển sinh đại học vẫn diễn ra thành công, đạt yêu cầu của đa số các trường.
Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, việc sử dụng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông để tuyển sinh đã tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh và cả nhà trường trong công tác xét tuyển.
Thí sinh được đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng, từ đó trúng tuyển vào đúng ngành và trường mình mong muốn. Các trường xét tuyển được thí sinh phù hợp. Phương thức tuyển sinh này đã giúp tiết kiệm chi phí tuyển sinh, giảm thí sinh ảo.
Các cơ sở GDĐH tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh và quyết định phương thức tuyển sinh, trong đó chủ yếu dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT. Bộ GD&ĐT đánh giá cao sự phối hợp của các cơ sở GDĐH và các địa phương để cùng nhau thực hiện tốt nhiệm vụ chung của ngành, chia sẻ khó khăn với thí sinh và toàn xã hội.
Trên cơ sở phát huy những ưu điểm đã nêu, công tác tuyển sinh trong năm 2021 và cho đến năm 2025 cơ bản giữ ổn định như năm 2020, với một số cải tiến về mặt kỹ thuật; đồng thời nâng cao vai trò tự chủ, trách nhiệm của các cơ sở GDĐH.
Đối với các trường có yêu cầu bài thi riêng để đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh, Bộ GD&ĐT khuyến khích hình thức liên kết tổ chức thi theo nhóm trường hoặc tổ chức các trung tâm khảo thi độc lập.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT khuyến khích các trường tham gia xét tuyển và lọc ảo chung với các phương thức tuyển sinh khác nhau, tạo điều kiện cho thí sinh đăng ký nguyện vọng theo nhiều phương thức tuyển sinh, đồng thời giảm tỉ lệ ảo cho các trường khi sử dụng nhiều phương thức xét tuyển khác nhau.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, cổng đăng ký thi và xét tuyển sẽ được tích hợp vào Cổng dịch vụ công quốc gia để tăng cường tiếp cận và tương tác với thí sinh trong cả nước.
Lãnh đạo các trường đại học cũng kiến nghị Bộ GD&ĐT tăng cường hơn nữa tính phân hóa của kỳ thi để có thể phân loại thí sinh tốt hơn, giữ ổn định độ khó của đề qua các năm để không tạo sự chênh lệch lớn về điểm thi giữa các năm.
Liên quan đến phương án tuyển sinh đại học trong giai đoạn tới, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học đề nghị các trường nếu có thay đổi phương thức tuyển sinh cần phải công bố, thông báo sớm cho thí sinh.
Với các trường có tính cạnh tranh cao có thể tổ chức kỳ thi riêng để chọn lọc thí sinh. Tuy nhiên, lãnh đạo Vụ Giáo dục Đại học khuyến nghị các trường nên tổ chức thành các nhóm, tổ chức kỳ thi với kết quả dùng chung để giảm thiểu chi phí và thời gian cho thí sinh.
Cũng theo bà Thủy, tiến tới trong tuyển sinh đại học sẽ thành lập trung tâm khảo thí độc lập để tổ chức các kỳ thi riêng trên máy tính, có sự phân hóa thí sinh theo các nhóm trình độ.
“Điều này đòi hỏi cao hơn do cần ngân hàng câu hỏi lớn, cơ sở vật chất để thi trên máy tính và tổ chức thi nhiều lần trong năm cũng như sự công bằng, minh bạch,” bà Thủy nói.
Đồng tình với chủ trương này của Bộ GD&ĐT, lãnh đạo các trường cho rằng bộ cần sớm chuẩn bị hệ thống hành lang pháp lý cho sự hoạt động của trung tâm khảo thí độc lập cũng như việc sử dụng kết quả khảo thí này để tuyển sinh.