Giải pháp nào để ngăn chặn tình trạng bỏ rơi trẻ em?
Nguyên nhân của tình trạng bỏ rơi trẻ em?
Tình mẫu tử luôn được coi là tình cảm thiêng liêng, quý giá nhất. Tuy nhiên thời gian gần đây, tình trạng bỏ rơi trẻ em đang ngày càng gia tăng. Không hiếm để thấy trên báo chí, mạng xã hội thông tin về việc trẻ em bị bỏ rơi trong bệnh viện, thậm chí ở bãi rác, khe tường, hố ga dưới trời nắng nóng dẫn tới hậu quả hết sức thương tâm. Dư luận phẫn uất đối với những người mẹ vô cảm, mất nhân tính khi bỏ rơi chính đứa con mình dứt ruột đẻ ra.
Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Trẻ em và các văn bản pháp luật có liên quan đều quy định trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho con của cha mẹ. Cùng với đó là chế tài xử phạt cha mẹ cố ý bỏ rơi trẻ em, ép buộc trẻ không sống cùng gia đình, để các em tự sinh sống… Thế nhưng trên thực tế tình trạng bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em vẫn diễn ra, thậm chí ngày càng nhiều vụ việc phức tạp.
Ngày 18/8 vừa qua, người dân đã phối hợp với lực lượng chức năng huyện Gia Lâm (Hà Nội) giải cứu thành công một bé trai sơ sinh bị bỏ rơi trong khe tường mắc kẹt giữa 2 ngôi nhà |
Từ những vụ việc bỏ rơi trẻ em trong thời gian qua có thể thấy độ tuổi trung bình của phần lớn những người mẹ còn rất trẻ, thậm chí có những em đang độ tuổi vị thành niên, nhận thức về kỹ năng sống, giới tính, tránh thai ngoài ý muốn là rất kém. Nhiều người không được giáo dục về giới tính, tình dục an toàn; sống buông thả, dễ dãi... Khi có thai ngoài ý muốn không có cách giải quyết hợp lý, sinh con ra rồi vứt bỏ con, giết con.
Ngoài ra nỗi lo cơm áo gạo tiền; Lo giấu gia đình mang lại tâm lý bất an, gây nên sự căng thẳng trong cuộc sống, khiến họ rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng, dẫn đến những hành động thiếu suy nghĩ, không lường trước được hậu quả xảy ra. Một số người mẹ bỏ con vì không muốn mang tiếng chưa chồng mà có con hoặc bỏ con vì giận chồng, dỗi người yêu để trả thù… Đây thường là những bà mẹ trẻ do còn non dại, hoặc do trong những giây phút nghĩ quẩn, đường cùng, không biết cách giải quyết hợp lý dẫn tới giải pháp tiêu cực.
Bên cạnh đó là sự thiếu trách nhiệm thậm chí vô cảm của người đàn ông khiến bạn trẻ mang thai; Thiếu sự quan tâm sát sao, chia sẻ của cha mẹ, người thân; Dẫn đến người phụ nữ một mình “vượt cạn” bị bỏ rơi, cùng với sự thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức pháp luật, bị cảm xúc chi phối dẫn đến thực hiện hành vi vứt bỏ con...
Quan hệ tình dục là nhu cầu bình thường của mỗi con người nhưng một bộ phận giới trẻ không có trách nhiệm với hành vi của mình thì đây là hành vi đáng lên án. Dù có dựa bất cứ lý do nào cũng không thể "bào chữa" cho việc vứt bỏ con mình đẻ ra. Đáng lẽ những người làm cha, làm mẹ phải là người chăm sóc, chở che yêu thương con mình nhất nhưng họ lại có hành vi nhẫn tâm đáng lên án...; Gây ảnh hưởng đến tâm lý của bộ phận giới trẻ, ảnh hưởng đời sống xã hội.
Sau khi được các y bác sỹ Bệnh viện Xanh Pôn chữa trị, bé trị bị mẹ bỏ rơi ở khe tường đã không còn sốt, tim đều rõ, phổi thông khí đều hai bên, bụng mềm |
Giải pháp nào để hạn chế tình trạng này?
Trao đổi với PV báo TTTĐ về tình trạng bỏ rơi trẻ em, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Trẻ em có quyền được sống - đó là một trong 4 nhóm quyền được quy định tại Công ước quốc tế về quyền trẻ em và được Hiến pháp ghi nhận. Hành vi vứt bỏ trẻ em không chỉ vi phạm đạo đức mà còn vi phạm nghiêm trọng quyền con người, vi phạm Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc xử phạt vi phạm hành chính.
Nếu vứt bỏ hoặc giết con mới đẻ thì đây là hành vi xâm phạm trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của cháu bé với mục đích tước bỏ quyền sống của đứa trẻ chứ không phải thoái thác nghĩa vụ chăm sóc. Hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 124 Bộ luật Hình sự 2015 về tội giết hoặc vửt bỏ con mới đẻ.
Luật sư Cường phân tích, vứt bỏ con mới đẻ là hành vi của người mẹ mới đẻ con ra trong 7 ngày tuổi vì lý do nào đó đã bỏ con, không chăm sóc đứa trẻ dẫn đến đứa trẻ chết. Đây là trường hợp người mẹ có thái độ tuy không mong muốn đứa trẻ chết nhưng để mặc cho hậu quả xảy ra. Hậu quả đứa trẻ chết là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm.
Để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này thì cần xác định mối quan hệ nhân quả giữa hành vi của người mẹ và hậu quả đứa trẻ chết. Nếu người mẹ vứt bỏ đứa trẻ nhưng được người khác phát hiện kịp thời nên đứa trẻ không chết thì người mẹ không phạm tội này. Nếu “vứt bỏ” nhưng đứa trẻ không chết thì sẽ chỉ xử lý về hành vi “bỏ rơi, bỏ mặc...” để phạt hành chính với mức không quá 15 triệu đồng như quy định tại Điều 22, Nghị định 144/2013/NĐ-CP.
Luật sư Đặng Văn Cường nêu giải pháp xử lý, ngăn chặn tình trạng bỏ rơi trẻ em hiện nay |
Cũng theo luật sư Đặng Văn Cường, để ngăn chặn tình trạng bỏ rơi trẻ em thì việc hoàn thiện hệ thống pháp luật là điều cần thiết. Cần phân biệt rõ hai hành vi là hành vi bỏ rơi và hành vi vứt bỏ trẻ em. Nếu mức phạt với hai hành vi này như nhau là bất hợp lý, cần nâng mức chế tài lên phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi. Thứ hai, bổ sung chế tài thật nghiêm khắc, thậm chí có thể áp dụng quy định của Bộ luật hình sự về tội vô ý làm chết người hoặc hành vi cố ý gây thương tích.
Ngoài ra, cần phải bổ sung chế tài với người cha của đứa trẻ, bởi pháp luật quy định nghĩa vụ nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục là nghĩa vụ của cả cha và mẹ. Trong chế tài hành chính có thể xử phạt cả người cha và người mẹ với hành vi bỏ rơi con. Do đó với chế tài hình sự thì nếu cha trực tiếp thực hiện hành vi giết con mới đẻ hoặc vứt bỏ con mới đẻ thì hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người.
Từ phía bản thân người trẻ tuổi, cần chấn chỉnh, rèn luyện kĩ năng sống của bản thân, nâng cao kiến thức về giới tính, pháp luật để từ đó có những nhận thức đúng đắn, có cách phòng tránh, bảo vệ bản thân. Về phía gia đình đóng vai trò rất quan trọng trong vấn đề giáo dục đối với con cái trong độ tuổi nhất định. Cần sát sao quan tâm, phối hợp với nhà trường trong việc giáo dục nhận thức giới tính cho các em để các em biết cách phòng tránh. Những trường hợp không may xảy ra thì gia đình cũng cần động viên chia sẻ để các em ổn định tâm lý, tránh có những hành vi tiêu cực, gây hậu quả nghiêm trọng.
Về phía các cơ quan chức năng, đoàn thể xã hội cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật; Giáo dục kỹ năng sống; Giáo dục về giới tính, an toàn tình dục cho bộ phận giới trẻ để sống có ý thức, có trách nhiệm.
Điều 124 Bộ luật Hình sự 2015 về tội giết hoặc vửt bỏ con mới đẻ 1. Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con do mình đẻ ra trong 7 ngày tuổi, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. 2. Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 7 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. |