Giải pháp nào giảm tai nạn giao thông đường sắt?
10 vụ tai nạn đường sắt trong 9 tháng năm 2020
Theo thống kê của Ban An toàn giao thông thành phố Hà Nội công bố ngày 1/10, tính từ đầu năm đến ngày 14/9, trên địa bàn thành phố xảy ra 9 vụ tai nạn đường sắt, làm 6 người chết, 2 người bị thương. Được biết, trong năm 2019, tại Hà Nội đã xảy ra 19 vụ tai nạn giao thông đường sắt, làm chết 15 người và bị thương 1 người. Theo nhận định của các cơ quan chức năng, tình hình tai nạn giao thông đường sắt trên địa bàn Thủ đô dù đã giảm so với các năm trước đó song vẫn còn diễn biến phức tạp.
Hiện trường vụ tai nạn tàu hoả đâm vào ô tô chở học sinh tại phường Tây Mỗ |
Mới đây, chiều 29/9, tại Km19+475 đường Phú Diễn (phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm), tàu hàng mang ký hiệu 3606 đã va chạm với xe ô tô mang biển kiểm soát 29B-170.51 chở 48 học sinh tiểu học, hậu quả khiến 6 học sinh ngồi trên xe ô tô bị thương. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do lái xe đã thiếu quan sát khi điều khiển ô tô vượt đường ngang.
Trước đó, khoảng 9h ngày 6/8, tàu SE5 xuất phát từ ga Hà Nội đi Thành phố Hồ Chí Minh đang chạy qua khu Giáp Bát - Văn Điển, khi đến đoạn đường cách ngã tư Pháp Vân - Hoàng Liệt khoảng 60 - 70m thì bất ngờ có người đàn ông không rõ danh tính lao vào đường sắt khiến tàu đâm trúng, lái tàu phải dừng khẩn cấp. Tuy nhiên, người đàn ông đã bị kẹt dưới gầm tàu, tử vong tại chỗ…
Đây chỉ là 2 trong số những vụ tai nạn giao thông mới nhất liên quan đến đường sắt trên địa bàn thành phố trong 9 tháng qua. Trên thực tế, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến những vụ tai nạn giao thông đường sắt. Tuy nhiên, câu chuyện bấy lâu nay đã nhắc đến nhiều nhưng vẫn diễn ra đó là tình trạng vi phạm các quy định giao thông, đặc biệt việc lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt vẫn diễn ra hết sức phức tạp. Thống kê trên toàn mạng lưới đường sắt quốc gia hiện còn tồn tại hơn 4.000 lối đi tự mở và khoảng 1.500 đường ngang hợp pháp. Ngay tại địa bàn thành phố Hà Nội và một số địa phương như Hà Nam, Nam Định, nhiều vị trí hành lang an toàn giao thông đang bị lấn chiếm trái phép. Lỗi vi phạm phổ biến là xây dựng công trình ngay sát chân đường sắt. Những vi phạm này diễn ra ngang nhiên nhưng không được xử lý kịp thời đã và đang đe dọa trực tiếp an toàn chạy tàu.
Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Thường Tín Nguyễn Duy Hiển chia sẻ, qua phối hợp với các đơn vị liên quan và UBND 8 xã, thị trấn xác định, trên địa bàn huyện hiện còn 122 đường ngang giao cắt qua đường sắt; Trong đó có gần 70 đường ngang do người dân tự ý tháo dỡ rào chắn mở làm lối đi. Nhiều đường ngang không có hệ thống đèn, tín hiệu cảnh báo, người gác... là những nguyên nhân khiến tai nạn giao thông đường sắt gia tăng. Nhiều đường ngang dân sinh đã trở thành những "điểm đen" về tai nạn giao thông.
Xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt
Đại diện Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố có 6 tuyến đường sắt đi qua với tổng chiều dài hơn 162km; có 545 vị trí giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, trong đó 182 vị trí đường ngang hợp pháp và 363 lối đi tự mở. Thời gian qua, thành phố đã tích cực phối hợp với ngành Đường sắt tổ chức rào chắn, xóa bỏ lối đi tự mở và xây gờ giảm tốc tại gần 250 vị trí. Tuy nhiên, toàn thành phố vẫn còn 252 vị trí vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt, 883 vị trí vi phạm kết cấu hạ tầng đường sắt chưa được xử lý. Do khó khăn về nguồn vốn đầu tư nên các lối đi tự mở chưa được xóa bỏ theo lộ trình; Việc xây dựng đường gom nhằm giảm tai nạn còn chậm…
Lực lượng chức năng huyện Thường Tín quyết liệt ra quân xử lý vi phạm hành lang đường sắt, rào chắn lại lối đi tự mở |
Từ thực tế cũng như theo đánh giá, việc xóa bỏ lối đi tự mở trái phép giúp giảm đáng kể tình trạng mất an toàn giao thông đường sắt cũng như giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Điển hình như tại huyện Thường Tín, từ năm 2017 đến nay, khi các cơ quan chức năng tập trung nhiều đợt xử lý vi phạm rào chắn đường ngang tự phát nên số vụ tai nạn giao thông đường sắt đã giảm hẳn. Cụ thể, theo thống kê của huyện, năm 2017, xảy ra 10 vụ làm 9 người chết; Năm 2018 xảy ra 9 vụ làm chết 7 người; Năm 2019 xảy ra 6 vụ làm 4 người chết. Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Kiều Xuân Huy cho biết, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, xử lý vi phạm nên từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn huyện chưa xảy ra vụ tai nạn giao thông đường sắt nào. Với sự quyết liệt của các cấp chính quyền, đợt ra quân đầu tháng 9/2020, lực lượng chức năng đã rào chắn được hơn 40 vị trí đường ngang tự phát.
Tháng 8/2020, ban An toàn giao thông (ATGT) TP Hà Nội đã ban hành Công văn số 79/BATGT-VP yêu cầu các Sở, ban, ngành và các địa phương có đường sắt đi qua nghiêm túc thực hiện công tác đảm bảo trật tự, ATGT đường sắt. Cụ thể, UBND các quận, huyện có đường sắt đi qua chủ trì tổ chức các lực lượng cảnh giới tại các lối đi tự mở có chiều rộng trên 3m và các lối đi tự mở tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông; Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường sắt. Đặc biệt, các đơn vị khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai Đề án đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt theo Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 10/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Về lâu dài, cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật, thành phố sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm; Phối hợp với ngành Đường sắt nâng cấp các đường ngang; Tổ chức cắm mốc giới hành lang an toàn giao thông đường sắt; Phối hợp thực hiện việc kết nối tín hiệu giao thông đường bộ với đường sắt tại các điểm giao cắt…