Giảm giá xăng dầu: Người dân, doanh nghiệp vơi bớt gánh nặng
Chính thức thông qua nghị quyết giảm thuế môi trường với xăng dầu về mức sàn Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất điều chỉnh chính sách thuế đối với xăng dầu Giá xăng đồng loạt giảm hơn 3.000 đồng/lít |
Thời gian vừa qua, trước việc giá xăng dầu liên tục tăng cao, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công thương và các đơn vị liên quan rà soát và báo cáo Chính phủ đề xuất, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các loại xăng dầu về mức thấp nhất.
Ngày 8/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 về việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn theo mức Chính phủ đề xuất và bắt đầu áp dụng từ ngày 11/7/2022, việc này đã góp phần hỗ trợ giảm giá xăng dầu trong nước.
Đánh giá tác động từ việc giá xăng dầu giảm đối với kinh tế - xã hội, TS Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, nhiên liệu quan trọng, là chi phí đầu vào của hầu hết các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Việc giảm giá xăng dầu cũng sẽ trực tiếp làm giảm mức lạm phát của nền kinh tế, giảm bớt gánh nặng chi tiêu cho xăng dầu của người dân |
Theo ông Lâm, việc giảm giá mặt hàng xăng dầu sẽ trực tiếp cắt giảm chi phí sản xuất của doanh nghiệp, đồng thời, góp phần làm giảm giá nguyên vật liệu đầu vào do giảm chi phí trong khâu vận chuyển, từ đó giảm chi phí sản xuất, gia tăng lợi nhuận.
Mặt khác, việc giảm giá xăng dầu cũng sẽ trực tiếp làm giảm mức lạm phát của nền kinh tế, giảm bớt gánh nặng chi tiêu cho xăng dầu của người dân.
"Việc giảm giá xăng dầu đồng nghĩa với làm giảm kỳ vọng lạm phát, giữ ổn định vĩ mô, góp phần đảm bảo hiệu quả thực hiện các chính sách, giải pháp và Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững; Từ đó tiếp tục tạo thêm việc làm, tạo thêm thu nhập góp phần nâng cao mức sống dân cư, đặc biệt đối với người lao động", ông Lâm nhận định.
Theo TS Nguyễn Bích Lâm, giá xăng dầu sau kỳ điều chỉnh ngày 11/7/2022 dù giảm mạnh nhưng vẫn đứng ở mức rất cao. Cụ thể, giá xăng vẫn cao hơn khoảng 6.000 đồng/lít, giá dầu cao hơn khoảng 9.000 đồng/lít so với thời điểm cuối năm 2021.
Do đó, theo ông Lâm, Chính phủ cần khẩn trương xây dựng phương án giảm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu nhằm cắt giảm và ổn định giá xăng dầu ở mức kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, thúc đẩy nhanh, hiệu quả quá trình phục hồi và phát triển kinh tế sau những hệ luỵ nặng nề do dịch COVID-19 gây ra.
Bên cạnh việc cắt giảm thuế, Bộ Tài chính cần rà soát, tính toán lại chi phí kinh doanh và lợi nhuận định mức của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và các đối tượng sử dụng xăng dầu.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ Tài chính cũng đang nghiên cứu phương án khác nữa đối với chính sách thuế với mặt hàng xăng dầu, bao gồm cả thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt.
Bộ Tài chính đang nghiên cứu và báo cáo cấp có thẩm quyền để căn cứ vào diễn biến thực tế của giá xăng dầu trên thế giới và diễn biến giá xăng dầu ở Việt Nam ở từng thời điểm. Từ nay đến cuối năm, bộ sẽ báo cáo cấp thẩm quyền có những động thái hoặc chính sách điều chỉnh cho phù hợp nhằm mục tiêu ổn định giá xăng dầu trong nước và hỗ trợ cho phát triển kinh tế, xã hội cho cả nước.
Bên cạnh đó, để đa dạng hóa nguồn cung xăng (tránh bị động bởi phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ Hàn Quốc và ASEAN), đồng thời đảm bảo mức chênh lệch phù hợp với mức thuế suất theo các FTA mà Việt Nam đã ký kết, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị định về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi.
Hiện nay, Bộ Tài chính đang khẩn trương tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến tham gia của các Bộ, ngành, địa phương về dự án Nghị định về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi để trình Chính phủ (trong tháng 8/2022).
Theo đó, trên cơ sở ý kiến tham gia, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh mức thuế suất MFN đối với xăng từ 20% xuống mức phù hợp. Đối với mặt hàng dầu hiện đang áp dụng mức thuế suất MFN là 7% đã đảm bảo phù hợp với cam kết quốc tế.