Giáo dục mở đường, tạo nền cho văn hóa phát triển
70 năm văn hóa, giáo dục Thủ đô: Hành trình kiến tạo, phát triển Quan tâm, đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh "Những đóa hoa" muôn sắc của ngành Giáo dục Thủ đô |
Giáo dục để phát triển văn hóa
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, giáo dục làm được tới đâu sẽ mở đường, tạo nền cho văn hóa phát triển được tới đó. Giáo dục không chỉ bảo lưu, truyền thừa, kế thừa và tiếp nối ổn định cho văn hóa mà còn tạo ra sự thay đổi điều chỉnh và phát triển văn hóa. “Con người là chủ thể của văn hóa, sáng tạo ra văn hóa, duy trì văn hóa. Giáo dục là lĩnh vực tạo dựng con người và phát triển con người, vì vậy, giáo dục tạo dựng chủ thể văn hóa, phát triển chủ thể văn hóa. Giáo dục tác động sâu sắc, toàn diện và chủ động đến văn hóa”, Bộ trưởng nói.
Học sinh trường Tiểu học Tam Khương (Đống Đa) tái hiện không khí Ngày Giải phóng Thủ đô |
Chia sẻ về văn hóa giáo dục và giáo dục văn hóa, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng: Văn hóa giáo dục là sự biểu hiện chất lượng và sự tốt đẹp nằm trong các thành tố, các quá trình, các định hướng và các giá trị của giáo dục. Giáo dục văn hóa là nội dung, phương pháp, đối tượng, sản phẩm đầu ra của giáo dục. Văn hóa giáo dục là nền giáo dục được tổ chức, vận hành, nhằm đạt tới các chuẩn và các giá trị của giáo dục.
Triển khai văn hóa hóa giáo dục là làm cho các khâu, các thành tố, các hoạt động của giáo dục gia tăng các giá trị chân, thiện, mỹ và các giá trị đó hiển thị đầy đủ trong các phương diện, các quá trình giáo dục; biến cái chân thực, cái lương thiện và cái đẹp thấm nhuần, hiển thị trong toàn bộ các thuộc tính của giáo dục.
“Muốn thực hiện giáo dục văn hóa thì bản thân nền giáo dục phải là nền giáo dục mang đậm giá trị văn hóa. Trên cơ sở tư tưởng và triết lý giáo dục, nền giáo dục đó phải hiện hữu sinh động và đầy đủ các giá trị cốt lõi như về sự trung thực, lương thiện, vì con người và vì những điều tốt đẹp. Mục tiêu căn bản của giáo dục là phát triển cá nhân, từ đó phát triển xã hội. Văn hóa là sản phẩm của trải nghiệm và trí tuệ con người. Như vậy, ở trung tâm của giáo dục phát triển văn hoá chính là con người”, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ.
Khơi dậy khát vọng phát triển Thủ đô nghìn năm văn hiến
Giáo dục văn hóa truyền thống sẽ góp phần trang bị cho học sinh những hiểu biết cơ bản về giá trị văn hóa, lịch sử cũng như truyền thống tốt đẹp của dân tộc; phát huy truyền thống yêu nước, nâng cao nhận thức, lý tưởng cách mạng. Từ đó, mỗi học sinh thêm hiểu, tự hào, có ý thức bảo vệ, giữ gìn di tích lịch sử, di sản văn hóa cha ông để lại.
Văn Miếu - Quốc Tử giám là địa điểm “quen thuộc” cho các hoạt động trải nghiệm giáo dục văn hóa truyền thống với các đơn vị giáo dục trên địa bàn Thủ đô |
Trên cơ sở đó, các đơn vị giáo dục trên địa bàn Thủ đô tích cực tổ chức hoạt động giáo dục di sản văn hóa, di tích lịch sử của địa phương tại các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn; khuyến khích các hoạt động trải nghiệm thực tế để học sinh được tiếp cận trực tiếp với di sản văn hoá, làng nghề truyền thống địa phương.
Các em học sinh được trực tiếp tham gia vào các hoạt động lễ hội hoặc một số công đoạn sản xuất sản phẩm truyền thống nhằm giúp học sinh hiểu rõ và trân trọng truyền thống lịch sử, những giá trị văn hóa của địa phương.
Theo ghi nhận của phóng viên, nhằm thực hiện chủ trương đổi mới phương thức giáo dục di sản, ngoài những chuyến dã ngoại thực tế ở những di sản quan trọng trên địa bàn Thủ đô, các trường học trên địa bàn đều đẩy mạnh giáo dục "tại chỗ". Tại một số quận, huyện, những địa điểm văn hoá truyền thống địa phương trở thành “điểm đến” cho thầy và trò các trường học. Học sinh dễ "thấm" những câu chuyện văn hoá trên quê hương mình thông qua tiết học trải nghiệm, tham quan.
Học sinh trường THCS An Khánh (Hoài Đức) tham quan Hoàng thành Thăng Long |
Tại quận Hai Bà Trưng, điểm đến được nhiều trường học lựa chọn là Di tích quốc gia đặc biệt đền thờ Hai Bà Trưng ở phường Đồng Nhân, nơi thờ phụng hai nữ Anh hùng dân tộc.
Còn ở quận Đống Đa, các em thường xuyên được đến gò Đống Đa, Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Trên địa bàn quận Cầu Giấy, ngoài các di tích lịch sử, các em còn được tham quan các làng nghề truyền thống trên địa bàn như làng cốm Vòng, làng Cót (làm giấy)...
Đền Đồng Cổ là điểm đến của các trường học trên địa bàn phường Bưởi, đình Nhật Tân. Đây là nơi học sinh phường Nhật Tân tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của "dinh đào" nổi tiếng nhất Hà Nội.
Chương trình "Hào khí Điện Biên" đưa học sinh đến với những trang sử hào hùng Chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu |
Không chỉ dừng lại ở tham quan, tìm hiểu, nhiều trường học còn tổ chức làm "bài thu hoạch" bằng biểu diễn văn nghệ, hay các cuộc thi kiến thức...
Thêm yêu văn hóa truyền thống qua những tiết học trải nghiệm
Trải qua hơn 1.000 năm lịch sử, mảnh đất Thăng Long - Hà Nội và nền văn hóa Kẻ Chợ xuyên suốt từ đời này sang đời khác thì tự thân nơi đây đã chứa đựng nét đặc sắc riêng biệt. Những người Hà thành sẽ quyết tâm giữ gìn, phát triển và truyền lại những giá trị tốt đẹp của văn hiến Thăng Long không phải chỉ cho các thế hệ tương lai của Thủ đô mà còn cho cả đất nước.
Nhà giáo Trần Lưu Hoa, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội trong tiết học trải nghiệm “Tham gia hoạt động xã hội - Tôn vinh giá trị nghệ thuật tranh dân gian Hàng Trống” với các học sinh trường Tiểu học Chất lượng cao Tràng An |
Với hy vọng kết hợp các kế hoạch dạy các tiết học gắn liền với các hoạt động nhằm tôn vinh giá trị văn hoá truyền thống của địa phương, trường Tiểu học Chất lượng cao Tràng An đã tổ chức chuyên đề hoạt động trải nghiệm với chủ đề: “Tham gia hoạt động xã hội - Tôn vinh giá trị nghệ thuật tranh dân gian Hàng Trống”. Các học sinh được học sinh được tham gia học “thực địa” ở đình Nam Hương, nơi trưng bày các bức tranh dân gian Hàng Trống có giá trị.
Việc áp dụng kỹ thuật dạy học “trạm”, kết hợp sử dụng thiết bị hiện đại (sử dụng điện thoại quét mã QR) giúp mỗi học sinh chỉ trong một thời gian ngắn tự tìm hiểu được để nhớ tên, hiểu nội dung các bức tranh Hàng Trống truyền thống như: Thất đồng - Tam đa; Tố Nữ; Tứ bình; Canh nông vi bản, Lý ngư vọng nguyệt, Tam phủ công đồng và Tứ phủ công đồng; Mẫu Thượng ngàn và Ngũ hổ thần tướng…
Các em học sinh vô cùng thích thú khi được nghệ nhân Lê Đình Nghiên trực tiếp hướng dẫn vẽ màu - nhờ ông mà những họa tiết của tranh dân gian Hàng Trống được tái hiện, giúp những chiếc quạt, tà áo dài… trở nên độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc. Để quảng bá tranh dân gian Hàng Trống, các học sinh lập fanpage Facebook, sử dụng AI sáng tác bài hát, giới thiệu tranh theo hình thức song ngữ Việt - Anh.
Tiết học đã khơi dậy trong các em học sinh ý thức bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của đất Hà thành |
“Các thầy cô tin tưởng các em học sinh của mình sẽ tiếp tục sáng tạo, có những việc làm thiết thực để bắc cầu nối tranh dân gian Hàng Trống với cuộc sống hiện đại, mang hơi thở dân gian vào đời sống. Sau tiết học, học sinh hiểu rõ hơn con phố Hàng Trống, lịch sử hình thành và phát triển của tranh dân gian Hàng Trống; các công đoạn làm tranh công phu của người nghệ nhân; những đặc điểm độc đáo và hấp dẫn đã mang lại giá trị to lớn cho dòng tranh này.
Từ đó, hoạt động này sẽ khơi dậy trong mỗi trò nhỏ sự yêu thích, trân trọng đối với nét đẹp văn hóa, ý thức được sự cần thiết của việc giữ gìn và chung tay bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa của đất Hà Thành”, cô Vũ Hạnh Ngân Anh, giáo viên khối 5, trường Tiểu học Chất lượng cao Tràng An cho biết.