70 năm văn hóa, giáo dục Thủ đô: Hành trình kiến tạo, phát triển
Khơi dậy niềm tự hào, phát huy chiều sâu văn hóa ngàn năm |
Cách thức tuyên truyền là "chìa khóa" đưa văn hóa Thủ đô cất cánh |
Những thông điệp sâu sắc từ sách văn hoá của cố Tổng Bí thư |
Hội thảo “70 năm văn hóa, giáo dục Thủ đô - Hành trình kiến tạo và phát triển” do trường Đại học Thủ đô tổ chức vào sáng 8/11 đã thu hút được nhiều bài viết, tham luận của các nhà khoa học. Tại diễn đàn, các đại biểu đã cùng thảo luận, đưa ra các ý kiến nhằm chia sẻ kinh nghiệm liên quan tới văn hóa và giáo dục trong bối cảnh hội nhập, tổng kết những thành tựu văn hóa, giáo dục Hà Nội sau 70 năm giải phóng Thủ đô.
Thách thức lớn đi cùng cơ hội mới
Trong suốt 70 năm qua, Hà Nội đã có những bước tiến đáng kể trong việc xây dựng và phát triển hệ thống giáo dục, văn hóa.
Chia sẻ về chủ trương quan điểm, định hướng của Đảng, nhà nước về phát triển Thủ đô gắn với văn hóa giáo dục, GS.TS. Phùng Hữu Phú, Nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhận định: “Sau 70 năm Hà Nội giải phóng, Đảng, Nhà nước đã ban hành một hệ thống văn bản đồng bộ, hoàn chỉnh. Hệ thống các văn bản đó đã đặt cơ sở chính trị, pháp lý vững chắc và xác định rõ những định hướng ở tầm chủ trương, quan điểm, nguyên tắc, phương châm làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho công cuộc phát triển Thủ đô”.
GS.TS Phùng Hữu Phú - Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu tại Hội thảo |
Dù đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào nhưng việc phát triển văn hóa, giáo dục tại Hà Nội cũng đang đối mặt với không ít thách thức.
Cùng quan điểm đánh giá về một số hạn chế của giáo dục Thủ đô với các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, PGS.TS. Nguyễn Vũ Bích Hiền, Phó Bí thư Đảng ủy khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội cho biết: “Cơ sở vật chất phục vụ giáo dục, đào tạo ở những khu vực mật độ dân số cao, đô thị hóa nhanh của Thủ đô chưa đáp ứng yêu cầu; hiệu quả giáo dục đạo đức học đường, nếp sống, ứng xử văn minh ở các cấp học có nơi, có lúc còn hạn chế”.
Không chỉ giáo dục, văn hóa cũng đối mặt với nhiều thách thức trong bối cảnh hội nhập, GS. TS. Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho hay: “Văn hóa Hà Nội lâu nay là quá trình hội tụ, giao lưu cả trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, chưa bao giờ văn hóa Hà Nội đứng trước những thách thức, những thay đổi trên quy mô lớn như hiện nay”.
GS. TS. Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tham luận tại Hội thảo |
Tuy nhiên, trong thách thức cũng có cơ hội. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, Hà Nội có thể tận dụng nền tảng này để tạo ra những phương pháp giáo dục mới, tiếp cận học sinh, sinh viên hiệu quả hơn. Đồng thời, việc ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực văn hóa sẽ giúp quảng bá rộng rãi các giá trị văn hóa, di sản của Thủ đô tới công chúng trong và ngoài nước.
Những định hướng phát triển trong tương lai
Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu đã cùng thảo luận và đưa ra những định hướng quan trọng cho sự phát triển văn hóa, giáo dục của Thủ đô Hà Nội trong tương lai. Những định hướng này không chỉ phản ánh những nhu cầu cấp thiết mà còn là chiến lược lâu dài nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống trong bối cảnh hiện đại.
Để xứng tầm với vị thế là Thủ đô của cả nước, PGS.TS. Nguyễn Vũ Bích Hiền, Phó Bí thư Đảng ủy Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội lưu ý: “Ngành giáo dục cần phải chú trọng nâng cao hơn nữa kiến thức, kỹ năng và phương pháp tư duy khoa học. Ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội, đặc biệt là giáo dục đại học và giáo dục chuyên nghiệp cần nắm bắt thành tựu của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ để đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô”.
Về giải pháp bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của Thủ đô, ThS. Lê Văn Hải, giảng viên trường Đại học Thủ đô Hà Nội cho rằng: “Các cấp Ủy đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể, ngành chức năng… cần quán triệt, tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, chiến lược, kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng văn hoá, có cơ chế chính sách thích hợp nhằm huy động mọi nguồn lực đầu tư cho văn hoá Thủ đô Hà Nội”
Các đại biểu tham dự Hội thảo |
“Triển khai sâu rộng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, gắn với những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Thành phố theo từng năm. Qua đó, nêu cao tinh thần, trách nhiệm của mỗi người dân Thủ đô về những giá trị văn hoá Hà Nội, ThS. Lê Văn Hải - giảng viên trường Đại học Thủ đô Hà Nội nhấn mạnh.
Hội thảo đã thể hiện quá trình xây dựng và phát triển mạnh mẽ của Hà Nội, phản ánh những thành tựu nổi bật trong lĩnh vực giáo dục và văn hóa. Những quan điểm, định hướng trong hội thảo không chỉ phản ánh các nhu cầu cấp thiết trong phát triển giáo dục và văn hóa mà còn giúp Hà Nội duy trì và phát huy vị thế là trung tâm văn hóa, giáo dục hàng đầu, đồng thời đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn mới.