Giáo dục nghề nghiệp - cần khắc phục tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”
Giáo dục nghề nghiệp có sự phát triển khả quan
Cuối năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2239/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Mục tiêu của chiến lược là “Phát triển nhanh giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, của người dân và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề cho phát triển đất nước trong từng giai đoạn”.
Giờ thực hành của sinh viên Khoa Điện - Điện tử, Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội |
Theo đó, Chính phủ đề ra mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu cả nước có khoảng 70 trường chất lượng cao. Trong đó, 3 trường thực hiện chức năng trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, 6 trường thực hiện chức năng trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, 40 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4 và 3 trường tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20; khoảng 150 ngành, nghề trọng điểm, trong đó 5 - 10 ngành, nghề có năng lực cạnh tranh vượt trội trong các nước ASEAN-4.
Tính đến nay, cả nước có khoảng 1.900 cơ sở giáo dục nghề nghiệp với 400 trường cao đẳng, hơn 460 trường trung cấp và gần 1.050 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.
Với vị trí là trung tâm chính trị, hành chính của đất nước, Hà Nội không chỉ là nơi tập trung các trường đại học, nghiên cứu mà còn là địa phương có số trường, cơ sở đào tạo nghề nghiệp lớn của cả nước, trong đó có không ít cơ sở giáo dục có uy tín, chất lượng cao.
Đánh giá tổng quát về công tác đào tạo nghề của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Hà Nội, ông Lê Minh Thảo - Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội nhận định, công tác giáo dục nghề nghiệp đã có sự thay đổi, phát triển tích cực.
Hiện nay, chúng ta có hơn 300 đơn vị tham gia đào tạo nghề; trong đó 150 trường trung cấp, cao đẳng trên địa bàn TP Hà Nội. Hằng năm, khoảng hơn 200 nghìn người lao động tham gia thị trường được đào tạo từ các cơ sở này.
Có thể thấy, các cơ sở đào tạo nghề hiện nay đã có nhiều thay đổi tích cực về chất lượng; cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư hiện đại; nhiều giáo viên có chất lượng tay nghề giỏi; nội dung chương trình đã được nhà trường thay đổi để ngày càng phù hợp hơn với nhu cầu của doanh nghiệp.
Nhiều lao động đã khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong công ty, doanh nghiệp. Chất lượng đào tạo nghề ngày càng được khẳng định khi “Chỉ số đào tạo lao động” trong “Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - PCI” của Hà Nội liên tục xếp thứ hạng cao trong những năm qua.
Gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp
Để khắc phục tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, ông Lê Minh Thảo - Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho rằng, cần phải có những giải pháp đồng bộ. Đối với nhà trường, chúng ta phải tự khẳng định mình, thay đổi để đào tạo ngày càng chất lượng, gắn với nhu cầu doanh nghiệp, không tách doanh nghiệp trong quá trình đào tạo.
Trong điều kiện nguồn ngân sách hạn chế, nhà trường cần tranh thủ sự hỗ trợ, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp. Đây là giải pháp hữu hiệu trong giai đoạn hiện nay.
Ông Lê Minh Thảo - Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội |
Đối với quản lý Nhà nước, chúng ta cần phải có sự thay đổi chính sách. Trong năm 2024, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội có tham mưu để HĐND TP Hà Nội thông qua Nghị quyết hỗ trợ học phí học nghề cho học sinh tốt nghiệp THPT tham gia đào tạo nghề trình độ trung cấp, cao đẳng.
Tuy nhiên, Chính phủ đã có quy định để học sinh THPT tham gia đào tạo nghề sẽ được miễn học phí học nghề. Hiện nay, TP Hà Nội tiếp tục nghiên cứu để hỗ trợ đối tượng THPT tham gia đào tạo nghề…
“Nguồn nhân lực trực tiếp tham gia sản xuất đóng vai trò quan trọng, yếu tố quyết định trong sự cạnh tranh của mỗi quốc gia. Vì vậy, trong xu hướng đào tạo nghề, tôi mong muốn các trường sẽ tập trung đào tạo về các ngành nghề chăm sóc sức khỏe, chăm sóc sắc đẹp và công nghệ ngày càng phát triển. Các trường phải tập trung đào tạo theo hướng chất lượng chứ không theo đại trà, số lượng, để nguồn lực lao động của chúng ta có thể vươn ra thị trường thế giới. Từ đó các bạn sinh viên sẽ có nhiều cơ hội để có việc làm với mức thu nhập tốt", ông Lê Minh Thảo nhấn mạnh. |
Thời gian qua xã hội đã thay đổi về nhận thức về đào tạo nghề nhưng vẫn chưa đáng kể. Vì vậy, thời gian tới, chúng ta cần phải đẩy mạnh sự tham gia của truyền thông.
Các chuyên gia cũng cho rằng, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, cơ hội việc làm đối với sinh viên các trường cao đẳng, trung cấp đang ngày càng phong phú. Thu nhập của sinh viên sau tốt nghiệp từ trường nghề “không thấp”, đặc biệt là những em có tay nghề trong những ngành “khát” nhân lực như công nghệ thông tin, tự động hóa, cơ điện tử.
Về giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề, nhiều chuyên gia cùng chung nhận định, trường đào tạo nghề cần có sự phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp. Đây là một trong những giải pháp cốt lõi để nâng cao chất lượng đào tạo nghề trong thời gian tới.