Giao lưu cùng các tác giả viết cho thiếu nhi
Video thiếu nhi Thủ đô hát tuyên truyền măng non |
Qua những câu chuyện, chia sẻ của nhà văn Trần Đức Tiến, nhà thơ Cao Xuân Sơn, Tiến sĩ Giáo dục học Nguyễn Thụy Anh cùng nhiều nhà văn, nhà thơ khác viết cho thiếu nhi, khán giả có cái nhìn sâu sắc hơn về những tác phẩm dành tặng trẻ em. Đặc biệt, qua các câu chuyện được chia sẻ tại chương trình giao lưu góp phần bồi dưỡng, khơi dậy tình yêu đọc sách trong thiếu nhi.
Trong dịp này, Nhà xuất bản Kim Đồng cho ra mắt 2 tuyển tập 65 bài thơ hay viết cho thiếu nhi và 65 truyện ngắn hay viết cho thiếu nhi.
Các vị khách mời tham gia giao lưu tại chương trình |
Đó là bài thơ nằm lòng trong trí nhớ của nhiều thế hệ độc giả như: “Chú bò tìm bạn” của Phạm Hổ, “Câu chuyện vẽ tranh” của Võ Quảng, “Đi học” của Hoàng Minh Chính… Đó còn là những bài thơ của thiếu nhi viết cho thiếu nhi, thế hệ trước: “Mẹ ốm” của Trần Đăng Khoa, “Mèo con đi học” của Phan Thị Vàng Anh, “Ngày đầu đến lớp” của Nguyễn Đặng Viên Phương…
Trong 65 nhà thơ góp tên vào tuyển tập, có những nhà thơ chuyên viết cho thiếu nhi như: Võ Quảng, Phạm Hổ, Thy Ngọc, Định Hải, Phùng Ngọc Hùng, Thụy Anh… Nhà thơ nổi tiếng, chỉ có một vài bài cho các em, nhưng được các em vô cùng yêu quý như: “Vầng trăng cổ tích” của Đỗ Trung Quân, “Nói với em” của Vũ Quần Phương…
65 truyện ngắn hay dành cho thiếu nhi do nhà văn Trần Đức Tiến tuyển chọn là tuyển tập đồ sộ, hùng hậu về đội ngũ tác giả, phong phú về đề tài, đa dạng về phương pháp sáng tác.
Dịp này Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt 2 cuốn sách dành cho thiếu nhi |
65 tác phẩm tiêu biểu của 65 tác giả thuộc nhiều thế hệ và lứa tuổi viết cho thiếu nhi. Từ “Ông đồ Bể” của Khái Hưng, “Võ sĩ Bọ Ngựa” của Tô Hoài, “Con cóc là cậu ông Giời” của Nguyễn Huy Tưởng, … tới “Hoàng tử Rơm” của Nguyễn Thị Kim Hòa, “Ông nội” của Thụy Anh, “Chuột Chít và hai chiếc giầy đến xứ Tít Mù Tắp” của Vũ Thị Thanh Tâm, “Nghé con không muốn lớn” của Hương Thị…
Qua 65 truyện ngắn hay dành cho thiếu nhi, người đọc có thể thấy được sự vận động phát triển của nghệ thuật kể chuyện, những đề tài thu hút sự quan tâm của các em. Dẫu là đồng thoại, cổ tích viết lại, giả tưởng hay hiện thực, các nhà văn đều thể hiện góc nhìn tinh tế, sự đồng điệu và sáng tạo hướng về trẻ thơ, vì trẻ thơ. Mỗi truyện ngắn gieo vào tâm hồn trẻ thơ một hạt mầm lành thiện bé bỏng và thuần khiết.
Ngày 17 tháng 6 năm 1957, Nhà xuất bản Kim Đồng được thành lập. Từ đây, ngành xuất bản có một nhà xuất bản dành riêng cho thiếu nhi. Đây cũng là mốc phát triển đặc biệt của văn học thiếu nhi Việt Nam với việc hình thành đội ngũ sáng tác và đã cổ vũ được đông đảo các tác giả chuyên nghiệp dành những trang viết tươi xanh nhất của mình cho các em. |