Giao lưu "Khuyến đọc - Bí quyết khai thác mỏ vàng trong thế giới sách"
Hai tác giả, dịch giả Nguyễn Bích Lan và Nguyễn Quốc Vương chia sẻ với độc giả về tình yêu với sách
Bài liên quan
"Kiến tạo tương lai" là chủ đề "Aquafina Vietnam International Fashion Week Xuân Hè 2019"
Trường Giang và Anh Đức "mê ăn" đến mức để lạc Lê Lộc
"Về nhà đi con" mở đầu khung giờ phim mới trên VTV1
Khám phá những địa danh có tên gọi kì lạ nhất Việt Nam
Tại sự kiện, dịch giả Nguyễn Quốc Vương cho biết giống như chị Nguyễn Bích Lan, anh và mọi người đều biết rằng viết và dịch sách không đem lại nhiều nguồn lợi tài chính cho bản thân. Bên cạnh đó, những người thân của mình cũng không trợ giúp được nhiều, chỉ có một mình đối diện với bản thảo. Nhưng bằng tình yêu sách, bằng ước muốn truyền tải đi những thông điệp nhân văn, sâu sắc mà các cuốn sách chứa đựng, họ vẫn miệt mài làm công việc này để lan tỏa, mong muốn bạn đọc đến với sách nhiều hơn.
Dịch giả Nguyễn Bích Lan, dù sức khỏe không được tốt nhưng nhiều năm qua chị rất miệt mài với những cuốn sách của cá nhân tự viết cũng như dịch các tác phẩm nổi tiếng trên thế giới đến Việt Nam. Lần này, cuốn "Tuyến hỏa xa ngầm" cũng vừa kịp được đến tay độc giả. Chị tâm sự rằng ý nghĩa của cuốn sách, sự nhân văn và bài học giữa người với người, với lịch sử của đất nước Mỹ đã thôi thúc chị chuyển ngữ cuốn sách này.
"Tuyến hỏa xa ngầm" – một bí ẩn lớn trên đất Mỹ vào thời kỳ mà chế độ nô lệ hiện tồn, không chỉ bí ẩn với nhà cầm quyền, giới chủ nô, những tay trùm săn nô lệ mà ngay với chính người nô lệ. Không ai biết rốt cục có bao nhiêu ga, bao nhiêu trưởng ga, những chuyến tàu hoạt động thế nào v.v... cho đến lúc đặt chân lên một toa hành khách. Có thể ví tuyến hỏa xa ngầm như một dấu chấm hỏi khắc rất sâu trong giai đoạn rối ren đó của Hợp chủng quốc – quốc gia bị phân tách làm hai cực: các bang tự do và các bang có chế độ nô lệ.
Cũng bởi lý do trên, không ai thống kê được chính xác mà chỉ ước đoán rằng từng có rất nhiều nô lệ đào thoát từ miền nam khắc nghiệt đến những vùng đất tự do nhờ tuyến hoả xa ngầm, như Cora – nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết, một nữ nô lệ tại đồn điền trồng bông ở Georgia.
Dù là nhân vật chính, Cora xuất hiện lần đầu tiên không phải trong câu chuyện của chính cô mà trong câu chuyện của bà, của mẹ, Ajarry: người bà bị bắt cóc khỏi quê nhà châu Phi sang Mỹ; Mabel: người mẹ trở thành “huyền thoại” khi được cho là bỏ trốn thành công. Cora tồn tại không như một thân phận đơn lẻ, thân phận cô hoà vào biển-người-đen phải hiến thứ “dầu” đặc biệt cho ngành công nghiệp bông sợi, cho hệ thống xiềng xích mới: mồ hôi và máu. “Truyền thống” của gia đình Cora, hay của biết bao gia đình người Phi khác, là lao động quần quật, đổ máu trên những đồng bông bạt ngàn, chưa kể bị lạm dụng, bị làm nhục, câu chuyện thường ngày đến độ sẽ thật khó dung thứ nếu họ khóc than hay trở nên phẫn nộ.
Thứ “truyền thống” đó trở thành duy nhất và tuyệt đối với những nô lệ như Ajarry: chịu phận ở đồn điền, bằng lòng “an cư” bên mảnh vườn vỏn vẹn ba thước vuông tại đó; nhưng cũng bị thách thức quyết liệt bởi chính những nô lệ như Mabel: nhất mực chạy trốn bất chấp hình phạt, bất chấp việc bỏ lại miếng đất “mẹ truyền con nối”, thậm chí bỏ lại đứa con gái bé thơ. Tới lượt mình, Cora cũng hun đúc một kế hoạch riêng, dẫu nó không ngừng làm cô buốt nhói khi chỉ càng chứng minh cho sự thật: cô là con gái của mẹ cô!
Hành trình xuyên qua 5 bang: Georgia-Nam Carolina-Bắc Carolina-Tennessee-Indiana, và còn tiếp tục không hồi kết dưới đường hầm “ma” mà Royal tiết lộ cho Cora hay, quả là cuộc rượt đuổi gay go giữa chế độ nô lệ, với một đại diện cốt cán, đầy tham vọng là Ridgeway, và kẻ tử thù của nó – Cora. Ta có thể hình dung một cuộc chiến nảy lửa của cả hai, vì lẽ sinh tồn chẳng những đặt ở thể xác mà còn nằm trong tinh thần. Xích xiềng không chỉ đòi cô mà đòi cả những bạn bè nô lệ của cô, cả những người có lương tri dám bao bọc, giúp đỡ cô, trả giá – chỉ bằng cách ấy, xích xiềng mới chặt. Song Cora luôn là một đối thủ đáng gờm, cô chưa từng thôi chống trả, dù tuyệt vọng và yếu thế, bởi nếu không làm vậy bao giờ người nô lệ mới được tự do.
Trong cuốn tiểu thuyết, có một câu nói trở đi trở lại: “Hãy nhìn ra ngoài trong khi tàu đưa các bạn đi, các bạn sẽ thấy khuôn mặt thật của nước Mỹ”. Dường như quốc gia đó vẫn luôn tồn tại trên nền tảng mâu thuẫn, nghịch lý: những con người đến đây vì tự do lại tước đi tự do của người khác.
Colson Whitehead đã vẽ khuôn mặt nước Mỹ bằng màu sắc đối lập: đen rồi trắng, trắng rồi đen, luôn luân chuyển, luôn đảo chiều – có những bàn tay da đen sẵn sàng đàn áp các anh chị em của mình không thua gì những bàn tay da trắng, và lại có những bàn tay da trắng sẵn sàng chìa ra cứu giúp những nô lệ khốn cùng. Bằng cây bút giàu cảm xúc nhưng không bị định kiến ảnh hưởng, có lúc còn khá hóm hỉnh trước nghịch cảnh, Colson Whitehead rất chân thành đưa độc giả tới với hình ảnh nước Mỹ trong quá khứ, nhưng đó là điều khó dứt bỏ khỏi hiện tại này.
Tác giả Colson Whitehead là cây bút ăn khách của New York Times và đã giành giải Pulitzer danh giá.
"Tuyến hỏa xa ngầm" là cuốn tiểu thuyết bestseller do New York Times bình chọn, đồng thời đã giành giải Sách Quốc gia (National Book Award) tại Mỹ cũng như giải Pulitzer (Pulitzer Prize).
“Bạn nên mua cuốn sách cho mình, sau đó là cho một ai khác, bởi chắc chắn bạn sẽ muốn nói về tiểu thuyết ngập tràn kịch tính này”. – Oprah Winfrey
“Lại nhớ cuốn "12 năm nô lệ"... Cuốn tiểu thuyết này quả là kịch tính... một phiêu lưu ký tuyệt vời, với những nhân vật đáng nhớ... Hồi hộp, sống động, khuấy động tinh thần, đây là câu chuyện xứng để sẻ chia và ghi nhớ”. – Tạp chí People (Mục Sách của Tuần)