“Gieo chữ” nơi địa đầu Tổ quốc
Vượt qua gian khó
Nằm ở lưng chừng núi, trường Mầm non Hoa Sen, Yên Phú, Bắc Mê, Hà Giang, nơi cô giáo Nông Thị Liên, sinh năm 1981 đang công tác, hiện lên như một nấc thang nhỏ giữa trập trùng đá tai mèo. Hàng ngày, trong ngôi nhà nhỏ đơn sơ, cô và trò vẫn say sưa từng tiết học.
Sinh ra và lớn lên tại Hà Giang, sau khi học xong, chị Liên làm công tác Đoàn tại xã Yên Phú, huyện Bắc Mê. Công việc ấy đã đưa chị đến gần hơn với đồng bào, thôn bản khó khăn trong huyện. Chị Liên chia sẻ: “Vào các thôn dự sinh hoạt chi đoàn, tôi thấy nhiều thôn chưa có lớp học dành cho các em nhỏ. Đồng bào nơi đây nghèo, thiếu thốn đủ bề, nhìn các em thương lắm. Trước hoàn cảnh đó, tôi nghĩ, mình nên làm cô giáo đưa con chữ đến cho đồng bào, để thế hệ trẻ có một tương lai tươi sáng hơn”.
Thế rồi, năm 2004, chị Nông Thị Liên quyết tâm đi học trung cấp mầm non để hiện thực hóa ước mơ của mình. Học xong, chị trở về quê hương, cùng chính quyền địa phương tạo dựng lớp học cho các bé mầm non, giúp các bé học chữ như các bạn đồng trang lứa ở miền xuôi.
Dù công tác trên chính quê hương mình nhưng cô Liên rất ít thời gian về nhà. Cứ cuối tuần, chị lại đi bộ gần 4 cây số từ điểm trường về trường chính. Hồi đầu nhận công tác, không chỉ giao thông khó khăn mà khi lên lớp giảng dạy, chị Liên còn gặp phải rào cản lớn bởi học sinh hoàn toàn không biết tiếng phổ thông. Cô và trò bất đồng ngôn ngữ, khiến việc truyền đạt, cũng như tiếp thu con chữ càng trở nên vất vả. “Chưa hiểu ngôn ngữ chung, có lúc cô trò trao đổi với nhau bằng cách ra hiệu. Sau giờ lên lớp, tôi gặp gỡ phụ huynh để nói chuyện, gắn kết với đồng bào và tuyên truyền, thuyết phục họ cho con em đi học đúng độ tuổi, đến lớp đều đặn, không bỏ học”, cô giáo Liên cho biết. Với tình yêu nghề, thương học trò, dẫu sự nghiệp trồng người nơi Bắc Mê còn lắm gian nan nhưng cô Liên vẫn hàng ngày cố gắng, góp công sức của mình để giúp các em đến trường đông đủ.
Yêu nghề sư phạm từ ngày còn bé, chị Đặng Thị Hiền, sinh năm 1978, thi vào trường Cao đẳng Sư phạm Tuyên Quang. Năm 2004, dù đang quen với cuộc sống ở miền xuôi, chị Hiền vẫn quyết định rời quê, theo chồng lên nhận công tác tại trường Mầm non Nậm Ban (huyện Mèo Vạc, Hà Giang). Ngày mới ra trường, chị chưa hình dung được Mèo Vạc, Hà Giang là mảnh đất như thế nào, chỉ biết nơi đây, nhiều học trò còn “khát chữ”. Thời gian đầu đến trường, chị ngạc nhiên khi thấy lớp học dựng bằng vách nứa, mái lá, trống huơ trống hoác trong gió lạnh. Mùa đông thời tiết lạnh, mây giăng tứ bề, xung quanh núi non trùng điệp, khiến cô giáo trẻ cảm thấy nhỏ nhoi và nhớ nhà da diết. Rồi qua thời gian, chị đã quen và thấy yêu mảnh đất và con người nơi đây.
Lấy tình yêu làm động lực
Cô Đặng Thị Hiền tâm sự: “Mất nửa năm đầu lên đây, tôi mới bắt nhịp được với môi trường công tác vì ngôn ngữ bất đồng, điều kiện khắc nghiệt. Chồng là giáo viên tiểu học nên hai vợ chồng đều hiểu, cảm thông và giúp đỡ nhau cũng như bảo ban nhau cùng cố gắng vượt khó khăn, giúp đỡ đồng bào. Đó cũng là động lực để tôi bám bản suốt gần 15 năm qua”.
Cô Hiền kể, ngày trước, sinh con được 2 tuổi, hai vợ chồng chị phải gửi bé về Tuyên Quang nhờ ông bà nội nuôi dưỡng, chăm sóc. Suốt thời gian dài, cặp vợ chồng giáo viên vùng cao chỉ được nhìn ngắm đứa con của họ qua ảnh, dồn nén cảm xúc vào cánh thư tay và bây giờ là điện thoại và mạng internet, tuy sóng vẫn còn chập chờn.
Dành trọn tình yêu cho trẻ em vùng cao, cô giáo Hiền xác định gắn bó lâu dài tại Mèo Vạc. Nay, chị là Hiệu trưởng của trường Mầm non Nậm Ban, có 7 điểm trường lẻ, với 18 giáo viên và gần 300 học sinh.
“Vừa là người “gieo chữ”, vừa thực hiện công tác quản lí, Hiệu trưởng còn phải trăn trở, chăm lo cho đời sống cán bộ giáo viên. Tôi cảm thấy trách nhiệm của mình nặng nề hơn. Tuy nhiên, tình thương yêu học trò, đồng bào và những người đồng nghiệp là động lực để tôi vượt qua mọi gian khó, bám trường, bám bản”, chị Hiền trải lòng.
Gắn bó với điểm trường lẻ của huyện Đồng Văn (Hà Giang) hơn 20 năm, cô giáo Nguyễn Thị Thêu, quê Ninh Bình đã trở thành người mẹ hiền thứ hai của hàng nghìn học sinh H’Mông trên cao nguyên đá. Những ngày đầu tiên nhận công tác tại trường Tiểu học Lũng Thầu, cũng là lần đầu tiên xa nhà và biết đến vùng cao, cô giáo trẻ không khỏi rùng mình khi đối diện con đường mòn vắt ngược đỉnh núi, phải men theo khe đá mới vào được tới điểm trường. Cô Thêu chia sẻ: “Nhiều đêm, tôi và đồng nghiệp ôm nhau khóc, một phần vì nhớ nhà, phần thấy cảnh trên vùng cao khổ quá, thế nhưng, nhìn thấy học sinh lại quên hết nhọc nhằn”.
Giữa trập trùng cao nguyên đá tai mèo, cô Thêu phải làm quen với cuộc sống biệt lập, thiếu thốn và xa lạ với ngôn ngữ, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số. Gắn bó với Lũng Thầu hơn chục năm, cô Thêu chuyển đến trường Tiểu học Phố Cáo, dạy học ở điểm lẻ Sảng Pả, giáp đường biên giới Việt - Trung. Nơi đây, dân cư nhiều hơn nhưng học sinh không quen đến lớp. Cô phải đến nhà vận động từng học trò đến lớp.
Chồng cô Thêu cũng là giáo viên cắm bản ở Đồng Văn. Khi cô sinh con trai đầu lòng, cuộc sống quá vất vả khiến cậu bé bị suy dinh dưỡng, phải tiêm nhiều lần nên bị teo cả hai chân. Với cô, khó khăn nơi vùng cao đã thành quen, cô chỉ luôn cảm thấy có lỗi với chính những đứa con của mình. Nhìn hai con phải sống thiếu thốn, lạc lõng giữa bạn bè nói tiếng dân tộc, phong tục cũng khác, vợ chồng cô quyết định gửi con về quê nhờ ông bà nuôi.
“Tôi không thể bù đắp được những năm tháng các con mình thiếu thốn tình cảm của cha mẹ. Tuy nhiên, tình thương ấy đã biến thành động lực cho tôi mỗi khi bước lên bục giảng, gác nỗi niềm riêng, dạy thật tốt và yêu học trò như con đẻ của mình”, cô Thêu bộc bạch.