Giới trẻ ngoại thành và sự tiếp nhận văn hóa đô thị
![]() |
Thanh thiếu niên và người dân xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng, Hà Nội) rất thích thú mỗi lần đi qua "con đường bích họa" nơi đây
Văn hóa và lối sống nông thôn không chỉ là đặc trưng của đa số thanh niên Hà Nội hiện đang sống ở khu vực nông thôn mà còn có ảnh hưởng không nhỏ tới bộ phận cư dân và thanh niên hiện đang sinh sống tại khu vực thành thị Hà Nội. Đây là kết quả của quá trình tương tác hai chiều giữa văn hóa, lối sống của nông thôn với thành thị.
Trong khoảng 20 năm trở lại đây, quá trình đô thị hóa nhanh và mạnh của Hà Nội đã khiến cho một bộ phận ngày càng lớn cư dân nông thôn trở thành cư dân thành thị. Tuy nhiên, vấn đề là họ không có đủ thời gian, các điều kiện khác để chuẩn bị cho sự chuyển hóa về văn hóa và lối sống. Bởi vậy, cho dù họ đã trở thành thị dân nhưng trên thực tế, xét về phương diện văn hóa và lối sống, họ vẫn là cư dân nông thôn. Quá trình di dân theo hướng từ nông thôn vào thành thị ngày một nhiều hơn, trong đó hầu hết là thanh niên. Họ đến thành thị với mục đích chủ yếu là để học tập, tìm kiếm cơ hội việc làm. Dù là học hành hay làm việc thì những làn sóng người từ nông thôn liên tục tràn vào thành thị cũng mang theo cả những giá trị, những ứng xử, thói quen và nếp sống nông dân, đó là một tất yếu khách quan. Kết quả là văn hóa, lối sống thành thị không thể không trải qua một quá trình tiếp biến với sự tiếp nhận những thành tố văn hóa và lối sống từ nông thôn.
Tuy nhiên, không phải chỉ một chiều tác động của nông thôn với thành thị, mà ngược lại, ảnh hưởng của thành thị đến với nông thôn cũng hết sức lớn. Nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, cùng với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa và toàn cầu hóa tăng tốc như hiện nay, nền văn minh thành thị cùng với các giá trị văn hóa, lối sống đặc trưng của thành thị đang tác động mạnh mẽ vào đời sống cư dân nông thôn, làm biến đổi nhanh chóng, toàn diện, sâu sắc toàn bộ đời sống xã hội nông thôn, đặc biệt là văn hóa, lối sống của thanh niên.
Nhận xét này hoàn toàn đúng với thanh niên nông thôn ngoại thành Hà Nội. Đối với những khu vực nông thôn đang diễn ra quá trình hiện đại hóa, đô thị hóa nhanh như Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức... thì sự tương tác văn hóa, lối sống sẽ diễn ra sôi động, mạnh mẽ và gấp gáp hơn những khu vực xa Hà Nội như Ba Vì, Sóc Sơn, Thạch Thất, Thanh Oai...
Những tương tác giữa 2 khu vực thành thị và nông thôn này đem lại cả những hệ quả tích cực, tiêu cực. Bên cạnh sự du nhập những giá trị, những thế ứng xử và lối sống hiện đại, lành mạnh theo xu thế tích cực, đồng thời cũng có cả một số giá trị, thế ứng xử và lối sống không lành mạnh theo xu hướng tiêu cực. Hai xu hướng lối sống tích cực, tiêu cực này đã và đang bộc lộ ngày càng rõ nét.
Hơn nữa, trong giai đoạn hiện nay, quá trình tương tác, tiếp biến văn hóa, lối sống giữa thành thị và nông thôn diễn ra trong bối cảnh của sự bùng nổ công nghệ thông tin và toàn cầu hóa ngày một gia tăng. Đây chính là cái làm nên sự khác biệt lớn của quá trình này so với một vài thập kỷ trước. Nhờ sự bùng nổ của công nghệ thông tin, đặc biệt là việc xử dụng ngày càng phổ biến hơn các phương tiện truyền thông hiện đại như truyền hình, internet... mà ngay ở cả các nhóm và cộng đồng dân cư, nhất là thanh niên, ở những vùng nông thôn xa trung tâm thành thị, dù chưa chịu tác động của quá trình đô thị hóa, vẫn có thể chịu tác động ở mức độ nhất định những giá trị văn hóa, những mô thức ứng xử, ngôn ngữ, lối sống thành thị hiện đại, thậm chí có nguồn gốc từ nước ngoài.
![]() |
Một tiểu phẩm tham gia hội thi tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới và hai bộ quy tắc ứng xử của thành phố Hà Nội |
Ở một khía cạnh khác, trong quá trình tương tác giữa các yếu tố hiện đại với truyền thống, dân tộc với thời đại, thành thị với nông thôn... thì ở nông thôn ngoại thành Hà Nội trong khoảng chục năm trở lại đây là sự phục hồi mạnh mẽ của lễ hội truyền thống, các tập tục, thói quen, thế ứng xử của các cộng đồng làng xã trước đây. Hơn nữa, dường như quá trình phục hồi này lại diễn ra ở các vùng nông thôn đô thị hóa nhanh thì sôi nổi, mạnh mẽ hơn.
Hiện nay, người dân xã Cổ Loa, Đông Anh vẫn truyền nhau câu: Chết thì bỏ con bỏ cháu, sống không bỏ mồng sáu tháng ba - tức ngày kỷ niệm An Dương Vương lên ngôi vua, cách đây hơn 2.000 năm. Hằng năm, lễ hội Cổ Loa được diễn ra cùng với phần tế, lễ uy nghi của hội đồng bát xã Loa Thành diễn ra tại hoàng cung đền Thượng vào ngày mồng 5, 6 tháng Giêng. Trong ngày này rất nhiều các trò chơi dân gian và truyền thống được duy trì khôi phục như: Hát tuồng cổ, hát chèo, múa rối nước, hát quan họ thuyền rồng, đu tiên, ném còn, bắn nỏ, lễ hội kén rể, vật dân tộc, thi đấu cờ tướng, chọi gà, kéo lửa thổi cơm... Với những huyện nông thôn ngoại thành có tốc độ đô thị hóa mạnh khác trên địa bàn thành phố Hà Nội như Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Thường Tín, Đan Phượng… tình hình cũng diễn ra tương tự. Có thể thấy, những bước tiến của quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay không làm vơi đi, thậm chí còn tô đậm thêm các lễ hội và những sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng truyền thống.
Đồng thời với quá trình đô thị hóa Hà Nội, ranh giới văn hóa giữa nông thôn và thành thị đang thu hẹp dần khoảng cách. Cùng với quá trình tương tác, tiếp biến hai chiều giữa thành thị - nông thôn và ngược lại là sự hình thành của nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa mới tại khu vực nông thôn. Điều đó khiến cho lối sống của người dân nông thôn, đặc biệt là tầng lớp thanh niên bị đô thị hóa rất nhiều. Nhìn chung, thanh niên nông thôn ngoại thành Hà Nội hiện nay vẫn có nhu cầu rất lớn trong việc gắn kết các giá trị văn hóa cộng đồng, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống làng xã, phát triển các hoạt động tâm linh như tham gia các hoạt động lễ hội, thờ cúng; tôn trọng những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp như trọng đạo lí, đề cao gia đình...
Bên cạnh đó, họ cũng chủ động tiếp nhận những giá trị văn hóa mới, có nhu cầu hưởng thụ và tham gia các hoạt động sinh hoạt văn hóa trẻ trung, sôi động, phù hợp với xã hội hiện đại. Chẳng hạn, loại hình giải trí trên internet vốn xa lạ với thanh niên nông thôn trong thập niên cuối thế kỉ trước nhưng đến nay đã trở thành một xu hướng khá phổ biến ở hầu khắp các huyện nông thôn ngoại thành Hà Nội. Đồng thời với việc yêu thích, thưởng thức các bài hát truyền thống, các làn điệu dân ca vốn gần gũi với đời sống nơi làng quê, thanh niên nông thôn ngày nay còn quan tâm đến cả các loại âm nhạc mới được du nhập từ phương Tây sang (vốn chỉ thịnh hành ở các đô thị, thành phố trước đây) như rock, rap, hiphop, pop... các dịp lễ Noel, Valentine...
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Trân quý những di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại

“Hào quang Tam Chúc” - nơi nghệ thuật, tâm linh hòa quyện, thăng hoa

Khép lại Lễ hội Làng Sen 2025 với chương trình nghệ thuật sâu lắng

Trao giải sáng tác về "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"

Dàn Hoa, Á hậu trình diễn bộ sưu tập mới của Nguyễn Minh Tuấn

Động lực hiện thực hóa khát vọng Việt Nam từ “Người là Hồ Chí Minh”

Sứ giả sen Việt trong Đại lễ Phật Đản Vesak 2025

Soi kiến trúc “độc nhất vô nhị” của Nhà hát Opera Hà Nội tại Hồ Tây

Giáo sư Katrin Döveling bất ngờ trước quy mô của "MY20s Express"
