Giới trẻ thờ ơ với văn hóa đọc
|
Đọc sách là cách tự trau dồi, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức cho mỗi người, là con đường tốt nhất để hình thành nhân cách, hướng tới Chân, Thiện, Mĩ của cuộc sống. Thị trường sách Việt đang phát triển như vũ bão nhưng một nghịch lí là ngày càng có ít người thích đọc sách, nhất là đại bộ phận giới trẻ.
Giới trẻ lười đọc sách vì... tốn thời gian
Khoảng 20 - 30 năm về trước, lúc đó việc đọc sách, đọc truyện trở thành thói quen của đông đảo mọi người, nhất là đối với lứa tuổi học trò, lớp thanh niên. Mọi người háo hức chuyền tay nhau những cuốn sách sờn rách, thậm chí thiếu trang, mất chữ, ngấu nghiến đọc rồi hả hê cùng túm năm, tụm ba tranh luận với nhau về những gì vừa đọc. Đó là những kỉ niệm đẹp còn in đậm nét trong tâm trí nhiều người thuộc các thế hệ 6X, 7X thời ấy.
Thời tôi còn bé, thi thoảng được mẹ cho vài đồng lẻ mua quà bánh nhưng không mua quà mà để mua sách, truyện về đọc. Những cuốn sách của Dumas, La Fontaine, Victor Hugo, Jack London, Makxim Gorky, La Quán Trung, Ngô Thừa Ân... đã thật sự cuốn hút tâm hồn tôi suốt những tháng năm của tuổi trẻ. Thời đó, sách không ra đủ bộ như bây giờ. Khi đọc hết tập cũ là tôi lại đạp xe lên tận nhà xuất bản để ngóng xem đã có tập mới hay chưa.
|
Hội sách Hà Nội 2014 góp phần nâng cao văn hóa đọc cho nhân dân
Nếu đem câu chuyện đó ra kể, có lẽ các em học sinh sẽ buồn cười và không tin điều đó. Các thầy cô giáo cho biết, hầu hết học sinh giờ đây không có thói quen đọc sách. Cùng lắm các em cũng chỉ đọc sách giáo khoa hoặc cùng lắm là thêm vài cuốn nhằm mục đích phục vụ cho việc học của mình mà thôi. Khi được hỏi có thường xuyên đọc sách hay không, Vũ Quang Huy, học sinh lớp 5 trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương (Ba Đình, Hà Nội) trả lời rằng cháu không thích vì “đọc sách tốn thời gian”. Có vài em trả lời có đọc nhưng chỉ đọc mấy cuốn truyện tranh như: “Đô rê môn”, “Dũng sĩ Herman”, “Bảy viên ngọc rồng” hoặc vài cuốn truyện tranh của Nhật Bản. Với sách văn học, hầu hết các em đều "chưa đọc bao giờ".
Có lẽ đây cũng chính là nguyên nhân khiến chất lượng giảng dạy môn Văn ở nhà trường hiện nay trở nên yếu kém, sa sút đến độ đáng lo ngại. Vốn từ ngữ của các em rất nghèo nàn, nói năng cộc lốc, vụng về. Viết một bài văn tại lớp mà nhiều em cố “nặn” mãi mới viết được hơn chục dòng với cách sử dụng ngôn từ hết sức ngây ngô vụng dại, cách diễn đạt lủng củng còn lỗi chính tả và sai ngữ pháp thì nhiều vô kể.
Tôi có một chị bạn tên Mai làm thủ thư ở thư viện Hà Nội. Chị Mai cho biết: Ngày càng vắng độc giả tới đăng kí thẻ đọc sách và thẻ mượn sách. Hầu như chỉ có nhóm đối tượng là các em sinh viên tra cứu tư liệu để làm bài thi, số còn lại là những người già đã nghỉ hưu.
Nguyên nhân sâu xa...
Trước hết, chúng ta cần nói đến khâu xuất bản sách. Phải thừa nhận kĩ thuật in ấn bây giờ hơn ngày trước rất nhiều. Chất lượng giấy tốt, hình ảnh đẹp nhưng khâu kiểm duyệt nội dung còn khá lơ là. Ngày nay, sách ra tràn ngập thị trường với việc cấp phép xuất bản ngày nay đơn giản hơn. Điểm lợi là các tác giả dễ dàng đưa tác phẩm của mình đến với công chúng. Hại là đã có không ít cuốn sách có những nội dung phản cảm, nhảm nhí, khi ra thị trường thì độc giả mới tá hỏa về nội dung lẫn hình thức. Nhiều cuốn sách chỉ mới ra thị trường được vài tháng rồi bị đình chỉ, thu hồi là minh chứng rõ nét.
Giới thanh niên hiện nay chuộng các loại sách ngôn tình, diễm tình... Có lẽ loại sách này phù hợp với lứa tuổi họ. Họ ít cập nhật, trau dồi kiến thức từ sách. Cư dân mạng thường hài hước nói với nhau rằng: “Dân ta phải biết sử ta, cái gì không biết thì tra Google”. Hễ thắc mắc hoặc tranh cãi một vấn đề gì là bật smart phone, vào trang google để tra cứu thông tin trực tuyến.
Chúng ta hãy xem cách người Mỹ dạy trẻ yêu thích việc đọc sách như thế nào. Mặc dù là đất nước có nền khoa học công nghệ phát triển nhưng các nhà giáo dục Mỹ khuyến cáo không cho trẻ em dưới 2 tuổi tiếp xúc với Tivi, với iPad (hoặc các thiết bị điện tử có màn hình khác). Đối với trẻ từ 3 - 5 tuổi thì chỉ nên xem tivi tối đa 1 giờ và phải hoàn toàn không có cảnh bạo lực. Còn đối với trẻ từ 6 - 12 tuổi thì tối đa là 2 giờ và cũng không được có cảnh bạo lực. Những thiết bị điện tử thường được cài đặt chương trình phần mềm giới hạnthời gian sử dụng cho trẻ. Bên cạnh đó, mỗi gia đình thường có các tủ sách nhỏ cho trẻ và thi thoảng lại dẫn con đến thư viện, coi đó như một việc làm thường xuyên và bắt buộc.
Chúng ta cần phải hiểu rằng, văn hóa đọc của mỗi cá nhân, suy rộng ra là của toàn dân tộc, càng phát triển thì văn hóa của dân tộc mới phát triển bền vững. Bởi càng đọc, người ta càng suy nghĩ chín chắn hơn, càng quyết định kĩ càng hơn trong công việc, cuộc sống.
Cơ chế kinh tế thị trường như một ma lực đã cuốn đại bộ phận giới trẻ vào những thú vui vô bổ, làm mất dần đi những thói quen, những phong tục tập quán tốt đẹp của cha ông bao đời gây dựng nên. Để khơi gợi, kích thích lớp trẻ ham mê đọc sách là cả một vấn đề thiết yếu và vô cùng khó khăn, cần được cả xã hội quan tâm và chung sức.
- Nguyễn Hùng Sơn (Phó Tổng biên tập Tạp chí Ngày nay thuộc Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam):
Tôi thường đi công tác ở các nước châu Âu. Ở những nơi như bến xe buýt, nhà ga, sân bay, trên các phương tiện công cộng, tôi vẫn hay nhìn thấy các bạn trẻ chăm chú đọc sách, báo, tạp chí. Tôi từng hỏi một nhóm bạn đang đọc sách khoa học, rằng các bạn đọc sách đó có phải vì trong lớp đang ra đề tài về tác giả này. Các bạn đó nói họ sẽ không đọc nếu chỉ vì giáo viên yêu cầu hay đề xuất, họ thích đọc những gì họ thấy cần thiết và thú vị. - Nguyễn Hoàng Lan (giáo viên trường tiểu học Lý Thường Kiệt, Đống Đa, Hà Nội):
Hiện nay, ý thức đọc sách để tích lũy tri thức của các em học sinh vẫn còn rất hạn chế. Thực tế cho thấy, nhiều học sinh, sinh viên ngày nay, lứa tuổi thích khám phá, tìm tòi kiến thức, cũng rất lười đọc sách. Nhiều trường phổ thông hiện đã có hẳn một phòng thư viện với hàng ngàn đầu sách các loại thế nhưng số học sinh đến thư viện vẫn rất thưa vắng. Tôi cho rằng, giáo viên và phụ huynh cần khuyến khích và định hướng cho học sinh và con em mình đọc sách và chọn lựa sách. |
Quang Anh
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Tổng Bí thư Tô Lâm dự khai mạc Lễ hội Làng Sen năm 2025

Tổng Bí thư Tô Lâm tặng tác phẩm “Việt Nam - những trang sử vàng” cho Khu Di tích Kim Liên

Đắk Nông: Khai mạc Ngày hội Sách và Văn hóa đọc năm 2025

Tổ chức Triển lãm thành tựu kinh tế-xã hội nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày Quốc khánh với chất lượng tốt nhất

Sâm Ngọc Linh trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Ra mắt bộ sách đặc sắc của nhà văn Đoàn Giỏi

Nghệ thuật khắc họa sự nghiệp cách mạng cao cả của Bác Hồ

Lễ hội Làng Sen và vai trò giáo dục đạo đức công dân

Xúc động những lời ca dâng Bác
