Giữ lấy nét đẹp của Hà Nội lúc cuối xuân
Hà Nội những ngày mưa phùn
Bài liên quan
Hà Nội: Đảm bảo công tác y tế phục vụ Tết Dương lịch năm 2020
Thường trực Thành đoàn Hà Nội thăm hỏi, tặng quà Đại tướng Nguyễn Quyết
Đảng bộ TP Hà Nội: Chủ động tiên phong, gương mẫu đi đầu
Đảng bộ thành phố Hà Nội - 90 năm xây dựng và phát triển
Nét đẹp cuối xuân
Mưa phùn mưa bụi li ti là đặc trưng xứ Bắc mỗi độ cuối xuân. Tháp Rùa, Hồ Tây, những tòa nhà cao tầng, những rặng cây nhập nhòa trong sương.
Thời tiết như thế này, nếu không có việc gì bắt buộc phải ra ngoài, nằm trong nhà ngắm ô cửa màu trắng bạc hay làm một vòng trên phố để mưa như sương đậu nhẹ trên mi, trên má thì tuyệt vời vô cùng. Dân nhiếp ảnh lại nhân cơ hội này để dậy từ sớm mà săn những giọt sương long lanh đậu trên những búp những chồi những thân cành khẳng khiu.
Hồi bé, đến khoảng cuối mùa xuân, khi ngồi trong phòng ấm, bên ánh đèn vàng, nghe gió thổi hun hút ngoài hiên, bao giờ mẹ tôi cũng chép miệng: "Thế là rét nàng Bân đã về.
Sớm hơn thì đã chả hỏng mùa hoa xoài, hoa vải". Rồi bao giờ mẹ cũng ngâm nga: "Nàng Bân may áo cho chồng/ May ba tháng ròng chưa được ống tay..." và không quên câu nạt: "Mấy đứa con gái chúng mày, không biết đan lát thêu thùa nội trợ thì cũng đến ế chồng, bố mẹ chả làm trận rét cuối mùa được như cho con gái nhà trời đâu".
Nghe thế, lũ chúng tôi đều rụt cổ lại, cười le lưỡi. Sau đợt gió mùa mạnh mẽ chóng đến chóng đi, thể nào ra ngoài ngõ cũng thấy hoa xoan tím, hoa gạo đỏ rụng bời bời, chúng tôi tha hồ nhặt chơi đồ hàng. Lại nghe bà hàng xóm đã già, rất già than thở: "Bao giờ cho đến tháng ba/ Hoa gạo rụng xuống bà già cất chăn".
Hà Nội mờ ảo trong màn mưa bụi cuối xuân |
Vì là những đợt rét “em út”, nên ai cũng mong nó đến sớm, để kết thúc mùa rét, để thời tiết giao mùa chỉ còn là se se và đón một mùa mới về. Còn với người già, cứ một mùa rét qua đi là thấy nhẹ lòng. Sức già được bao nhiêu mà chống chịu với giá buốt, mưa phùn. Một mùa qua đi, cũng như thêm một tuổi trời.
Bây giờ, tháng ba Hà Nội hiếm hoi lắm mới thấy bóng hoa gạo. Gốc gạo già bên hồ Gươm thi thoảng có năm đơm hoa nở đỏ một góc trời. Cây gạo đỏ bên góc bệnh viện Việt Pháp vẫn níu mắt người đi đường mỗi độ tháng ba về.
Vì thế, tháng ba nhiều người nhớ hoa gạo vẫn hay đi ra khu vực ngoại thành, đặc biệt là các nơi như chùa Hương, chùa Thầy. Còn xoan tím thi thoảng mới thấy lấp ló nhạt nhòa trong vô vàn loài cây khác.
Dường như, hoa xoan, hoa gạo là loài hoa quê kiểng, nhắc đến đã thấy xa xôi, diệu vợi nên chẳng chọn chốn trú ngụ là thành phố ồn ào, náo nhiệt. Hoa xoan, hoa gạo đã lẫn vào ký ức như câu thơ đẹp đến nao lòng thuở "chân quê" ngày nào: "Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay/ Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy".
Trong cơn mưa rét, hoa ban đường Bắc Sơn, ven hồ Tây cũng bừng khoe sắc thắm, làm nền trời ảm đạm được thắm tươi đôi chút. Khi những cánh hoa đào cuối cùng đã rụng, khi hoa cúc, hoa hồng vẫn mải miết trôi đi trên phố, thì mùa hoa ban, loài hoa mang đầy hơi thở núi rừng bao năm nay bám rễ sâu vào đất Thủ đô, hòa mình vào cuộc sống nơi đây và giữ cho mình một góc trong tâm hồn người Hà Nội.
Đi trên những con đường ấy, tôi vẫn nuôi trong mình ao ước, giá như khắp Hà Nội này, sẽ có những con đường chỉ trồng riêng hoa sưa, riêng hoa ban, thì Hà Nội sẽ trở nên đẹp, nhiều điểm nhấn hơn rất nhiều mỗi tháng ba về.
Làm đẹp thêm thành phố bằng những hành vi văn minh
Trong những ngày dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, cả nước và thế giới đang gồng mình chống dịch thì ở yên một chỗ cũng là yêu thành phố, yêu đất nước.
Những ai buộc phải ra đường sẽ có cảm giác ướt át, bởi sự lép bép từ đường, ngõ, cho đến cả lúc ngồi yên vị trong nhà rồi vẫn thấy đầu tóc và quần áo mình âm ẩm như có sương luồn ở trong.
Mỗi khi ra đường, không bị bắn từ đằng sau thì cũng sẽ bắn bởi xe máy và người đi trước. Hà Nội đã và đang là “thánh địa” của xe máy. Tuy vậy, Hà Nội cũng ngày càng nhiều ôtô. Bây giờ, ra ngõ là chạm ôtô, rồi chả mấy chốc Hà Nội sẽ lại là phương tiện giao thông chính.
Nếu chỉ nhìn vào số lượng ôtô thì có lẽ rất đáng mừng, vì như thế có nghĩa rằng Hà Nội đã giầu, đã phát triển, đời sống của người dân cao hơn. Không chỉ xe cỡ thường thường bậc trung, những xe hơi đắt tiền, sang trọng thậm chí vào hàng "siêu xe" cũng sải bánh trên đường phố Thủ đô.
Đẹp thì đẹp thật, cao sang thật, nhưng không phải cứ ôtô là văn minh, hiện đại. Bởi cái xe không phải là quan trọng, mà quan trọng hơn, là người ngồi trên những chiếc xe đó. Văn hóa đi ôtô ở Hà Nội thì rõ ràng là điều rất đáng để phàn nàn, nhiều khi khiến người đi đường cảm thấy sự sang trọng chưa đi kèm với hành xử văn minh.
Đang mùa dịch bệnh như thế này, trong khi khá nhiều người đi xe máy dẹp bỏ được tật xấu khạc nhổ ra đường thì thi thoảng vẫn còn vài “ông” ô tô “tri triển” môn “kungfu” khó coi này. “Hiểm” ở chỗ, nếu người đi xe máy chuẩn bị khạc nhổ thì những người xung quanh còn biết các tín hiệu báo trước để mà tránh.
Đằng này, một chiếc ô tô đang kín mít, phóng vun vút bỗng cửa kính mở đánh vèo, người ở trong nhổ ra rất nhanh rồi thụt đầu kéo kính lên phóng đi tiếp thì thật là… khó đỡ. Hành vi thiếu lịch sự này kéo theo biết bao nhiêu hiểm họa về bệnh tật cho những người xung quanh.
Hà Nội những ngày này thông thoáng hơn nhưng vẫn còn tình trạng ôtô đậu tràn lan ở lề đường, thậm chí cả trên vỉa hè. Đến nỗi, người đi bộ và người đi xe máy đều phải nhường chỗ cho ôtô.
Còn khi đã tắc đường thì mạnh ai người nấy lách, các "ông" ôtô tưởng văn minh hơn, xót của hơn cũng không chịu nhường, mà nhiều khi còn “lấy thịt đè người”, chèn cả sang làn đường xe máy, chèn cả sang làn đi bộ, thành ra, chẳng còn kẽ hở nào xe máy, xe đạp linh động chen lên.
Đấy là chưa kể, trời nắng thì xả khói ầm ầm, trời mưa thì phóng rẽ đất rẽ nước, hậu quả chắc chắn chỉ những người "kém điều kiện" hơn, đấy là xe máy, xe đạp và người đi bộ phải gánh chịu.
Trong tôi, những ngày này Hà Nội là “thành phố mưa phùn”. Cuộc sống bên trong màn mưa bụi li ti như rắc phấn ấy, đẹp thì có đẹp, lãng mạn thì có lãng mạn, nhưng cứ ra ngoài đường là phải cẩn thận. Ngồi trong ô tô càng phải thể hiện nét văn hóa giao thông, nét văn minh ứng xử thanh lịch, tôn trọng mình và tôn trọng người khác, nhất là mùa bệnh dịch đang rất nhiều hiểm họa như thế này.
Dù vậy, cuộc sống vẫn phải tiếp diễn. Dịch bệnh không có nghĩa là ngưng hết mọi thứ. Trẻ con nghỉ học không có nghĩa là người lớn nghỉ làm. Chúng ta vẫn phải lao động, vẫn phải sản xuất, vẫn phải tham gia giao thông, vẫn phải thể hiện nếp sống văn minh ở trong bất kì hoàn cảnh nào.
Ngại nhất là cái “tâm lý mưa phùn”, tâm lí nghỉ chống dịch cứ nhì nhằng dây dưa sang cả tâm lý làm việc. Vì điều đó, có cảm giác đang kéo cái lối sống thư thái vốn được ngợi ca của người Hà Nội thêm chút nữa, thành sự lề mề chậm chạp.
Một việc chậm. Hai việc chậm. Rồi lâu dần đang thành một lối sống chậm, lối tư duy chậm và ì trệ trước cả nhiều vấn đề xã hội khác.
Vậy thì mong sao, mưa phùn sớm đi qua, dịch bệnh sớm đi qua thành phố này…