Phát triển công nghiệp văn hoá theo lộ trình chắc chắn, phù hợp
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn chủ trì hội thảo.
Dự hội thảo có các đồng chí: Bạch Liên Hương - Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao; Lê Ngọc Anh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội; Nguyễn Công Anh - Phó Giám đốc Sở Tư pháp; lãnh đạo các đơn vị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; lãnh đạo các ban, sở, ngành; một số quận, huyện, thị xã cùng các nhà khoa học, đại diện làng nghề, nghệ nhân, nghệ sĩ…
![]() |
Quang cảnh hội thảo |
Nền tảng để "biến" văn hoá thành nguồn lực
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, Hội thảo là cơ hội quý giá để TP Hà Nội tiếp thu các ý kiến quan trọng của các lãnh đạo, cơ quan quản lý Nhà nước, nhà khoa học, chuyên gia, các nghệ nhân, nghệ sĩ… về hoàn thiện, xây dựng thể chế bảo vệ, phát triển văn hóa Thủ đô, xứng tầm với truyền thống ngàn năm Thăng Long Hà Nội và xây dựng Hà Nội là nơi hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước nói chung và phát triển công nghiệp văn hóa nói riêng.
Về thi hành Luật Thủ đô năm 2024, hiện nay, TP Hà Nội đã xây dựng, ban hành hệ thống quy phạm của pháp luật, cụ thể hóa quy định của Luật Thủ đô về bảo vệ phát triển văn hóa. Theo kế hoạch, tại HĐND TP sẽ xem xét, ban hành 2 dự thảo Nghị quyết quy định về tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa và Nghị quyết về khu phát triển thương mại và văn hóa.
“Hội thảo hôm nay tập trung thảo luận về vấn đề mô hình tổ chức, hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa; cách thức thành lập, vận hành các khu phát triển công nghiệp văn hóa, làng nghề, các khu có lợi thế phát triển công nghiệp văn hóa.... để phát huy thế mạnh, biến văn hóa thành động lực phát triển Thủ đô”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội thông tin và kỳ vọng hai nghị quyết này nếu được ban hành sẽ là cơ sở quan trọng của việc phát triển văn hoá nói chung, công nghiệp văn hoá nói riêng, là nền tảng để "biến" văn hoá thành nguồn lực Thủ đô, giúp Hà Nội đạt được mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững.
![]() |
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn phát biểu tại hội thảo |
Tái sử dụng các công trình, khu công nghiệp cũ
Tại hội thảo, các cơ quan quản lý Nhà nước, chuyên gia, nhà khoa học, nghệ nhân... đã tập trung vào các vấn đề lý luận, đánh giá thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả phát triển văn hóa trên địa bàn TP Hà Nội. Các kinh nghiệm của các nước như Pháp, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore... về tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo, khu phát triển thương mại và văn hóa đã gợi mở nhiều bài học cho Thủ đô Hà Nội.
Trong đó, KTS Emmanuel Cerise, Trưởng đại diện Vùng Région Ile-de-France tại Hà Nội, Giám đốc Cơ quan hỗ trợ Hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam cho biết, ngành công nghiệp văn hóa mang lại cho Pháp 110 tỷ đô/năm. Tại Paris, khi phát triển trung tâm công nghiệp văn hóa, chính quyền rất quan tâm đến kết nối được giao thông công cộng. Những điểm văn hóa rất thu hút và nhu cầu giao thông công cộng gắn với các điểm này gia tăng. Hiện tại, tuyến đường sắt 200km nội vùng Paris kết nối tất cả các điểm văn hóa chính của vùng.
“Hà Nội hiện có 2 tuyến đường sắt đô thị. Tôi hy vọng, Hà Nội nên gắn các điểm văn hóa này với lộ trình tuyến đường sắt đô thị. Metro là phương tiện lý tưởng để quảng bá, phát triển công nghiệp văn hóa” - KTS Emmanuel Cerise nêu.
![]() |
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Lê Ngọc Anh phát biểu tại hội thảo |
Trong khi đó, bà Phạm Thanh Hường, Trưởng ban Văn hoá Văn phòng UNESCO tại Hà Nội cho rằng, Hà Nội có nhiều di sản đô thị cũ đã được làm sống lại qua các lễ hội sáng tạo như Bốt Hàng Đậu, Nhà máy xe lửa Gia Lâm… Đây là tiềm năng lớn để phát triển trung tâm công nghiệp văn hoá.
Bà Phạm Thanh Hường đề xuất tái sử dụng khu công nghiệp cũ, di sản công nghiệp bị bỏ hoang thành trung tâm công nghiệp văn hoá - vừa tiết kiệm chi phí, vừa tạo cảm hứng sáng tạo. Ngoài ra, cần phát triển trung tâm liên kết đa ngành: Văn hóa, thiết kế sáng tạo, công nghệ, khuyến khích thử nghiệm mới và tạo không gian trải nghiệm.
Là người tham gia xây dựng nhiều mô hình công nghiệp văn hoá tại Hà Nội, kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh chia sẻ tiêu chí xây dựng mô hình mới bên cạnh việc tái sử dụng công trình cũ. Theo ông, để hiệu quả, trung tâm công nghiệp văn hoá nên có diện tích từ 1 - 5 ha, thu hút khoảng 60 - 80 gian hàng, đồng thời có không gian chung thiết kế thân thiện, gắn kết cộng đồng.
Phát huy sự sáng tạo, đổi mới của khu vực tư nhân
Tham gia đóng góp tại hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Lê Ngọc Anh đề xuất, Hà Nội hoàn thiện cơ chế, chính sách (ưu đãi đất đai, quy hoạch đô thị, thuế…), tạo hành lang pháp lý phát triển các không gian sáng tạo và ngành công nghiệp văn hoá có thế mạnh; chọn trọng tâm, hỗ trợ doanh nghiệp văn hóa - sáng tạo; đầu tư hạ tầng giao thông phục vụ các trung tâm; đa dạng mô hình tổ chức công - tư; cập nhật quy hoạch phù hợp với định hướng công nghiệp văn hoá.
![]() |
Đại biểu dự hội thảo |
Trong khi đó, đại diện các doanh nghiệp cho rằng, chủ đầu tư về công nghiệp văn hoá cần hạ tầng tài chính và nền tảng quản trị, do vậy, TP cần hỗ trợ doanh nghiệp cơ chế về quỹ đầu tư, giúp doanh nghiệp kết nối cộng đồng, phát triển các nội dung sáng tạo.
Ngoài ra, TP cũng cần hỗ trợ vấn đề sở hữu trí tuệ; tạo đầu mối kết nối doanh nghiệp; đồng thời đề xuất áp dụng VAT chỉ 3-5% cho các doanh nghiệp sáng tạo nhỏ…
Kết luận tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đã tiếp thu và trao đổi làm rõ thêm một số ý kiến đại biểu. Theo đó, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP khẳng định, việc phát triển công nghiệp văn hoá là một trong những chủ trương quan trọng của TP nhằm biến văn hóa thành động lực phát triển kinh tế - xã hội. Trong điều kiện hiện nay, TP sẽ ưu tiên việc sử dụng lại các khu nhà máy, trụ sở, khu công nghiệp cũ để cải tạo, chuyển đổi công năng phục vụ phát triển văn hóa.
Bên cạnh đó, TP đã ban hành Nghị quyết về liên doanh, liên kết, nhượng quyền… Đây là cơ sở để các đơn vị mạnh dạn thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hoá theo hình thức này. “Thành phố sẽ chủ trương đẩy mạnh hình thức hợp tác công - tư (đầu tư công, quản trị tư), phát huy sự sáng tạo, đổi mới của khu vực tư nhân”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn cho biết.
![]() |
Quang cảnh hội thảo |
Ngoài ra, đồng chí Lê Hồng Sơn lưu ý cần quan tâm đến quy hoạch chuyên ngành, tránh chồng chéo, để có thể huy động tối đa các nguồn lực cùng tham gia phát triển. Với vai trò định hướng, Hà Nội sẽ tập trung hỗ trợ về công nghệ, truyền thông, hợp tác quốc tế và phát triển thị trường. Việc phát triển trung tâm công nghiệp văn hoá cần được thực hiện theo lộ trình với những bước đi phù hợp, chắc chắn.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Nhiều nghệ sĩ trẻ truyền cảm hứng yêu nước, tự hào dân tộc

Mô hình trung tâm công nghiệp văn hóa trong đơn vị sự nghiệp công lập

Khai thác không gian cảng sông Bát Tràng thành Khu thương mại văn hoá

Đa dạng hóa mô hình tổ chức Trung tâm công nghiệp văn hóa

Bàn giải pháp tổ chức, quản lý hai mô hình phát triển văn hóa

“Sách mở rộng thế giới tư duy” tôn vinh văn hóa đọc

Tạo đà cho công nghiệp văn hóa của Thủ đô cất cánh

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Thủ tướng Ethiopia tham quan chùa Trấn Quốc

Amway Việt Nam ra mắt dòng sản phẩm chăm sóc tóc Satinique mới
