Gỡ khó cho cơ chế tự chủ trong giáo dục đại học như thế nào?
Tạo chuyển biến trong giáo dục đại học và nghề nghiệp Chia sẻ kinh nghiệm đào tạo trực tuyến giáo dục đại học ứng phó với dịch Covid-19 |
Dự hội thảo có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và hơn 250 đại biểu đại diện các bộ, ngành, các tổ chức quốc tế, nhà quản lý cơ sở giáo dục đại học và nhiều chuyên gia, nhà khoa học...
Hội thảo diễn ra trong một ngày, chia làm 3 phiên, gồm: Những vấn đề chung; thể chế tự chủ trong giáo dục đại học; tự chủ tài chính trong giáo dục đại học.
Toàn cảnh hội thảo |
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn coi giáo dục là quốc sách hàng đầu. Giáo dục đại học Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mạng lưới các trường đã phát triển nhanh, đa dạng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của nhân dân. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục đại học từng bước được hoàn thiện, là hành lang pháp lý cho giáo dục đại học phát triển phù hợp với chủ trương, định hướng đổi mới của Đảng.
Nhiều chính sách mới đã được hoạch định và thực thi, trong đó có cơ chế tự chủ trong giáo dục đại học. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi, chủ trương này còn có những khó khăn, rào cản.
Hội thảo là diễn đàn để các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ quản lý giáo dục và các nhà hoạch định chính sách trao đổi, thảo luận về thực trạng triển khai, đề xuất những giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách, nâng cao hiệu quả tự chủ trong giáo dục đại học, phát huy sáng tạo của các cơ sở giáo dục đại học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho công cuộc phát triển đất nước.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tham dự hội thảo |
Có 105 bài tham luận đã được gửi tới Ban tổ chức. Các ý kiến tại hội thảo tập trung thảo luận về một số nội dung, như: Điều kiện thực hiện quyền tự chủ; những quy định pháp luật về tự chủ; cơ chế quản trị của hội đồng trường trong thực hiện tự chủ; mối quan hệ giữa cơ quan chủ quản và trường đại học; tự chủ đại học và trách nhiệm giải trình của đại diện chủ sở hữu cơ sở giáo dục đại học...
Nhiều ý kiến cũng đã làm rõ thêm vấn đề tự chủ tài chính trong giáo dục đại học; trách nhiệm của Nhà nước trong đầu tư, phát triển giáo dục đại học; vấn đề sở hữu tài sản trong tự chủ đại học...
Phát biểu tham luận liên quan đến triển khai chính sách, pháp luật về tự chủ đại học, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chia sẻ: Tự chủ đại học là xu hướng tất yếu trên thế giới, nhưng quan niệm và mức độ triển khai còn khác nhau. Tự chủ đại học không còn mới ở Việt Nam, nhưng vẫn còn quan niệm chưa đúng bản chất (vẫn thường được hiểu gắn với tự bảo đảm kinh phí).
Do đó, để thực hiện tự chủ cần đổi mới nhận thức. Tuy nhiên, đổi mới nhận thức là một quá trình, cần hành động để thay đổi nhận thức chứ thể không chờ thay đổi nhận thức rồi mới hành động.
Trao đổi về bản chất của tự chủ đại học, Thứ trưởng chia sẻ, đó là vấn đề tự quyết và chịu trách nhiệm của trường đại học về những hoạt động của mình. Ngoài ra, trường đại học có hệ thống quản trị nội bộ để phân quyền và trách nhiệm, đảm bảo quá trình ra quyết định và thực hiện trách nhiệm giải trình tốt hơn.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tham luận tại hội thảo |
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn thông tin, Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục đại học; tăng cường công tác thanh tra, giám sát và quản lý chất lượng; nâng cao nhận thức về đổi mới và tự chủ đại học; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để thực hiện tự chủ trong thời gian tới...
Bộ GD&ĐT đề xuất Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo rà soát, từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản đồng bộ cho cơ chế tự chủ trong giáo dục đại học; tăng tỷ trọng đầu tư ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học; thành lập Ban chỉ đạo về tự chủ đại học...
Các ý kiến góp ý tại hội thảo là căn cứ lý luận và thực tiễn cho Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong việc thực hiện chức năng giám sát và quyết định các chính sách phát triển giáo dục đại học, hoàn thiện hành lang pháp lý cho giáo dục đại học phát triển hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã điểm lại việc triển khai cơ chế tự chủ trong giáo dục đại học thời gian qua và nhấn mạnh, tinh thần tự chủ trong giáo dục đại học đã được luật hóa. Những năm vừa qua, chất lượng giáo dục đại học đã có nhiều chuyển biến, nhiều cơ sở giáo dục đại học đã lọt vào bảng xếp hạng giáo dục đại học của thế giới.
Phó Thủ tướng nhận định, cơ chế tự chủ trong giáo dục đại học mới thực hiện được một bước, trước mắt còn một quá trình dài. Để thực hiện hiệu quả cơ chế tự chủ phải bắt đầu từ chuyên môn, có mô hình quản trị tiên tiến, nâng cao tính dân chủ, đặc biệt là việc thực hiện tự chủ phải gắn liền với trách nhiệm giải trình, nhất là trách nhiệm giải trình với người học, với xã hội, với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên...
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, tự chủ không có nghĩa là Nhà nước không đầu tư nữa. Chính phủ đã và đang chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện cơ chế tự chủ trong giáo dục đại học, trong đó có việc giao nhiệm vụ đặt hàng đào tạo bằng ngân sách nhà nước; bên cạnh đó là đẩy mạnh cơ chế tự chủ nhưng không làm giảm cơ hội tiếp cận giáo dục của người nghèo và đối tượng chính sách.