Góc nhỏ văn hóa giữa phố phường Hà Nội
Lan tỏa giá trị lịch sử và văn hóa của Thủ đô Cổ Loa - Dấu ấn lịch sử và văn hóa |
Nơi trao đổi tri thức, gắn kết tình xóm làng
Tại cầu thang văn hóa tòa nhà A3, trong không gian chỉ khoảng 20m2 có nhiều đầu sách, báo, tạp chí được sắp xếp gọn gàng trên những ngăn tủ kính và một dãy bàn ghế sạch sẽ để người dân ngồi đọc. Không chỉ là nơi đọc sách, báo, đây cũng là địa điểm trao đổi “tri thức”, chia sẻ tâm tư, tình cảm cho mỗi người dân khi dừng chân như một thói quen vô hình.
Thường ngày, cứ đến khoảng 8 giờ sáng là ở cầu thang văn hóa khu nhà A3 lại nhộn nhịp hẳn lên, người dân đến ngồi đọc trao đổi với nhau về nội dung sách, báo, tin tức thời sự, người đi qua cũng dừng lại hỏi han dăm ba câu chuyện… tất cả tạo nên một không gian thân quen, gắn kết như người nhà.
Bà Đào Thị Anh Tuấn, phụ trách cầu thang văn hóa nhà A3 luôn bận rộn hướng dẫn các độc giả tìm sách báo |
Bà Đào Thị Anh Tuấn, phụ trách cầu thang văn hóa nhà A3 cho biết: “Cầu thang văn hóa này thành lập từ năm 1999. Từ khi có cầu thang văn hóa thì tình làng nghĩa xóm bà con rất vui vẻ, đi chợ hay đi đâu về cũng dừng lại trao đổi với nhau. Có khi chuyện nhà không nói được với con cháu nhưng mà nói được với nhau ở đây khiến tâm trạng, tư tưởng được giải tỏa thêm gắn kết gia đình và tình cảm xóm giềng”.
Được thành lập từ năm 1999, xuất phát từ ý tưởng mở một thư viện nhỏ tại khu vực cầu thang của một cựu quân nhân, cư dân nhà A3 đã cùng nhau kêu gọi mọi người góp tiền để mua báo, mua sách. Dần dần thư viện nhỏ được hình thành và trở thành một địa điểm để mọi người đến đọc sách báo mỗi ngày.
Cầu thang văn hóa là địa điểm trao đổi, chia sẻ tâm tư, tình cảm của mỗi cư dân |
Cũng theo bà Tuấn, nếu không có cầu thang văn hóa, khu vực cầu thang này sẽ được mọi người tận dụng để đồ dùng, vật dụng rất lộn xộn. Từ khi có góc này, không gian cầu thang lúc nào cũng sạch sẽ vì mọi người thay nhau quét dọn. Bên cạnh đó, an ninh ở khu vực cầu thang cũng ổn định hơn.
Công nghệ cũng không thay thế được cầu thang văn hóa
Thời điểm người dân tập trung tại cầu thang văn hóa đông nhất là từ 8 - 9 sáng và từ 4 - 5 giờ chiều hàng ngày. Người đọc đa phần là người lớn tuổi hoặc trung niên. Những ngày nghỉ cũng có đông bạn trẻ đến đọc sách và ngồi học.
Bà Trương Thị Đoan, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ: “Cầu thang này không chỉ sống trong lòng của Nhân dân tổ 17 mà còn lan tỏa ra nhiều nơi, là niềm tự hào của chúng tôi vì nó là nguồn tri thức ngoài cộng đồng cho toàn thể Nhân dân. Chúng ta xây dựng xã hội học tập không chỉ nhà trường mà ở ngoài đời, sách báo, cộng đồng. Đó là nguồn thông tin học tập quan trọng…”.
Nhiều người dân thích ngồi ở không gian cầu thang văn hóa để đọc và trò chuyện với hàng xóm |
Trao đổi với báo Tuổi trẻ Thủ đô, ông Đỗ Trung Minh, Bí thư Chi bộ tổ dân phố 17, khu tập thể Bắc Nghĩa Tân, phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội, cho biết: “Đến nay cầu thang văn hóa như một trung tâm học tập cộng đồng cho người già, người trẻ, thanh thiếu niên, đặc biệt về sách của pháp luật. Đây là mô hình rất thiết thực, có ích cho mọi người“.
Không chỉ là nơi chia sẻ tình làng nghĩa xóm, cầu thang văn hóa còn là nơi gắn kết các thế hệ trong khu tập thể. Nhiều người trẻ đến đây không chỉ ngồi đọc sách, truyện mà còn mang cả sách, vở ra ngồi học.
Em Hoàng Tuệ Minh, học sinh trường THCS Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy cho biết: “Ở nhà cũng chán nên em ra đây đọc sách và hỏi các ông, bà về lịch sử Việt Nam. Những câu chuyện, cách kể của ông, bà làm cho em dễ nhớ hơn. Ngoài ra, không gian ở đây cũng rất thoải mái, em có thể giao lưu trò truyện với các bạn cởi mở và an toàn”.
Tủ sách cầu thang văn hóa |
Từ mô hình của khu nhà A3, đến nay hơn 176 cầu thang phường Nghĩa Tân, quận Cầu giấy đã đăng ký xây dựng cầu thang văn hóa. Đây được xem là mô hình nhỏ nhưng ý nghĩa lớn. Bởi tại đây mọi người không chỉ giao lưu, sống khỏe, sống vui mà quan trọng hơn nó còn trở thành địa chỉ hiệu quả để tuyên truyền, phổ biến các quy định, quy tắc ứng xử, góp phần xây dựng mô hình tập thể văn hoá, ứng xử lịch thiệp, tôn trọng không gian chung.
Nhiều người dân chia sẻ, cầu thang văn hóa có phân công người trực, đưa báo, cất báo, dọn vệ sinh hàng ngày. Ngoài ra, đây không chỉ là cầu thang văn hóa đơn thuần mà là kênh kiểm tra an ninh, từ khi xây dựng đến nay chưa có vụ việc về mất an ninh trật tự gì xảy ra.
Người dân cùng nhau quét dọn sạch đẹp khu vực đọc sách |
Mặc dù công nghệ ngày càng phát triển nhưng cầu thang văn hóa vẫn tồn tại hiệu quả và trở thành nét đẹp giữa lòng Thủ đô. Mô hình này cũng là nơi tuyên truyền, phổ biến các quy định, quy tắc ứng xử, góp phần xây dựng mô hình tập thể văn hóa, ứng xử lịch thiệp, tôn trọng không gian chung.