Góp phần xây dựng cơ chế, chính sách về sở hữu trí tuệ
zTag nền tảng thương mại điện tử về quyền sở hữu trí tuệ Hà Nội mạnh tay xử lý hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ |
Nâng cao nhận thức sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Nhung, Hiệu trưởng trường Đại học Mở Hà Nội khẳng định: “Đây là một diễn đàn rất ý nghĩa đối với các cơ sở giáo dục đại học nói chung và trường Đại học Mở Hà Nội nói riêng. Các chuyên gia không chỉ giúp lan tỏa kiến thức, nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ và bản quyền; ý thức tôn trọng và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả và các quyền liên quan mà còn chia sẻ ý kiến, kinh nghiệm cần thiết về cách thức tiến hành xác lập quyền sở hữu trí tuệ, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sáng chế, giải pháp hữu ích, sáng kiến, tác phẩm.
PGS.TS Nguyễn Thị Nhung, Hiệu trưởng trường Đại học Mở Hà Nội phát biểu tại hội thảo |
Đồng thời, các diễn giả chia sẻ kinh nghiệm chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học, để làm thế nào vừa đảm bảo khai thác hiệu quả của các đề tài sau khi được nghiệm thu, vừa đảm bảo quy định liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ.
Bên cạnh đó, hội thảo cũng là diễn đàn cho các nhà trường có thêm góc nhìn để nghiên cứu, ban hành giải pháp, cơ chế, chính sách tổ chức và quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ phù hợp, nhằm tăng cường số lượng sáng chế, giải pháp hữu ích được công nhận bảo hộ; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các nhà khoa học, nhà sáng chế và khai thác hiệu quả kết quả nghiên cứu khoa học”.
Các giảng viên, nhà khoa học, chuyên gia chủ toạ tại hội thảo |
Theo PGS.TS. Phạm Thị Tâm, Trưởng phòng Quản lý khoa học và đối ngoại, trường Đại học Mở Hà Nội: Hội thảo đã nhận được nhiều bài tham luận đầy tâm huyết, trách nhiệm từ các chuyên gia của các cơ quan quản lý Nhà nước thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến từ nhiều cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp. Ban Tổ chức nhận được sự quan tâm, tham dự của đông đảo đại biểu đến từ nhiều cơ sở giáo dục đại học trong cả nước. Các đại biểu thẳng thắn trao đổi trên tinh thần khoa học và tập trung.
PGS.TS. Phạm Thị Tâm, Trưởng phòng Quản lý khoa học và đối ngoại, trường Đại học Mở Hà Nội chia sẻ tại hội thảo |
"Trường Đại học Mở Hà Nội sẽ tổ chức thẩm định các báo cáo tham luận, lựa chọn những báo cáo có chất lượng để công bố trên Tạp chí khoa học của trường. Đồng thời, tổng hợp các đề xuất, kiến nghị, báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xem xét ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp liên quan đến hoạt động sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ của các cơ sở giáo dục đại học", PGS.TS. Phạm Thị Tâm cho hay.
Một bộ phận cốt lõi của quản trị cơ sở giáo dục đại học
Tham luận tại hội thảo, TS Lê Ngọc Lâm, nguyên Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Cố vấn Phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Văn phòng Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva: Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Quyền tác giả được bảo hộ theo nguyên tắc “tính nguyên gốc”.
TS Lê Ngọc Lâm, nguyên Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Cố vấn Phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Văn phòng Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva tham luận |
Quyền liên quan là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa. Sáng chế, giải pháp hữu ích kỹ thuật là dạng sản phẩm hoặc quy trình; giải quyết một vấn đề nhất định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên. Điều kiện bảo hộ đối với sáng chế là tính mới; trình độ sáng tạo; khả năng áp dụng công nghiệp. Điều kiện bảo hộ đối với giải pháp hữu ích là tính mới, khả năng áp dụng công nghiệp.
Kiểu dáng công nghiệp hình dáng bên ngoài của sản phẩm thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố đó. Điều kiện bảo hộ đối với kiển dáng công nghiệp là tính mới; tính sáng tạo; khả năng áp dụng công nghiệp.
Theo PGS.TS Phan Quốc Nguyên, trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội: Đại học là cái nôi sản sinh ra số lượng lớn tài sản trí tuệ từ các hoạt động: Nghiên cứu, đào tạo, tư vấn và chuyển giao tri thức. Tài sản trí tuệ có thể được bảo hộ dưới các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ và có khả năng thương mại hoá. Do vậy, việc khai thác và quản trị tài sản trí tuệ rất quan trọng, giúp cơ sở đại học bảo vệ các ý tưởng và nghiên cứu, tạo cơ hội thương mại hoá, tăng thu nhập bền vững, thúc đẩy hợp tác và chuyển giao công nghệ, nâng cao uy tín, thương hiệu.
PGS.TS Phan Quốc Nguyên, trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội tham luận |
PGS.TS Phan Quốc Nguyên cho biết: Quản trị là hoạt động cần thiết phải được thực hiện khi con người kết hợp với nhau trong các tổ chức nhằm đạt được những mục tiêu chung. Quản trị cũng là một quá trình do một hay nhiều người thực hiện nhằm phối hợp các hoạt động của những người khác để đạt được kết quả mà một người hành động riêng sẽ không thể nào đạt được.
Tài sản trí tuệ được coi là một bộ phận của tài sản vô hình được ghi nhận trong Bộ Luật Dân sự năm 2015. Theo ý kiến của một số chuyên gia và học giả uy tín quốc tế, tài sản vô hình được hiểu là: Tài sản không có bản chất vật chất, nghĩa là tài sản mà sự tồn tại của nó không thể được nhận biết nhờ các giác quan, tồn tại dưới nhiều dạng khác nhau.
Hội thảo được tổ chức kết hợp giữa hình thức trực tiếp tại trụ sở chính trường Đại học Mở Hà Nội và gần 200 điểm cầu trực tuyến |
Tuy nhiên, theo ý kiến của tác giả, tài sản vô hình hay cụ thể hơn là tài sản trí tuệ dù mang bản chất phi vật chất nhưng vẫn có thể xác định được nhờ một số giác quan do một số đặc tính riêng, khác biệt. Do vậy, ngoài đặc tính vô hình, tài sản trí tuệ còn mang đặc tính đổi mới sáng tạo.
Theo tác giả, quản trị tài sản trí tuệ trong cơ sở giáo dục đại học là một bộ phận cốt lõi của hoạt động quản trị cơ sở giáo dục đại học, bao gồm một chuỗi các hoạt động từ việc tìm kiếm, xác định, phân loại tài sản trí tuệ, đến việc bảo hộ, thực thi và quan trọng là phát triển, thương mại hóa tài sản này.