Hà Nội chủ động các giải pháp chống úng ngập mùa mưa bão
Vẫn còn tồn đọng 11 trọng điểm về ngập úng nặng
Mùa mưa bão năm 2021 mới bắt đầu. Tình trạng ngập úng trên nhiều tuyến phố do ảnh hưởng của mưa bão cũng đã xuất hiện tại Hà Nội vào tháng 5 và tháng 6.
Chiều tối 11/5 vừa qua, tại Hà Nội có mưa lớn. Mặc dù chỉ xảy ra trong khoảng thời gian gần 1 giờ đồng hồ nhưng đã biến nhiều tuyến phố thành sông. Lượng mưa đã vượt thiết kế và sức chịu tải của hệ thống thoát nước. Trên nhiều tuyến phố ở Hà Nội như: Quang Trung, Nguyễn Du, Bà Triệu, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Xiển - Khuất Duy Tiến, Trần Phú - Phùng Hưng… nước ngập trắng phố. Riêng phố Nguyễn Đình Thi (Tây Hồ), mưa làm nước hồ Tây dâng lên tận mặt đường, phương tiện không thể di chuyển.
Tiếp đó, ngày 7/6, mưa lớn trên diện rộng, dù diễn ra trong thời gian ngắn nhưng đã gây úng ngập cục bộ tại phố Hoàng Quốc Việt (khu vực Đại học Điện lực), phố Trần Bình, phố Phan Văn Trường, phố Hoa Bằng…
Nước ngập vào tầng 1 của một căn nhà trên phố Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) sau trận mưa ngày 11/5 vừa qua |
Ngay trong ngày đầu tổ chức kỳ thi vào lớp 10 (ngày 12/6), từ 5 - 6 giờ 30 trên địa bàn TP Hà Nội có mưa lớn với cường độ cao tại nhiều tuyến đường xuất hiện những điểm ứ đọng cục bộ như: Thụy Khuê, đoạn trường Chu Văn An - dốc La Pho; phố Bùi Xương Trạch (đoạn từ số nhà 49 đến số nhà 93); phố Quan Nhân; ngã ba Vũ Trọng Phụng - Quan Nhân...
Theo đánh giá của Sở Xây dựng Hà Nội, khu vực nội thành Hà Nội có diện tích khoảng 300km2. Tuy nhiên, hiện mới có hệ thống thoát nước lưu vực các sông Tô Lịch, Lừ, Sét, Kim Ngưu, với diện tích 77,5km2 (gồm các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai và một phần các quận Tây Hồ, Cầu Giấy, Thanh Xuân) được đầu tư cơ bản hoàn chỉnh, có thể giải quyết tiêu thoát nước khi xảy ra những trận mưa có cường độ 300mm/2 ngày. Khu vực còn lại, chủ yếu thoát nước bằng tự tiêu, tự chảy...
Qua thực tế công tác quản lý, duy trì hệ thống thoát nước năm 2020, trên các tuyến phố chính khu vực nội thành tồn tại 16 điểm úng ngập. Cuối mùa mưa năm 2020, đã giảm được 5/16 điểm úng ngập.
Ngoài ra, một số ngõ, ngách khu dân cư còn tình trạng úng ngập cục bộ khi mưa lớn do hệ thống thoát nước đã xuống cấp. Mùa mưa năm 2021, dự báo với các trận mưa dưới 50mm/2 giờ không xảy ra úng ngập. Với các trận mưa 50-100mm/2 giờ, Hà Nội vẫn còn tồn đọng 11 trọng điểm về ngập úng nặng cần đặc biệt quan tâm như phố Nguyễn Khuyến, khu vực cổng trường Lý Thường Kiệt; Phố Hoa Bằng, đoạn từ số nhà 91 đến số 97 và từ số nhà 54 đến 56…
Chủ động các giải pháp giảm ngập úng
Trước mùa mưa bão 2021, bài toán xóa, giảm các điểm đen về ngập lụt trên địa bàn thành phố đã được các cơ quan chức năng chủ động đưa ra các giải pháp cụ thể.
Theo ông Trịnh Ngọc Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội - đơn vị đảm trách quản lý, duy trì hệ thống thoát nước phần lớn khu vực nội thành, ngay từ đầu năm 2021, Công ty đã yêu cầu các xí nghiệp nạo vét hệ thống sông, kênh, mương, cống dọc, tập trung tại các trục tiêu thoát nước chính, các khu vực thường xảy ra úng ngập; Sửa chữa, bảo dưỡng trạm bơm, đập điều tiết... nhằm đưa nước nhanh nhất về các nguồn tiêu và các trạm bơm đầu mối, bảo đảm giảm thiểu các điểm úng ngập cục bộ.
Ngay từ tháng 4, công nhân thoát nước của công ty đã dồn lực nạo vét hệ thống thoát nước chính; Bảo dưỡng máy móc, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với mùa mưa bão năm 2021. Tại ngã tư phố Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm), một trong 11 điểm úng ngập khu vực nội đô, công nhân Tổ duy trì số 5, Xí nghiệp Thoát nước số 1 (Công ty Thoát nước Hà Nội) đã tập trung rà lại tuyến cống ngầm.
Bên cạnh đó, tại phố Võ Văn Dũng (quận Đống Đa), 12 công nhân của Xí nghiệp thi công cơ giới (Công ty Thoát nước Hà Nội) cũng đã tiến hành nạo vét, hút bùn dưới lòng cống ngầm, bảo đảm thoát nước cho khu dân cư dọc tuyến phố Nguyễn Lương Bằng, Đặng Tiến Đông, Hoàng Cầu đến sông Tô Lịch. Cùng với đó, tại Cụm công trình đầu mối Yên Sở, công tác sửa chữa, bảo dưỡng 20 tổ máy bơm, 10 đập điều tiết cũng đang ở trong những công đoạn cuối...
Theo kết quả thực hiện, toàn bộ mực nước đệm trên hệ thống thoát nước đã được hạ thấp nhằm đề phòng những trận mưa lớn. Các trạm bơm trên hệ thống cũng gần như đã bảo dưỡng, sửa chữa xong. Các trục thoát nước chính, điểm úng ngập đều được nạo vét, hút bùn, bảo đảm dẫn dòng tiêu thoát nước về các hồ, cũng như điều tiết nước về Trạm bơm Yên Sở nhanh nhất khi xảy ra mưa lớn.
Công nhân Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội hút bùn đất tạo dòng chảy trước mùa mưa bão |
Với 11 điểm úng ngập, ông Trịnh Ngọc Sơn cũng cho biết, công ty sẽ duy trì các chốt có nhân viên thoát nước trực cảnh báo, hướng dẫn người dân đi lại trong thời gian xảy ra ngập; đồng thời chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện, thiết bị cơ giới, gồm: 128 xe hút; 2 xe bơm di động công suất 1.800m3/giờ, 9 máy bơm chuyên dùng... kịp thời xử lý úng ngập, giải tỏa ách tắc giao thông khi có mưa lớn.
Để bảo đảm tiêu thoát nước trong mùa mưa, Sở Xây dựng Hà Nội cũng đã chỉ đạo các đơn vị duy trì thoát nước kiểm tra, sửa chữa công trình đầu mối, trạm bơm thoát nước; Duy tu, duy trì 99 hồ điều hòa; Nạo vét 110km cống ngầm bằng dây chuyền cơ giới; Nạo vét 48.847m3 bùn trên hệ thống mương, sông, hồ...
Cùng với đó, Sở Xây dựng đề nghị các đơn vị duy trì thoát nước triển khai công tác ứng trực giải quyết thoát nước suốt mùa mưa: Xây dựng ứng trực 24/24 giờ, giải quyết thoát nước khi mưa; Chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện, thiết bị cơ giới và các trạm bơm cục bộ hiện có ứng trực khi mưa, kịp thời bơm nước chống úng ngập cục bộ tại một số điểm trũng trên các trục đường chính, giải tỏa ách tắc giao thông khi có mưa lớn.
Hà Nội còn 12 điểm úng ngập tại khu vực nội thành Hà Nội: Huy động các giải pháp tối ưu đối phó với “điểm đen” úng ngập Hà Nội xây dựng 3 phương án phòng chống úng ngập mùa mưa bão 2020 |