Hà Nội hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã khơi thông tiêu thụ, vận chuyển hàng hóa
Đa dạng hóa các kênh phân phối
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã chủ động phối hợp với các địa phương nỗ lực thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa làm tốt công tác phòng chống dịch, vừa phát triển sản xuất. Nhờ đó, đến thời điểm hiện tại, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố vẫn được duy trì ổn định. Nông nghiệp Hà Nội có khả năng tự cung ứng hằng tháng 56.338 tấn gạo, đáp ứng 57,8% nhu cầu tiêu dùng; 17.500 tấn thịt lợn hơi, đáp ứng 92,6% nhu cầu; 67.299 tấn rau củ quả, đáp ứng 64% nhu cầu…
Ngoài nguồn cung nông sản, thực phẩm tại chỗ, ngành Nông nghiệp đã chủ động phối hợp với 21 tỉnh, thành phố trong Ban Điều phối Chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho thành phố Hà Nội, để bảo đảm nhu cầu tiêu dùng cho người dân Thủ đô.
Thực tế, những ngày gần đây, dịch bệnh Covid-19 đã “tấn công” vào các chợ đầu mối và hệ thống siêu thị của Hà Nội, khiến các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân lo lắng về vấn đề đảm bảo cung ứng nguồn hàng hóa, nông sản. Tuy nhiên, trước những khó khăn hiện hữu, các doanh nghiệp đã có nhiều hướng đi mới nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nông sản của người dân.
Nguồn cung hàng hóa trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn ổn định |
Giám đốc Hợp tác xã Rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý (huyện Đan Phượng) Đặng Thị Cuối cho biết, hiện nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các trường học, bếp ăn tập thể, nhà hàng phải đóng cửa, nên việc tiêu thụ rau của hợp tác xã gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, thông qua hình thức bán hàng trực tuyến (online), tình hình tiêu thụ rau của hợp tác xã bắt đầu ổn định, trung bình mỗi ngày tiêu thụ được 2-3 tạ rau.
Còn theo Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh rau, củ, quả an toàn, du lịch làng nghề sinh thái Tâm Anh (huyện Phú Xuyên) Đào Thị Lương, với sự hỗ trợ của các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội, mỗi ngày hợp tác xã bán được 2 tạ rau an toàn. Cùng với đó, hợp tác xã đẩy mạnh bán hàng online, đặc biệt thông qua các hội, nhóm kết nối trên mạng xã hội Facebook.
Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn thông tin, nhằm chủ động phát triển thị trường nông sản, Sở đã phối hợp với các Sở, ngành liên quan, chính quyền các quận, huyện, thị xã, các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường công tác kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn trên địa bàn Thủ đô và các tỉnh, thành phố.
Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp Thủ đô tổ chức kết nối trực tiếp nhà sản xuất - nhà phân phối - người tiêu dùng trên địa bàn thành phố; tổ chức giới thiệu, quảng bá, kết nối trên chợ thương mại điện tử (https://chonhaminh.gov.vn). Nhiều nông sản thực phẩm các địa phương được các đơn vị Hà Nội hỗ trợ đẩy mạnh xây dựng, quảng bá thương hiệu đã được doanh nghiệp, siêu thị, chuỗi thực phẩm, nhà hàng, khách sạn kết nối tiêu thụ, quảng bá người tiêu dùng Thủ đô biết đến; Ưu tiên lựa chọn, các sản phẩm được doanh nghiệp, siêu thị Hà Nội hỗ trợ kết nối, tiêu thụ.
Sản xuất theo nhu cầu của thị trường
Trong bối cảnh dịch bệnh khó lường như hiện nay, việc tự cung ứng đủ nguồn lương thực, thực phẩm cho thành phố đóng một vai trò rất quan trọng. Do đó, cùng với linh hoạt rải vụ thu hoạch để đáp ứng nhu cầu thị trường, ngành Nông nghiệp đã chủ động hướng dẫn, phối hợp với các địa phương xây dựng những kịch bản phòng, chống dịch ở nhiều cấp độ để tổ chức sản xuất phù hợp trong từng thời điểm.
Cùng với đó, ngành tăng cường kiểm soát thực phẩm từ khâu sản xuất và phát triển các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ để giữ nguồn cung ổn định cho thị trường; Đồng thời có phương án cụ thể về thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ để giải quyết tình trạng ứ đọng nông sản cục bộ, đặc biệt với những nơi phải thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Trong mọi tình huống, thành phố Hà Nội vẫn đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa phục vụ Nhân dân |
Để ổn định tình hình tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, theo Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch Biggreen Nguyễn Tiến Hưng, các Sở, ngành cần tham mưu thành phố có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm về vốn và lãi suất ưu đãi, giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh, đồng hành lâu dài với nông dân, các hợp tác xã...
Các địa phương theo dõi, nắm bắt thông tin, tình hình sản xuất, nguồn cung, tiêu thụ nông sản trong nước; Diễn biến cung cầu thị trường nông sản, đặc biệt là sản phẩm trồng trọt đang vào vụ thu hoạch; Sản phẩm thịt gia súc, gia cầm, trứng bị dồn ứ cục bộ do ảnh hưởng của dịch bệnh (nhà hàng, khu công nghiệp, trường học, bếp ăn tập thể đóng cửa)... để những doanh nghiệp như Biggreen chủ động hơn trong khâu thu mua.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ thông tin, thời gian tới, ngành Nông nghiệp Thủ đô tiếp tục phối hợp với Sở Công thương, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại du lịch thành phố Hà Nội đẩy mạnh triển khai chương trình liên kết vùng, hỗ trợ quảng bá, kết nối cung - cầu hàng hóa giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố, như: Hỗ trợ giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm của Hà Nội và các tỉnh, thành phố, đặc biệt sản phẩm có nguy cơ dư cung trong các mùa vụ; Hỗ trợ kết nối với các doanh nghiệp phân phối, chế biến để tiêu thụ, bảo quản, sơ chế, chế biến sản phẩm; Khuyến khích doanh nghiệp phát triển thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đưa sản phẩm đến người tiêu dùng...