Hà Nội: Lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm phục vụ
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu tại điểm cầu Hà Nội.
Bài liên quan
Đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công tại Hà Nội
Đưa công tác dân vận chính quyền trở thành nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng
Thời gian qua, TP Hà Nội đã xây dựng, trình Bộ Chính trị, Quốc hội thông qua Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị, trong đó có nhiều nội dung tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm; thực hiện phân cấp mạnh mẽ cho cấp cơ sở; hoàn thành toàn bộ xây dựng quy chế làm việc, quy trình nội bộ giải quyết công việc, giải quyết thủ tục hành chính tại từng cơ quan, đơn vị, bộ phận theo mô hình khung quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO hiện hành.
Cán bộ Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội tiếp nhận thủ tục tại bộ phận một cửa. |
Thành phố cũng xây dựng quy chế phối hợp liên thông giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tại một số lĩnh vực trọng điểm, rút ngắn thời gian giải quyết; thực hiện đơn giản hóa với 261 thủ tục hành chính, tiết kiệm 201,5 tỷ đồng...
Hướng tới người dân và doanh nghiệp là trung tâm phục vụ, các thủ tục liên quan đều được Hà Nội nghiên cứu, xem xét giảm tối đa thời gian và chi phí. Điển hình như trong lĩnh vực thuế, cấp mã số doanh nghiệp tự động cho các doanh nghiệp thành lập mới, thời gian không quá 30 phút; kê khai thuế qua mạng đạt 98,11%; đã có 95% đơn vị đăng ký nộp thuế điện tử và tỷ lệ tiền thuế nộp điện tử đạt khoảng 95%...
Đặc biệt, lĩnh vực tiếp cận đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã có nhiều cải cách thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân. TP cũng đã hoàn thành sắp xếp, kiện toàn các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối, đảm bảo ổn định trong quản lý, điều hành, được Trung ương ghi nhận, đánh giá cao.
TP cũng hoàn thành công tác đào tạo, phân công 1.000 công chức nguồn về làm việc tại các xã, phường, thị trấn nhằm bổ sung kịp thời nguồn nhân lực có chất lượng cho chính quyền cơ sở. Ngoài ra, công tác đánh giá, phân loại cán bộ, công chức được TP thực hiện nhiều đổi mới… Thành phố đã tích cực triển khai đưa vào vận hành chính thức Hệ thống Một cửa điện tử dùng chung 3 cấp của TP đến 22 sở, ban, ngành, 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn; Đã có 1.448/1.818 thủ tục hành chính được thực hiện trực tuyến mức độ 3, 4, đạt 81%.
TP đang tích cực triển khai thí điểm việc kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia theo lộ trình của Chính phủ, hướng tới cung cấp dịch vụ công không phụ thuộc vào thời gian, địa giới hành chính.
Về cải cách tài chính công, giai đoạn 2016-2020, Hà Nội đã thực hiện tiết giảm chi thường xuyên so với dự toán Trung ương giao và trong điều hành ngân sách là 13.031 tỷ đồng. Tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách của TP đều thấp hơn tỷ trọng chi thường xuyên theo dự toán được giao với mức bình quân khoảng 3%/năm, từ mức 55,5% năm 2016 còn 50,7% năm 2019 và 51,2% năm 2020.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, thời gian tới, TP sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cải cách hành chính gắn với triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2020 và thực hiện chủ đề công tác năm 2020.
TP Hà Nội đề nghị Chính phủ sớm ban hành các nghị quyết liên quan triển khai Đề án thí điểm xây dựng chính quyền đô thị theo kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội; ban hành Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0, các Kiến trúc Chính phủ điện tử cấp Bộ...TP đề nghị các bộ, ngành rà soát, tham mưu trình Quốc hội sớm ban hành Luật sửa đổi một số điều của Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị để giảm bớt điều kiện đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa TTHC trong hoạt động đầu tư xây dựng...