Hà Nội linh hoạt, quyết tâm đưa Đề án 06 của Chính phủ về đích sớm
Triển khai đúng tiến độ các nhiệm vụ trọng tâm
Là địa phương được Chính phủ tin tưởng lựa chọn là là đơn vị thực hiện điểm, làm mẫu, nhân rộng Đề án 06 trong toàn quốc, ngay sau hội nghị triển khai của Chính phủ, TP Hà Nội đã nhanh chóng quán triệt, chỉ đạo các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện đề án một cách quyết liệt.
Công an TP Hà Nội thực hiện thủ tục hồ sơ cấp CCCD gắn chíp cho người dân |
Trong 6 tháng triển khai, Hà Nội đã ban hành trên 40 văn bản chỉ đạo các nhiệm vụ; Thường xuyên có văn bản gửi các Bộ, ngành kiến nghị các nội dung, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Ban chỉ đạo 06 của thành phố đã tổ chức họp định kỳ hàng tháng để đánh giá kiểm điểm tình hình, tiến độ triển khai, báo cáo Tổ công tác 06 Chính phủ.
Đến nay, hệ thống thông tin một cửa điện tử, Cổng dịch vụ công trực tuyến của thành phố đã kết nối và khai thác thành công dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Thực hiện đồng bộ với Cổng dịch vụ công Quốc gia. Hà Nội đã tiếp nhận và giải quyết hơn 2,6 triệu hồ sơ đề nghị cấp định danh điện tử; Thu nhận được hơn 6 triệu dữ liệu, cấp 35.630 CCCD gắn chíp kèm định danh điện tử cho các cháu học sinh (sinh năm 2004 và 2007).
Bên cạnh đó, thành phố đã hoàn thành triển khai 21/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 (đạt 84%). Hiện còn 4 dịch vụ công chưa hoàn thành và đang quyết liệt chỉ đạo triển khai, bám sát hướng dẫn và chỉ đạo của Bộ, ngành chủ quản, đảm bảo xong trong tháng 8/2022.
Một trong những nội dung được thành phố triển khai quyết liệt là việc thu nhận hồ sơ cấp CCCD gắn chíp. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an TP Hà Nội triển khai thực hiện cao điểm 30 ngày đêm thu nhận hồ sơ cấp Căn cước công dân gắn chíp trên địa bàn thành phố Hà Nội (từ ngày 25/7/2022 đến ngày 25/8/2022). Đến nay, đã có 4,4 triệu người có thẻ BHYT được đồng bộ dữ liệu, có thể sử dụng CCCD để đi khám chữa bệnh; Có 447 cơ sở khám chữa bệnh BHYT đã áp dụng sử dụng CCCD tra cứu khám chữa bệnh; Trên 26.000 lượt công dân sử dụng CCCD để tra cứu khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh.
Hà Nội tiếp tục duy trì, đảm bảo dữ liệu dân cư "đúng, đủ, sạch, sống" và thực hiện làm giàu thông tin công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư: Đã rà soát, "làm sạch" 3 cấp đối với gần 8 triệu thông tin công dân (đạt tỷ lệ 99,5%), thực hiện "làm sạch" dữ liệu tiêm chủng COVID-19 (đã thực hiện đối chiếu, xác thực, cập nhật, bổ sung thông tin đối với hơn 700.000 trường hợp trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cập nhật vào nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19 quốc gia)…
Nhiều mô hình hiệu quả phục vụ Nhân dân
Quá trình thực hiện Đề án 06 trên địa bàn TP đã có nhiều mô hình nhằm cụ thể hóa Đề án của Chính phủ. Điển hình như Công an TP đã xây dựng 2 mô hình để hỗ trợ người dân tiếp cận, thực hiện các dịch vụ công trực tuyến. Đó là mô hình Trụ sở tiếp dân kiểu mẫu tại các đơn vị có chức năng giải quyết thủ tục hành chính và Mô hình hỗ trợ người dân thực hiện các dịch vụ công tại các địa bàn khu đô thị, khu chung cư cao tầng, khu, cụm công nghiệp và các khu dân cư không có điều kiện hoặc ít tiếp cận với các thông tin truyền thông.
Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà cho người dân |
Hay như mô hình “Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà” của phường Trúc Bạch (quận Ba Đình) đang được nhân rộng tới 8 tổ dân phố trên địa bàn giúp người dân trên địa bàn dễ dàng tiếp cận với cổng dịch vụ công trực tuyến quốc gia; Qua đó, nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính của chính quyền địa phương.
Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch Nguyễn Dân Huy cho biết, địa phương có hơn 7.000 người thuộc nhiều thành phần kinh tế khác nhau và thường xuyên phát sinh rất nhiều nhu cầu về sử dụng dịch vụ công. Tuy nhiên không phải ai cũng có khả năng tiếp cận với công nghệ thông tin. “Chính vì thế, trong quá trình triển khai, cán bộ UBND phường trực tiếp đưa máy tính tới tận nhà để cầm tay, hướng dẫn từng người dân một để làm quen với các bước thực hiện dịch vụ công trên nền tảng điện tử. Qua thời gian thí điểm, tỷ lệ thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn phường đã tăng lên. Nhu cầu người dân gọi điện thoại đến nhà hỗ trợ hạn chế hơn do đã được "Đội cơ động" “cầm tay chỉ việc” thời gian trước đó” - ông Huy cho biết.
Theo kế hoạch, từ nay tới cuối năm, Ban Chỉ đạo Đề án 06 thành phố xác định thực hiện xong việc tái cấu trúc các dịch vụ công thiết yếu chạy trên môi trường điện tử, trong đó lưu ý công tác tuyên truyền để người dân và doanh nghiệp thấy được cái hay, sự tiện dụng của các dịch vụ công trực tuyến được triển khai trong đề án.
Đặc biệt, nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, tập trung chỉ đạo điều hành thực hiện tốt các nhiệm vụ thành phố giao, bảo đảm hoàn thành cao nhất các nhiệm vụ theo Đề án 06 của Chính phủ, UBND TP Hà Nội đang phối hợp hoàn thiện dự thảo, trình Thành ủy phê duyệt Chỉ thị về việc “Tăng cường, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện Đề án 06 trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
Tại Chỉ thị số 12/CT-UBND của UBND TP Hà Nội về việc tăng cường thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm triển khai Đề án 06 của Chính phủ vừa ban hành mới đây, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh đã nêu rõ, Hà Nội xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên tập trung nguồn lực triển khai trong năm 2022 và các năm tiếp theo.
Chủ tịch UBND TP yêu cầu các Sở, ngành, địa phương cần xác định rõ ý nghĩa, mục tiêu, tầm quan trọng của việc triển khai thực hiện Đề án 06 trong giai đoạn hiện nay; Trọng tâm là việc thực hiện giải quyết thủ tục hành chính và các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công thành phố gắn với việc thực hiện tích hợp, chia sẻ dữ liệu dân cư với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Đặc biệt đối với việc thực hiện các dịch vụ công thiết yếu, xác định mục tiêu lấy sự hài lòng của người dân là thước đo đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn.
Việc thực hiện Đề án 06 phải được thực hiện đồng bộ, quyết liệt với các biện pháp, giải pháp linh hoạt, nhiệm vụ, lộ trình, thời gian cụ thể, rõ người, rõ việc, rõ đơn vị thực hiện, bảo đảm hoàn thành và hoàn thành sớm các mục tiêu, nhiệm vụ đã được xác định trong đề án.
Thực hiện chỉ thị trên, lãnh đạo một số địa phương cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc phổ biến giáo dục pháp luật về Đề án 06, trong đó tập trung tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc triển khai thực hiện Đề án trong các tầng lớp Nhân dân, nhất là cán bộ trực tiếp giải quyết dịch vụ công cấp cơ sở, góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận. Mục tiêu là làm cho Nhân dân hiểu đây là đề án liên quan trực tiếp đến những đột phá chiến lược, đến các lợi ích của người dân, doanh nghiệp và quốc gia...