Phải để người dân, doanh nghiệp thấy thật sự thuận lợi khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến
Chiều 13/7, Ban Chỉ đạo Đề án 06 của Chính phủ về “phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị sơ kết 6 tháng năm 2022.
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách điều hành UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Đề án 06 thành phố chủ trì hội nghị.
Hội nghị được tổ chức trực tuyến đến các điểm cầu quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn với sự tham gia của hơn 33 nghìn đại biểu là thành viên Ban Chỉ đạo Đề án 06 cấp huyện, cấp xã trên địa bàn thành phố.
Quang cảnh hội nghị |
100% UBND cấp huyện, xã, thôn, tổ dân phố đã thành lập Ban Chỉ đạo Đề án 06
Thay mặt Ban Chỉ đạo Đề án 06 thành phố báo cáo tại hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky - Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, đến nay, 100% UBND cấp huyện, cấp xã và thôn, tổ dân phố đã thành lập Ban Chỉ đạo Đề án 06 và Tổ công tác Đề án 06 (gồm 30 Ban chỉ đạo cấp huyện, 579 Ban chỉ đạo cấp xã, 5.247 tổ công tác tại thôn, tổ dân phố) để chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ cụ thể tại cấp cơ sở.
Về việc sử dụng các dịch vụ công trên địa bàn, trong 6 tháng đầu năm 2022, lĩnh vực có dịch vụ công được sử dụng nhiều nhất là an ninh, trật tự (đăng ký lưu trú trên 95.000 hồ sơ); lĩnh vực tư pháp - hộ tịch; công thương; giao thông vận tải; lao động - thương binh và xã hội.... Các lĩnh vực có dịch vụ công sử dụng ít nhất là nội vụ (1 hồ sơ), du lịch (10 hồ sơ), thông tin và truyền thông (73 hồ sơ mức độ 3)…
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky - Phó Giám đốc Công an thành phố báo cáo tại hội nghị |
Về triển khai 25 nhóm dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06, đến nay, thành phố đã hoàn thành triển khai 21/25 dịch vụ công với tổng số tiếp nhận và giải quyết hơn 500.000 hồ sơ trực tuyến qua Cổng dịch vụ công.
Trong đó, các dịch vụ công được sử dụng nhiều nhất là lĩnh vực cư trú của Công an thành phố với tổng số hồ sơ tiếp nhận và giải quyết trong 6 tháng đầu năm đạt hơn 100.000 hồ sơ. Đối với 4 dịch vụ công còn lại, thành phố đã chủ động đề xuất phương án, đồng thời sẵn sàng phối hợp thực hiện triển khai theo hướng dẫn của các bộ, ngành chủ quản.
Về nhóm phát triển công dân số, thành phố đã tiếp nhận và giải quyết hơn 2,3 triệu hồ sơ đề nghị cấp định danh điện tử, đã thu nhận được hơn 6 triệu dữ liệu, trong đó đã cấp trên 35.000 căn cước công dân gắn chíp kèm định danh điện tử cho các học sinh sinh năm 2004 và 2007 phục vụ cho việc đăng ký dự thi; tiếp tục duy trì, đảm bảo dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống” và thực hiện làm giàu thông tin công dân.
Tuy nhiên, Phó Giám đốc Công an thành phố nhận định, việc đưa vào vận hành chính thức Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin “một cửa điện tử” của thành phố dự kiến chậm tiến độ triển khai so với kế hoạch (dự kiến hoàn thành và vận hành trong tháng 10 và 11/2022). Điều này ảnh hưởng tới việc triển khai một số nhiệm vụ như số hóa, tích hợp dịch vụ công trực tuyến, đánh giá chất lượng giải quyết thủ tục hành chính và một số nhiệm vụ khác.
Tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, thuận tiện cho người dân
Trong thời gian còn lại của năm 2022, Ban Chỉ đạo Đề án 06 thành phố đề nghị, các cơ quan, đơn vị nghiên cứu, đề xuất phương án triển khai Giấy chứng sinh điện tử, Giấy báo tử điện tử, Giấy khám sức khỏe điện tử phục vụ việc kết nối, đơn giản hóa trong quá trình triển khai các dịch vụ công thiết yếu có kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách điều hành UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn kết luận hội nghị |
Bên cạnh đó, tập trung và đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa và lợi ích của đề án đến mọi tầng lớp Nhân dân Thủ đô; huy động lực lượng đoàn viên, thanh niên, cán bộ, công chức là những tuyên truyền viên trong việc vận động, hướng dẫn người dân, tổ chức tham gia thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ công kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các cơ quan của Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp và các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã đã phát biểu ý kiến tham luận, thảo luận, trong đó đã đánh giá những kết quả đạt được cũng như những nội dung nhiệm vụ còn chậm, muộn và nguyên nhân, đồng thời, đề xuất các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ…
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách điều hành UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Đề án 06 thành phố đề nghị ghi nhận những kết quả đạt được của các đơn vị đã vào cuộc tích cực, trách nhiệm triển khai Đề án 06 trên địa bàn thành phố với mục tiêu hướng đến là người dân, doanh nghiệp thực sự thụ hưởng lợi ích của đề án.
Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách điều hành UBND thành phố nhấn mạnh, Đề án 06, ngoài 25 dịch vụ công thiết yếu còn 4 mục tiêu lớn để phục vụ công dân số, kinh tế số, chính quyền số, xã hội số. Mục tiêu thành phố đã đặt ra là thực hiện dịch vụ công trực tuyến 90-95% thủ tục hành chính trừ các thủ tục cần thực hiện trực tiếp; giảm thời gian đi lại, giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính và các dịch vụ tạo thuận lợi của người dân. Vì vậy, các đơn vị cần tập trung vào tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính theo hướng phải thật sự đơn giản, thuận tiện nhất cho người dân, doanh nghiệp.
Về công tác truyền thông, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Đề án 06 thành phố đề nghị các đơn vị phải kiên trì, liên tục, thường xuyên hướng dẫn, tuyên truyền, vận động để người dân, doanh nghiệp thấy thật sự thuận lợi khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến, phục vụ người dân, doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất.