Hà Nội nghĩa tình, sẻ chia nhân, vật lực, “nối vòng tay lớn” cùng cả nước vượt bão Covid-19
Hỗ trợ nơi “tâm dịch” - viết tiếp những bài ca đẹp về truyền thống “thương người như thể thương thân” của Hà Nội |
Đoàn 20 chuyên gia, y bác sĩ Hà Nội xuất quân lên đường hỗ trợ tỉnh Bắc Giang phòng chống dịch Covid-19 |
Lan truyền kinh nghiệm nơi tuyến đầu
Là Thủ đô của một nước, lại trải qua những trận “cân não” với “giặc” Covid-19, Hà Nội cũng có đội ngũ chuyên gia trong tuyến đầu của thành trì chiến đấu với dịch bệnh. Chính vì thế, việc Hà Nội cử những “thiên thần áo trắng” đi khắp cả nước để chống dịch là lẽ đương nhiên.
Lần này cũng vậy, chiều 16/5, trong lúc tình hình dịch bệnh đang hết sức căng thẳng ở bắc Giang, tại Sở Y tế Hà Nội, đích thân Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã tham dự lễ xuất quân của đoàn công tác Hà Nội hỗ trợ tỉnh Bắc Giang phòng, chống dịch Covid-19. Điều này cho thấy, chủ trương của lãnh đạo Thành phố vẫn luôn đặt việc chi viện cho các địa phương trên cả nước ở tầm rất quan trọng.
Đích thân Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã tham dự lễ xuất quân của đoàn công tác Hà Nội hỗ trợ tỉnh Bắc Giang phòng, chống dịch Covid-19 |
Đoàn gồm có 20 đồng chí: Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Trương Quang Việt - Phó Giám đốc Phụ trách điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cùng các y, bác sĩ tình nguyện lên đường hỗ trợ tỉnh Bắc Giang đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.
Sở Y tế cử đoàn công tác do Phó Giám đốc Sở Trần Văn Chung làm Trưởng đoàn cùng các thành viên để hỗ trợ tỉnh Bắc Giang phòng, chống dịch Covid-19, xét nghiệm, điều tra truy vết, khoanh vùng các ổ dịch. Sở Y tế xác định nhiệm vụ ổn định cho tỉnh Bắc Giang cũng là ổn định cho Hà Nội.
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã có mặt để động viên 20 cán bộ là bác sĩ, nhân viên y tế để họ hỗ trợ ngay lập tức cho tỉnh Bắc Giang chuyển 10.000 mẫu xét nghiệm về Hà Nội, xét nghiệm ngay trong đêm để ngày mai có kết quả, giúp tỉnh khoanh vùng dập dịch.
Đồng chí Chu Ngọc Anh động viên các chuyên gia, y, bác sĩ lên đường hỗ trợ tỉnh Bắc Giang chống dịch Covid-19. |
Phát biểu tại lễ xuất quân, đồng chí Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khẳng định: "Chúng ta đang thực hiện tốt công tác công tác phòng chống dịch Covid-19. Lãnh đạo thành phố và Nhân dân rất trân trọng sự cố gắng, nhiệt tình, tâm huyết của lượng tuyến đầu phòng chống dịch Covid-19 trong những đợt dịch trước.
Tuy nhiên, hiện nay tình hình dịch bệnh hết sức căng thẳng trên một số tỉnh thành trên cả nước trong đó có cả Hà Nội. Với kinh nghiệm từ những đợt dịch trước, Hà Nội vừa kết hợp phòng dịch tại Thủ đô nhưng giúp tỉnh Bắc Giang phòng chống dịch. Đặc biệt tại tỉnh Bắc Giang trong những ngày qua, các khu công nghiệp tình hình dịch Covid-19 hết sức căng thẳng, số ca mắc Covid-19 đang tăng lên nhanh chóng".
Với tinh thần "tốc chiến tốc thắng", ngay trong đêm nay, đoàn sẽ tới Bắc Giang và trực tiếp vào việc, hoàn thành mục tiêu xét nghiệm hơn 200 nghìn lao động trong các khu công nghiệp trong thời gian ngắn nhất.
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cũng nhắc nhở: "Đoàn công tác lần này là lực lượng ưu tú của chúng ta có kinh nghiệm, trình độ… trong công tác phòng chống dịch. Vì vậy chúng ta phải đảm bảo an toàn cho các cán bộ y tế trong quá trình hỗ trợ tỉnh Bắc Giang trong phòng chống dịch. Đặc biệt, nếu đoàn và tỉnh Bắc Giang cần thêm lực lượng trong công tác phòng chống dịch thì Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường thêm để hỗ trợ".
Đoàn cán bộ, y bác sĩ của Hà Nội hăm hở lên đường đến Bắc Giang |
Như vậy, không chỉ hỗ trợ sức người, sức của, nhiệm vụ của các y bác sĩ lần này còn phổ biến kinh nghiệm chống dịch mà Hà Nội đã gặt hái được qua những lần trước đây. Chuyến đi lần này cũng là tiếp nối truyền thống của những lần chi viện Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Hải Dương… khi những địa phương này trở thành tâm dịch, thu hút sự lo lắng, quan tâm của toàn quốc.
Cùng với sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, sự quyết liệt của các địa phương, những kinh nghiệm dập dịch của Hà Nội cũng đã góp phần để hết lần này đến lần khác, dịch Covid-19 được dẹp yên, trả lại cuộc sống bình thường cho Nhân dân cả nước.
Bởi Hà Nội hiểu, còn một vùng đất nào đó trên cả nước lao đao vì dịch thì Hà Nội không thể ngồi yên, không thể đứng ngoài cuộc. Cũng như có một vị trí nào trên cơ thể Việt Nam còn đau thì trái tim cũng không thể đập những nhịp bình thường.
Truyền thống “người trong một nước phải thương nhau cùng”
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”, là mảnh đất ngàn ngăm văn hiến, thấm đẫm ca dao, tục ngữ và những nét văn hóa truyền thống, hơn ai hết, chính quyền và người dân Hà Nội hiểu rõ ý nghĩa của câu nói này. Bởi lẽ, họ không chỉ thuộc mà còn thực hành nó hàng ngàn, hàng vạn lần trong cả ngàn năm qua.
Điều này đã góp phần không nhỏ giúp Nhân dân các địa phương trên cả nước vượt qua khó khăn, nhanh chóng khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống. Không những thế, lãnh đạo Thành phố còn nêu gương, trực tiếp thể hiện tấm lòng của mình bằng các đợt quyên góp trước.
Mới cách đây mấy tháng, Hà Nội cũng vừa chống dịch vừa ủng hộ Hải Dương bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực |
Mới chỉ đầu năm nay, trong khi Hà Nội đang oằn mình chống dịch thì Thủ đô đã quyết định hỗ trợ tỉnh Hải Dương 2 tỷ đồng và 50 nghìn khẩu trang y tế trong phòng, chống dịch Covid-19. Dù nông sản Hà Nội cũng gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ nhưng chiến dịch “giải cứu nông sản Hải Dương” tạo nên một phong trào mạnh mẽ chưa từng có với tinh thần sẻ chia, ủng hộ, khí thế bừng bừng ở Thủ đô, lan tỏa khắp cả nước. Rất nhiều xu hào, cà rốt, trứng, gà… của Hải Dương đã được chở đi khắp mọi miền Tổ quốc từ tinh thần đó của Hà Nội, cho thấy sự vào cuộc hết sức quyết liệt và tâm huyết của chính quyền và Nhân dân Thủ đô.
Tất cả những điều đó để thấy, trải qua nhiều hoạn nạn, người dân cả nước đều đã hiểu trọn lòng người dân Hà Nội, luôn cùng với Thủ đô dang rộng vòng tay yêu thương tới mọi miền Tổ quốc.
Có chủ trương đường lối của lãnh đạo, có tấm lòng của người dân, khi các tỉnh gặp khó, các Sở, ban, ngành, người dân và nhất là thanh niên Thủ đô ngay lập tức nhập cuộc hỗ trợ với nhiều hình thức: Bán giúp nông sản, kêu gọi các nhà hảo tâm, quyên góp...
Đây thực sự là những phong trào có tính chất lan tỏa giúp "nối trọn một vòng Việt Nam" |
Tất cả đều làm thiện nguyện hồ hởi với tinh thần sẻ chia và tạo sức lan tỏa lớn. Chính bởi vậy, trên truyền thông, mạng xã hội tràn ngập những hình ảnh đẹp khiến không chỉ trong nước mà thế giới phải ngưỡng mộ tinh thần đùm bọc của người Việt nói chung, Hà Nội nói riêng.
Ai cũng muốn đóng góp sức mình bằng những việc làm cụ thể, cho dù nhỏ bé nhưng hết sức thiết thực để người dân các tỉnh đang gặp khó khăn nhanh chóng khắc phục, ổn định cuộc sống.
Việc Hà Nội giải cứu, chi viện cho các địa phương khác càng trở nên quý hơn khi chính bản thân Hà Nội cũng đang phải căng mình thực hiện mục tiêu kép, vừa phát triển kinh tế vừa phòng, chống dịch Covid-19. Những ngày này, khi dịch bệnh lan ra nhiều nơi ở Hà Nội, tâm dịch là các tuyến đầu như bệnh viện K, bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, nhiều tòa nhà, khu phố bị phong tỏa, cuộc sống người dân đã bị tác động nhiều, kinh tế cũng giảm sút theo.
Nhưng không vì thế mà Hà Nội khoanh tay. Hà Nội vẫn tiếp tục vì cả nước như trước đây đã từng vì. Điều này cũng quan trọng như chống dịch tại chính Thủ đô. Chính lúc này, “bàn tay ta nắm nối tròn một vòng Việt Nam” mà chắc chắn, Hà Nội vẫn đứng vai trò hạt nhân của mình trong cái vòng tròn nghĩa tình ấy.