Hà Nội: Nhiều địa phương vẫn chây ì không chịu xử lý vi phạm pháp luật về đê điều
Mưa lũ diễn biến phức tạp, cần đảm bảo an toàn cho các công trình đê điều Hà Nội: Chỉ đạo quyết liệt, tạo niềm tin cho người dân trong xử lý vi phạm về đê điều |
Nguy hiểm rình rập trong mùa mưa lũ…
Bờ sông Đáy thuộc xóm 8, xóm 9 (thôn Lưu Xá, xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) đã bị sạt lở nhiều tháng nay khiến nhiều bụi tre, cây cối, kiến trúc của 18 hộ dân chịu ảnh hưởng nặng nề. “Cứ đến tầm tháng 8, tháng 9 nước dâng lên làm sạt lở một phần đất vườn, gây ngập úng, thậm chí làm nứt cả sân nhà. Khoảng 5 năm trước, gia đình gom góp tiền để xây được khu bếp cho khang trang, sạch sẽ thế nhưng đến nay đã nứt toác nhiều chỗ, phần sân thì sụt hẳn xuống. Tôi chỉ sợ đến một ngày, khu bếp rồi nhà phía trước cũng sẽ chịu ảnh hưởng của sạt lún” chị Trần Thị Hanh (trú tại thôn Lưu Xá cho biết).
Một đoạn bờ kè sông Bùi tại Chương Mỹ bị sạt lở nghiêm trọng |
Tại xã Văn Võ (Chương Mỹ), tình trạng khẩn cấp sự cố sạt lở bờ sông Đáy cũng diễn ra trên địa bàn thôn Cấp Tiến. Vị trí sạt lở ở cuối kè Nguyễn Trãi cũ đến nhà ông Nguyễn Văn Ca, chiều dài khoảng 500 m, ảnh hưởng đến khoảng 50 hộ dân. Sạt lở xảy ra đặc biệt nghiêm trọng tại vị trí các nhà ông Đỗ Văn Báo, ông Đỗ Văn Mai, bà Nguyễn Thị Hồng, các cung sạt nối tiếp nhau tạo vách thẳng đứng, hàm ếch dưới chân mái bờ sông. Một số thôn khác trên địa bàn xã tình trạng sạt lở cũng xảy ra tương tự.
Theo Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội, tình trạng sạt lở bờ sông xảy ra nhiều trên địa bàn Hà Nội. Tuyến đê Khánh Minh (đê cấp IV, thuộc bờ hữu sông Đà) địa bàn xã Minh Quang, đoạn từ thôn Phú Nội đến thôn Liên Bu dài khoảng 1,7km được đầu tư kè hộ chân năm 2010.
Tuy nhiên, hiện nay, tại đây đang xảy ra hiện tượng bị xói lở chân kè, trong đó tại khu vực trạm bơm Đồng Tiến (đây là các vị trí đê sát sông) trong phạm vi khoảng 500m xuất hiện một số vị trí đang bị sạt lở sát chân đê và đoạn từ cuối thôn Liên Bu đến phía cầu Đồng Quang dài 450m bị sạt lở, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn công trình đê điều.
Trên tuyến đê hữu Hồng (đê cấp I), địa bàn xã Chu Minh, huyện Ba Vì, trong những năm gần đây thường xuyên xảy ra sạt lở. Năm 2016, xảy ra hiện tượng sạt lở đặc biệt nghiêm trọng tại vị trí từ K21+500 đến K22+800 đã được UBND thành phố cho xử lý cấp bách và cho lập dự án cải tạo, sửa chữa đoạn từ K20+950 đến K21+200 nhằm ngăn chặn sự cố sạt lở. Hiện nay, công trình đã bàn giao đưa vào sử dụng.
Tuy nhiên do sự biến đổi dòng chảy, dòng chủ lưu áp sát chân kè nên xuất hiện một số cung sạt, tạo thành vách đứng, chân kè bị sạt lở tại các đoạn tương ứng từ K20+700 đến K20+950 đê hữu Hồng, chiều dài khoảng 250m...
Tuyến đê tả Đáy (đê cấp I) ở huyện Thanh Oai, khu vực xảy ra sự cố sạt lở bờ sông tương ứng từ K29+600 đến K30+200 thuộc địa bàn thôn Thanh Giang, xã Thanh Cao. Đây là sự cố sạt lở đặc biệt nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến khu dân cư sinh sống tập trung...
Nhưng vi phạm vẫn không bị xử lý
Theo Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội, trong tháng 7/2020 trên địa bàn Hà Nội đã phát sinh 6 vụ vi phạm pháp luật về đê điều gồm: 1 vụ xây nhà cấp 4, móng, công trình phụ; 3 vụ chứa chất vật tư, chất tải lên phạm vi bảo vệ đê và 2 vụ vi phạm khác. Các vụ vi phạm phát sinh đã được hạt quản lý đê lập biên bản kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đê điều, gửi tới chính quyền cơ sở để xử lý theo thẩm quyền.
Lũy kế, từ ngày 21/12/2019 đến ngày 20/7/2020, trên địa bàn thành phố phát sinh tổng số 39 vụ việc vi phạm, cơ quan chức năng thành phố đã xử lý được 4 vụ, còn tồn đọng 35 vụ vi phạm.
Nhiều địa phương vẫn không xử lý các vi phạm pháp luật về đê điều |
Còn Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội sau khi rà soát cho biết, hiện nay, tình hình vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn thành phố vẫn diễn biến phức tạp, trong khi đó số vụ vi phạm được xử lý còn hạn chế, số vụ vi phạm tồn đọng nhiều.
Một số địa bàn xảy ra nhiều vi phạm, nhưng kết quả xử lý rất thấp, thậm chí chưa được xử lý. Tình trạng tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng, khai thác cát không phép, trái phép; tình trạng xe quá tải trọng cho phép lưu thông trên đê đã làm cho nhiều đoạn đê bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng; tình trạng xây dựng công trình kiên cố trong phạm vi bảo vệ đê xảy ra nhiều trên tuyến đê tả Đáy, tả Cà Lồ, hữu Cầu; tình trạng đổ phế thải, san lấp lạch sông, lấn chiếm lòng sông, bãi sông với quy mô lớn; tình trạng xây dựng công trình trái phép ở lòng sông, bãi sông...
Liên quan đến những vi phạm pháp luật về đê điều, UBND thành phố Hà Nội đã có rất nhiều chỉ đạo quyết liệt, tuy nhiên việc xử lý vẫn rất chậm trễ. Ngày 9/7, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã và sở, ngành liên quan thành phố tập trung chỉ đạo xử lý vi phạm pháp luật về đê điều.
UBND thành phố Hà Nội chỉ rõ, thành phố đã có nhiều văn bản chỉ đạo xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, tuy nhiên, tình hình vi phạm vẫn tiếp tục xảy ra, nhiều vụ việc vi phạm không bị xử lý. Để đảm bảo an toàn đê điều trong mùa mưa lũ, UBND thành phố yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo kiểm tra, rà soát, tổng hợp các vụ việc vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn; chủ trì, phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức đợt cao điểm xử lý vi phạm pháp luật về đê điều; kiên quyết xử lý dứt điểm, đúng quy định pháp luật các vụ việc vi phạm xảy ra năm 2020, báo cáo kết quả thực hiện về Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trước ngày 31/7/2020 để tổng hợp.
Bên cạnh đó, UBND các quận, huyện, thị xã tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng trực thuộc, UBND xã, phường, thị trấn tăng cường kiểm tra, ngăn chặn, xử lý ngay vụ việc vi phạm mới từ khi phát sinh; chịu trách nhiệm trước UBND thành phố nếu để xảy ra những vụ việc vi phạm mới không bị xử lý đúng quy định của pháp luật…
Cùng với đó, ngày 1/7, Công an thành phố Hà Nội cũng ban hành Công văn số 5364/CAHN-PC05 về tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo đó, để chủ động phòng ngừa, phát hiện đấu tranh kịp thời đối với các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều, Giám đốc Công an thành phố yêu cầu các đơn vị trực thuộc tổ chức điều tra cơ bản, lập hồ sơ, thậm chí xử lý theo quy định của pháp luật đối với các vụ việc vi phạm nghiêm trọng, có dấu hiệu vi phạm Luật Hình sự…
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND thành phố Hà Nội kiểm tra, xử lý thông tin báo nêu về vi phạm pháp luật về đê điều.Vừa qua, báo chí có phản ánh, trong 6 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn Hà Nội xảy ra 60 vụ vi phạm pháp luật về đê điều nhưng mới xử lý được 5 vụ. Từ năm 2011 – 2019, thành phố Hà Nội tồn đọng 1.821 vụ việc chưa xử lý; các vi phạm vẫn diễn ra, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn đê điều, thoát lũ. Về việc này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo kiểm tra thông tin báo nêu; phối hợp với các cơ quan có liên quan xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật đê điều (nếu có) nhằm bảo đảm an toàn cho hệ thống đê điều. |