Hà Nội những ngày cuối năm…
Mỗi người tự nâng cao ý thức để làm nên những bông hoa đẹp cho những ngày cuối năm ở Hà Nội
Bài liên quan
Hà Nội: Đặt tên, điều chỉnh độ dài cho nhiều đường, phố
Hà Nội lên kế hoạch chống ùn tắc giao thông năm 2020
Những "đại sứ" tuyên truyền tích cực về du lịch Hà Nội
Hà Nội sẽ tổ chức 51 điểm chợ hoa Xuân phục vụ Tết Nguyên đán
Thể hiện tình yêu với Hà Nội
Suốt cả tuần nay, những đợt không khí lạnh liên tiếp đổ về. Mưa phùn kéo dài nhiều ngày khiến không khí càng trở nên lạnh lẽo. Trẻ con, người già và ngay cả người lớn cũng mắc phải bệnh về đường hô hấp. Nhẹ hơn thì đau đầu, uể oải, hiệu quả công việc của mọi người vì thế mà giảm xuống.
Trong khi đó, cuối năm là thời điểm mọi thứ trở nên gấp gáp hơn. Những công việc, dự định phải hoàn thành. Hàng hóa, vận chuyển tăng vọt, việc đi lại trên đường vì thế cũng trở nên khó khăn.
Hàng ngày trên các loa công cộng đặt giữa các ngã tư, ngã năm đường phố luôn phát đi các bản tin khuyến cáo của Công an thành phố Hà Nội. Trong khi đó, nhiều người còn vội hoặc mải nghĩ việc khác đến mức không kịp nghe.
Điều đó dẫn đến tình trạng nếu ở đây không có cảnh sát giao thông, lực lượng trật tự phường đứng làm nhiệm vụ thì tình trạng vượt đèn đỏ diễn ra thường xuyên. Các xe chở hàng hóa cồng kềnh vẫn phóng như bay, lạng lách, trở thành mối đe dọa với người đi đường.
Trong các ngõ nhỏ, việc dồn ứ cục bộ thường xảy ra hơn. Trời mưa rét bẩn, vội vã, ai nấy đều muốn đi nhanh. Thế là chẳng ai nhường ai, rất dễ xảy đến cáu gắt, xô xát thậm chí là ẩu đả nhau chỉ vì một vài va chạm nhỏ.
Ai có việc ra đường vào buổi sáng hoặc tan tầm sẽ nhiều khi thót tim bởi hình ảnh những chiếc xe máy tùm hụp áo mưa, chở theo ba, bốn đứa trẻ con chơi vơi đi trên đường phố rất đông. Xung quanh là bao nhiêu xe khác lăm le chen lấn lên và nhiều xe phóng đi vun vút khiến người yếu bóng vía phải dạt cả ra hai bên.
Hơn lúc nào hết, để được việc của mình, vì sự an toàn của bản thân và những người tham gia giao thông trên đường, mỗi người hãy tự đặt ý thức lên hàng đầu. Đừng vì quá vội vàng mà thành mối nguy cơ gây tai nạn cho người khác.
Bên cạnh đó, mỗi người hãy biết kiềm chế tâm tính, nhìn vào mình, vào những người xung quanh để cư xử sao cho đừng bao giờ phải hối hận, “biết thế” khi mọi sự đã muộn.
Đó là cách thể hiện tình yêu Hà Nội, cũng là cách để hoàn thành năm cũ, đón năm mới một cách vui vẻ nhất.
Nhìn vào những điểm tích cực
Có người “cùn”, giải thích sự vội vã, các hành vi vượt đèn đỏ, phóng ẩu, chở nặng của mình bằng rất nhiều lí do. Có người thể hiện sự bực bội với thời tiết nóng lạnh thất thường, mưa rét ướt át khó chịu.
Với nhiều người, thời tiết như vậy quả đúng ra chất mùa đông Hà Nội. Họ chọn đây là thời điểm để “sống chậm” hơn, cảm nhận cuộc sống rõ nét hơn khi một năm sắp qua, một năm mới sắp đến trong đời.
Thôi đừng nghĩ đến những kế hoạch, dự định, những công việc ngổn ngang còn đang dang dở. Sắp xếp công việc một cách hợp lí hơn, bạn sẽ thấy thong thả, chủ động với thời gian của mình hơn. Thay vì ngồi cố lướt web, “chat chit” buôn chuyện với bạn bè, về đón con sớm một chút, bạn sẽ không khiến con phải chờ, không khiến mỗi mét đường phố là một “cuộc đua” sinh tử.
Bạn có biết, tiết trời lạnh như thế sẽ làm hài lòng những người đang xa Hà Nội. Nhạc sĩ Dương Thụ vốn là một người lớn lên ở Vân Đình, nhiều năm chọn thành phố Hồ Chí Minh là “chốn đi về” nhưng năm nào ông cũng thu xếp trở ra với Hà Nội vào mùa đông như thế này.
Với ông, khi ấy cái rét thật sự là một đặc sản của Hà Nội và trở thành “Cái rét bay lên” như cái cách ông đã viết thành một bài tùy bút.
Còn đạo diễn Lê Hoàng cũng ám ảnh về cái rét của Hà Nội. Với người đạo diễn có giọng nói được xếp vào hàng “chua như giấm” này, mọi thứ quà của Hà Nội đề có thể mua, đưa lên máy bay chở vào Nam - thậm chí mua ngay tại chợ Bến Thành – nhưng duy chỉ cái rét Hà Nội thì không mua không mang đi được.
Vì sự độc đáo của cái rét, nhiều người đã cố gắng trở về Hà Nội vào mùa đông. Ai có thể thu xếp được thời gian, tôi nghĩ người đó cần có mặt ở Hà Nội vào đúng thời điểm này.
Khi sự bận rộn của ngày Tết chưa đến và không khí đủ hanh khô phù hợp cho những sự di chuyển rất phong phú trên mọi cung đường, từ xe ôm đến xích lô, hoặc tự lái xe rong chơi giữa lòng phố xá.
Bạn sẽ thấy, Hà Nội những ngày cuối năm này cũng rất nên thơ, đáng được nhẩn nha thưởng thức chứ không phải “sống gấp” hối hả đến xô bồ.
Học lối ứng xử văn minh ở những người xung quanh ta
Nhiều người cứ ngỡ lối ứng xử văn minh phải được học từ những người ở địa vị cao sang. Thực chất, Hà Nội có rất nhiều thành phần cư dân khác nhau. Mỗi người đều có thể mang đến cho Hà Nội một nét văn minh riêng. Chúng ta nếu chịu khó quan sát sẽ thấy ai cũng có thể là “thày dạy” của mình trong lối ứng xử hàng ngày.
Hà Nội mùa này nở rộ nhiều loài hoa. Hiển nhiên, những người bán hoa cũng góp phần làm đẹp thêm phố phường bằng mặt hàng của mình.
Mỗi buổi sáng khi buộc lòng phải gồng mình chen lấn trong dòng người, dòng xe ngoằn nghèo như con rắn khổng lồ, thắt khúc hoặc phình ra ở bất cứ nơi nào, nếu trên con phố nhỏ Bùi Xương Trạch, dọc Nguyễn Lương Bằng, Khâm Thiên hay lên đến phố cổ mà tôi không gặp đôi ba gánh hoa là lòng cứ thấy thiếu thiếu, trống vắng một chút gì.
Vì thế, tôi hay đi sớm hơn một chút, phóng xe chầm chậm để đưa mắt tìm kiếm những cô hàng hoa, để mua vài bó hoa tươi hay đơn giản chỉ là để ngắm họ. Thường là các cô dung dăng đi ra từ các con ngõ nhỏ, sâu trong những thửa ruộng, thửa vườn bát ngát của làng Định Công, làng Lủ (Kim Giang) ven sông Tô Lịch.
Các cô cứ vòng một vòng từ đầu nhà ra đến cuối phố là đã hết. Khách mua đã quen mặt và biết chất lượng hoa, cứ thế mà nhặt. "Hoa vô giá, cá vô ngần", mặc cả làm gì, thêm bớt vài đồng làm gì.
Tôi đã thấy các bà già chờ bằng được cô bán hàng quen mới mua. Có khi cô tặng bà nắm lá cúc tần “để bà rang nóng lên chườm cho đỡ đau lưng”, có khi biếu bà quả cau “vì nhà cháu chẳng ai ăn trầu”.
Có những khi người bán và người mua thong thả đứng nép trong vỉa hè, nói chuyện tâm tình với nhau cả chục phút. Có tiếng khóc, có tiếng cười, có tiếng cảm ơn rối rít. Khi rời đi ai nấy đều nhẹ nhõm, vui vẻ hơn.
Hình như là họ tâm sự chuyện cuộc sống, chia sẻ với nhau những vướng mắc trục trặc mình gặp phải. Một lí do nữa khiến tôi thêm mến những cô hàng hoa tôi gặp là bao giờ cô cũng chào hỏi, cảm ơn khách một cách rất niềm nở. Cung cách ấy vừa thể hiện sự thân tình, mến khách, lịch sự lại rất văn minh.
Điều này nhiều khi trong các cửa hàng lớn, bán hàng hiệu hay đồ sang trọng chưa chắc chúng ta đã nhận được. Vì thế, mỗi người, mỗi cách ứng xử xung quanh ta đều có thể cho chúng ta những bài học. Học cách ứng xử của họ cũng là cách ta đang làm cho mình văn minh hơn lên.
Đó cũng là cách để ta thưởng thức những ngày cuối năm rất Hà Nội.