TTTĐ - Họ mưu sinh bằng trăm nghề không ổn định và sống trong những ngôi nhà nổi ven sông Hồng. Trong cái lênh đênh vô định ấy, có cả những cụ ông, cụ bà hay những đứa trẻ ngày ngày gắn cuộc đời với sông nước và ngược xuôi với đủ thứ nghề để mưu sinh.
Những người lao động sống ở bãi giữa sông Hồng, dưới chân cầu Long Biên đến từ nhiều tỉnh thành trong cả nước. Họ hầu hết không còn hộ khẩu ở quê, cũng không được thừa nhận chính thức ở nơi mới.
Họ làm đủ thứ nghề từ kéo xe, bán hoa quả dạo, bốc vác đến nhặt rác, sắt vụn... Những ngày TP Hà Nội giãn cách, cuộc sống của họ càng trở nên khó khăn hơn khi không thể ra ngoài kiếm sống. Không có việc làm, thu nhập cũng không có, con người nơi đây hàng ngày chỉ còn biết trông chờ vào những bữa ăn từ thiện, nhu yếu phẩm của các nhà hảo tâm.
|
Con đường mòn dẫn vào xóm ngụ cư với hai bên um tùm cây cối |
Xóm nằm sâu trong những cánh đồng trồng chuối, rau muống, được người dân gọi là xóm Phao. Những người dân lao động ở đây đến từ nhiều tỉnh khác nhau nhưng có hoàn cảnh giống nhau - không nhà cửa. Cuộc sống ở xóm Phao là một thế giới khác lạ, tách biệt hẳn với nhịp sống sôi động ở giữa phố phường nhộn nhịp. Trên con nước này là hơn 30 căn nhà phao, là hơn 30 hộ sống bám víu vào nhau qua ngày.
Ngôi nhà của họ được níu bằng phao, thùng phi chông chênh dưới mặt nước. Mỗi khi mưa to, nước dâng đến đâu là nhà nổi lên tới đó.
|
Chị Nguyễn Thị Oanh đã sống tại đây gần 30 năm, dịch bệnh khiến cuộc sống của chị và đứa cháu nhỏ bị đảo lộn |
Chị Nguyễn Thị Oanh (người dân xóm làng chài bãi giữa sông Hồng) chia sẻ: "Tôi ở sông này cũng gần 30 năm rồi. Nghề chính của tôi là đi nhặt rác, đồng nát. Trước khỏe thì đi làm thuê ở Phúc Tân. Bây giờ tôi có tuổi với bị bệnh tim, khớp, không làm được gì. Ở đây chỉ có hai bà cháu thôi. Dịch bệnh khiến cuộc sống hai bà cháu vất vả lắm. Bà ốm đau nhiều, sống nhờ thuốc, cháu thì còn bé".
|
Chị Oanh mới được mọi người làm cho căn nhà nổi bằng tấm tôn. Ngày mát còn đỡ, những ngày nóng 35 - 40 độ C thì nắng nóng, bí bách, hai bà cháu chỉ còn cách lên bờ bụi ngồi dưới bóng cây |
|
Trong thời gian TP Hà Nội giãn cách xã hội, chị Oanh chỉ biết loanh quanh căn nhà phao của mình và trông chờ vào lòng hảo tâm |
Đã gần 20 năm kể từ khi gia đình ly tán, anh Đỗ Minh Tuấn (40 tuổi, quê Hà Nam) theo mẹ lên thành phố mưu sinh. Trước đây, khi mẹ còn sống, hai mẹ con nương tựa vào nhau trong căn nhà ở "xóm ngụ cư". Cách đây hơn một năm, mẹ mất nên anh sống một mình.
Anh Tuấn chia sẻ, anh từng có gia đình nhưng cái nghèo cứ mãi đeo bám. Không chịu được cảnh đó, vợ con anh bỏ đi nơi khác sinh sống, kể từ đó đến nay không tin tức hồi âm.
Sống một mình trong căn nhà phao lụp xụp, công việc hằng ngày của anh Tuấn là chạy xe ôm ở điểm xe buýt đối diện chợ Long Biên. Do sức khỏe không tốt cộng thêm mắt cận nên mỗi ngày anh Tuấn chỉ chạy được 1 - 2 chuyến gần. Từ khi xảy ra dịch Covid-19, lượng khách đi xe thưa rồi nghỉ hẳn, thu nhập không có nên anh đành làm thuê gần nhà. "Ai thuê gì tôi làm nấy. Khi thì cuốc đất, cắt cỏ, chỉ cần có việc không vi phạm pháp luật kiếm ra tiền tôi đều làm", anh Tuấn nói.
|
Những cuốn truyện cũ là niềm vui mỗi ngày của bọn trẻ xóm chài khi nghỉ học, ở nhà để phòng dịch |
Một miếng khi đói bằng một gói khi no, khi những người lao động nghèo khó khăn, yếu tố kịp thời trở thành điều mà họ mong mỏi nhất. Các món quà hỗ trợ của nhà hảo tâm không thể giúp người dân ở đây thoát nghèo nhưng chí ít trong lúc này, nó giúp họ "chạy qua" ngày giãn cách. Bữa ăn của người dân xóm ngụ cư này cũng đầy đủ hơn vì có thêm rau, trứng.
|
Hơn 30 hộ dân lênh đênh trên mặt nước |
|
Xóm ngụ cư nổi trên mặt nước nhờ những thùng phao nhựa |
|
Những chiếc thuyền nhỏ giúp người dân bắt tôm, cá... mưu sinh tạm thời trong lúc giãn cách xã hội |
|
Khu xóm chài dưới chân cầu Long Biên là nơi sinh sống của những người lao động nghèo ngoại tỉnh về Hà Nội. Có những người ở đây đã hơn 30 năm. Họ không nhớ, cũng không muốn nhớ lý do đưa họ đến cư ngụ nơi đây |
|
Căn nhà gỗ dựng tạm trên bờ khi những căn nhà nổi gặp giông bão |
|
Trong căn nhà "khá đầy đủ" của xóm, những đồ vật được chắp vá, lắp ghép để phục vụ cho nhu cầu cơ bản |