Hà Nội: Nỗ lực tháo gỡ vướng mắc trong cải tạo chung cư cũ
Hà Nội hiện đã giao cho 19 nhà đầu tư tự bỏ kinh phí, triển khai nghiên cứu lập ý tưởng quy hoạch cải tạo, xây dựng lại 30 khu chung cư cũ
Bài liên quan
Hà Nội: 5 chung cư cũ được lập đồ án quy hoạch chi tiết 1/500
"Bà hoả" ẩn mình tại các chung cư cũ - Bài 1: Phập phồng nỗi sợ
“Bà hỏa” ẩn mình tại các chung cư cũ - Bài 2: Phòng cháy từ mọi phía
Tìm cơ chế, chính sách đặc thù
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định về việc thành lập Tổ chuyên gia để nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế, chính sách đặc thù; hoàn thiện Đề án về cải tạo, xây dựng mới các nhà chung cư cũ trên địa bàn thành phố.
Tổ chuyên gia có nhiệm vụ nghiên cứu các quy định hiện hành của pháp luật về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư để hoàn thiện các cơ chế, chính sách đặc thù của thành phố; hoàn thiện Đề án về cải tạo, xây dựng lại các nhà chung cư cũ trên địa bàn do Sở Xây dựng đề xuất, báo cáo UBND thành phố lấy ý kiến của HĐND thành phố, báo cáo Thành ủy thông qua để trình Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận để triển khai.
Theo Quyết định, Tổ chuyên gia gồm 1 Tổ trưởng, 3 Tổ phó và 14 thành viên. Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục được giao là Tổ trưởng.
Đây được coi là một động thái tích cực cho câu chuyện cải tạo chung cư cũ vốn khó tìm lời giải suốt 20 năm qua.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã nhấn mạnh, Bộ sẽ đề xuất bổ sung chính sách trong việc hài hòa lợi ích giữa các bên trong cải tạo chung cư cũ, trước mắt sẽ thí điểm cơ chế đặc thù tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng yêu cầu phải sửa đổi bổ sung thể chế, sau đó phải có quy định cụ thể linh hoạt hơn về tăng chiều cao và dân số đối với các dự án cải tạo chung cư cũ trong một số trường hợp.
Để triển khai việc này, Bộ Xây dựng cũng sẽ phối hợp với Hà Nội và TP HCM xây dựng một số cơ chế thí điểm, chính sách đặc thù đối với cải tạo chung cư cũ. Thí dụ như Hà Nội hiện nay đang làm là xây dựng chung cư cũ dự án mở rộng ra, không chỉ ở địa điểm chung cư đó mà cải tạo các các khu vực chung quanh nữa để tạo thành khu đô thị phát triển hoàn chỉnh đồng bộ cũng như tạo được lợi nhuận cho nhà đầu tư tham gia tích cực vào việc này.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương quan tâm, khẩn trương hoàn thành việc kiểm định đánh giá chất lượng nhà chung cư cũ và chỉ đạo tổ chức, lập phê duyệt công bố quy hoạch, kế hoạch cải tạo xây dựng lại chung cư trên địa bàn và đề xuất các cơ chế chính sách đặc thù phù hợp với địa phương.
Đề xuất tăng chiều cao các dự án
Hà Nội hiện đã giao cho 19 nhà đầu tư tự bỏ kinh phí, triển khai nghiên cứu lập ý tưởng quy hoạch cải tạo, xây dựng lại 30 khu chung cư cũ trên địa bàn.
Cụ thể, tại văn bản số 5621 của UBND TP Hà Nội, có 19 doanh nghiệp được giao lập quy hoạch chi tiết 1/500. Trong đó, phải kể đến các "ông lớn" như: Sun Group, FLC, Geleximco, Tập đoàn T&T, Vingroup...
Sun Group được giao làm ba khu tập thể gồm: Khu tập thể Kim Liên với 42 nhà cao từ 2-6 tầng; khu tập thể Thanh Xuân Bắc với 61 nhà cao 5 tầng; khu tập thể Thanh Xuân Nam với 8 nhà cao từ 3-5 tầng.
Cty CP Tập đoàn FLC với khu tập thể Kim Giang, với số lượng 68 nhà cao 2-5 tầng; Tập đoàn T&T với hai khu thuộc Tập thể Bách Khoa với 29 nhà cao 2-5 tầng và Tập thể Đại học Thủy lợi với 12 nhà cao từ 2-5 tầng; Cty Cổ phần XNK Tổng hợp Hà Nội (Geleximco): Khu tập thể Khương Thượng với diện tích 14,8 ha, 30 nhà chung cư cao từ 2-5 tầng.
Vingroup làm 5 khu tập thể: Khu tập thể Ngọc Khánh có 58 nhà cao tầng từ 2-5 tầng; khu tập thể Giảng Võ có 22 nhà cao từ 3-5 tầng; khu tập thể Đường Sắt với 9 nhà cao từ 2-5 tầng; khu tập thể 60 Thổ Quan với 6 nhà cao từ 2-5 tầng; khu tập thể xí nghiệp xây lắp H24 với 10 nhà cao từ 2-5 tầng…
Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát cũng ghi tên cải tạo Khu tập thể Tân Mai với diện tích 20 ha, 88 nhà cao từ 2-5 tầng...
Hiện, các nhà đầu tư đã mời, thuê các đơn vị tư vấn trong và ngoài nước nghiên cứu lập quy hoạch. Quá trình triển khai nghiên cứu đã nghiêm túc tiếp thu ý kiến góp ý của các cá nhân, tổ chức, cơ quan, Sở, ngành liên quan.
UBND thành phố cũng đã yêu cầu các nhà đầu tư chủ động phối hợp chặt chẽ với UBND các quận, phường có liên quan tổ chức khảo sát, điều tra xã hội học bổ sung làm cơ sở đề xuất ý tưởng quy hoạch theo 2 phương án: Phương án 1, theo đúng tầng cao và chỉ tiêu dân số theo quy hoạch, quy chế cao tầng được phê duyệt và Phương án 2 điều chỉnh chiều cao, chỉ tiêu để đảm bảo cân đối tài chính dự án.
Nhiều chung cư cũ của Hà Nội đang xuống cấp trầm trọng |
Đến nay, 5 khu chung cư cũ đã được lập xong đồ án quy hoạch chi tiết 1/500, đang được Sở Quy hoạch và Kiến trúc (QH&KT) thẩm định để trình UBND thành phố phê duyệt; 17 đồ án đã được báo cáo tập thể lãnh đạo UBND thành phố về ý tưởng quy hoạch...
Tại hội nghị giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội hồi tháng 11, Phó Giám đốc Sở QH&KT Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết, Hà Nội đang thực hiện bài toán ngược để giải quyết vấn đề chung cư cũ mà đáp số của nó lại không nằm trong tay cơ quan quy hoạch kiến trúc.
“Nếu chỉ thuần túy dựa vào quy hoạch, chúng tôi cũng chỉ biết hướng các nhà đầu tư thực hiện theo đúng quy hoạch. Tuy nhiên, các nhà đầu tư đã có báo cáo, nếu thực hiện theo đúng quy hoạch thì không đảm bảo được lợi ích nên đề xuất điều chỉnh tăng chiều cao, chỉ tiêu”, ông Kỳ Anh nói.
Nêu phương án để giải quyết thực trạng trên, ông Kỳ Anh cho rằng, thực tế quy hoạch không phải bất biến, nếu điều chỉnh nằm trong khung của luật cho phép thì hoàn toàn có thể thực hiện được. Tất nhiên, việc điều chỉnh quy hoạch phải thực hiện theo hướng có lợi nhất cho cộng đồng, cho thành phố.
"Thời gian tới, Hà Nội sẽ có báo cáo chi tiết về những khó khăn vướng mắc để xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh một số nội dung liên quan đến quy hoạch. Chung cư cũ là một nội dung chính trong đó. Nếu chúng ta cứ cố giữ lại những cái lõi còn chất chứa nhiều tồn tại không tháo gỡ nổi mà chúng ta không tìm ra biện pháp thì 5 năm, 10 năm nữa sẽ không thể tháo gỡ", lãnh đạo Sở QH&KT Hà Nội cho biết.
Tại kỳ họp thứ 11, HĐND TP Hà Nội khóa XV, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho hay, việc cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội đang vướng mắc cơ chế, chính sách như: Hệ số bồi thường cho người dân ra sao, bồi thường cho nhà tầng 1 tăng hệ số bao nhiêu, phần cơi nới của họ trước năm 1993 thì giải quyết thế nào; hay bất cập liên quan đến nhà cấp độ D mới được phá dỡ cải tạo, việc xác định niên hạn hay xuống cấp căn cứ vào thời gian hay thực trạng…
Chủ tịch UBDN TP Hà Nội khẳng định, những vướng mắc sẽ phải báo cáo Chính phủ, Quốc hội thì mới có thể tháo gỡ. "Tới đây Hà Nội sẽ trình cơ quan chức năng trên tinh thần phải cải tạo lại cả khu. Nếu làm được sẽ có thêm hạ tầng giao thông, cây xanh, văn hóa, giáo dục… Tuy nhiên như vậy sẽ vi phạm quy hoạch. Nên phải làm sao để đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp” - ông Chung cho biết.
Tiến trình tái thiết chung cư cũ sẽ thuận lợi hơn khi những chính sách mới hoặc đặc thù được đưa ra tập trung giải quyết hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Hy vọng, với sự quyết liệt như hiện nay, TP Hà Nội sẽ tìm được lời giải muộn màng cho câu chuyện dài suốt 20 năm qua về chung cư cũ.