Hà Nội phấn đấu chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030
Thông tin được bà Lã Thị Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng, Sở Y tế Hà Nội cung cấp tại hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức, chiều 21/11.
Bà Lã Thị Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng, Sở Y tế Hà Nội chia sẻ thông tin tại buổi giao ban báo chí chiều 21/11.
Bà Lan cho biết, Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2017 tại thành phố Hà Nội với khẩu hiệu “Xét nhiệm HIV sớm – Hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020” sẽ được tổ chức từ 10/11/2017 đến 10/12/2017. Lễ phát động sẽ được tổ chức vào sáng mai, ngày 22/11/2017 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.
Tại tháng hành động, thành phố Hà Nội sẽ tổ chức các hội thảo chuyên đề, các hoạt động truyền thông, vận động hưởng ứng tháng hành động; tổ chức tư vấn xét nghiệm HIV lưu động, xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng; vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV… phấn đấu mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020 (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng của mình; 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng virut và 90% người nhiễm HIV được điều trị thuốc kháng virut kiểm soát được số virut ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây HIV cho người khác) để chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030.
Theo bà Lã Thị Lan, trong 9 tháng đầu năm nay, Hà Nội phát hiện 982 trường hợp nhiễm HIV, 88 trường hợp tử vong. Hiện nay, Hà Nội đang triển khai 18 cơ sở điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, trong 9 tháng đầu năm đã điều trị an toàn cho 4.799 bệnh nhân. Thành phố cũng mở rộng diện sàng lọc HIV tại các xã, phường và kết hợp với các tổ chức phi chính phủ thực hiện xét nghiệm HIV tại cộng đồng. Hiện tại đã triển khai tại 102 xã, phường và 14 phòng xét nghiệm tự nguyện tại tuyến huyện. Đến nay, các trung tâm này đã triển khai xét nghiệm 31.246 mẫu, phát hiện 532 ca HIV dương tính.
Ngoài ra, tại các bệnh viện, trung tâm y tế đã thực hiện xét nghiệm HIV khi bệnh nhân đến khám chữa bệnh, kết quả đã xét nghiệm trên 90 nghìn mẫu, phát hiện 808 ca nhiễm HIV.
Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội nhận định, dịch HIV/AIDS tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, tập trung ở các đối tượng có nguy cơ cao như tiêm chích ma túy, mại dâm, quan hệ tình dục đồng giới, trong khi năm 2018 nguồn lực hỗ trợ từ các dự án quốc tế cho công tác này giảm mạnh, một bộ phận nhân dân hiểu chưa đúng và đầy đủ về dịch HIV/AIDS, còn tâm lý kỳ thị…
Do đó, trong năm 2018, bên cạnh việc đẩy mạnh truyền thông, huy động nguồn lực, sự tham gia của các tổ chức, cá nhân đối với công tác này, đặc biệt tiếp tục mở rộng diện điều trị bằng Methadone, phấn đấu 6.500 người được điều trị trong năm 2018.