Hà Nội: Phát sinh 122 vụ vi phạm pháp luật về đê điều
Số vụ vi phạm pháp luật về đê điều còn tồn đọng ở Hà Nội vẫn rất lớn
Bài liên quan
Xử lý triệt để vi phạm về đê điều sau chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội
Hà Nội yêu cầu mở đợt cao điểm xử lý vi phạm về đê điều
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, năm 2019 và 4 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn thành phố Hà Nội phát sinh 122 vụ vi phạm pháp luật về đê điều. Theo phân loại tính chất vi phạm: Xây nhà bê tông, công trình kiên cố có 2 vụ; xây dựng cải tạo nhà thành công trình kiên cố 1 vụ; xây nhà cấp 4, móng, công trình phụ 38 vụ; xây tường chắn, cổng, trụ cột 18 vụ; lều, quán, lán tạm 11 vụ; chứa chất vật tư, chất tải lên phạm vi bảo vệ đê 18 vụ; đào, xe đê, xây dốc 1 vụ; đào ao, đào đất, khai thác đất cát trong phạm vi bảo vệ đê 1 vụ; các vi phạm khác 32 vụ.
Về kết quả xử lý vi phạm pháp luật về đê điều năm 2019 và 4 tháng đầu năm 2020: Số vụ vi phạm đã được cơ quan chức năng thành phố xử lý là 79 vụ (trong đó vi phạm trong năm 2019 là 34 vụ; vi phạm trong 4 tháng đầu năm 2020 là 1 vụ; vi phạm của các năm trước là 44 vụ).
Đáng chú ý, từ tháng 7/2019 đến nay, từ khi có các văn bản chỉ đạo của UBND thành phố và kiến nghị của Đoàn kiểm tra công vụ thành phố về công tác quản lý, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, UBND các quận, huyện, thị xã đã quan tâm, chỉ đạo xử lý các vụ việc vi phạm.
Kết quả xử lý vi phạm từ tháng 7/2019 đến tháng 4/2020 đã có chuyển biến; đặc biệt là 10 vụ việc phát sinh trong tháng 8/2019 tại địa bàn các quận, huyện: Ba Vì, Bắc Từ Liêm, Phú Xuyên, Sóc Sơn, Quốc Oai, Thanh Oai, UBND thành phố đã có nhiều văn bản chỉ đạo. UBND các quận, huyện đã xử lý dứt điểm được 9/10 vụ.
Hiện nay, tình hình vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn thành phố vẫn diễn biến phức tạp, trong khi đó, số vụ vi phạm được xử lý còn hạn chế, số vụ vi phạm tồn đọng nhiều, mặc dù UBND thành phố đã có nhiều văn bản chỉ đạo xử lý. Một số địa bàn xảy ra nhiều vi phạm, nhưng kết quả xử lý rất thấp.
Để ngăn chặn, xử lý hiệu quả và hạn chế tình hình vi phạm pháp luật về đê điều trong thời gian tới, Sở NN&PTNT đề xuất, kiến nghị một số giải pháp, trong đó, giải pháp về công trình gồm: Xác định cụ thể các khu vực công trình, nhà ở phải di dời; khu vực dân cư tập trung hiện có được tồn tại, bảo vệ; khu vực bãi sông đủ điều kiện xây dựng mới công trình, nhà ở; làm cơ sở rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và tổ chức việc khai thác, sử dụng vùng bãi sông cho phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới và phát triển đô thị của thành phố.
Cùng với đó, cơ quan chức năng tổ chức lập các dự án di dân, tái định cư, di dời công trình, nhà ở nằm trong phạm vi bảo vệ đê điều và các khu vực khác cần phải tổ chức di dời theo quy định của Luật Đê điều, Nghị định số 113/2007/NĐ-CP ngày 28/6/2007 của Chính phủ và Quy hoạch phòng chống lũ, đê điều được phê duyệt.
Đồng thời, Nhà nước cần tăng cường đầu tư công trình phục vụ công tác quản lý gồm: Cắm mốc chỉ giới bảo vệ đê, chỉ giới thoát lũ; xây dựng đường hành lang chân đê, dốc lên đê, nâng cấp, gia cố mặt đê, tăng tải trọng thiết kế, nhằm đảm bảo an toàn công trình đê điều, hạn chế lấn chiếm, xâm hại đến thân đê; xây dựng kè bờ sông để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng vi phạm lấn chiếm bãi sông, lòng sông, cũng như kết hợp phát triển kinh tế - xã hội, cảnh quan đô thị khu vực trung tâm thành phố.