Hà Nội quyết liệt, tăng tốc triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19
Triển khai tiêm liều vắc xin COVID-19 bổ sung và nhắc lại
Tại quận Hà Đông, hiện nay tình hình dịch COVID-19 cũng có những diễn biến phức tạp. Toàn quận vẫn ở cấp độ dịch 2 (nguy cơ trung bình), tuy nhiên tuần qua, có 3 phường Yên Nghĩa, Dương Nội, Biên Giang tăng lên cấp độ 3.
Theo kế hoạch, trên 95% người từ trên 18 tuổi có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng đã được tiêm đủ liều cơ bản vắc xin phòng COVID-19 hoặc người đã tiêm đủ liều cơ bản bằng vắc xin của hãng Sinopharm hoặc vắc xin Sputnik V sẽ được tiêm 1 mũi bổ sung vắc xin phòng COVID- 19.
Trên 95% người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản hoặc bổ sung sẽ được tiêm 1 mũi vắc xin nhắc lại vắc xin phòng COVID-19 (ưu tiên tiêm trước cho người có tình trạng suy giảm miễn dịch, người có bệnh nền, người từ 50 tuổi trở lên và lực lượng tuyến đầu chống dịch).
Quận đảm bảo an toàn tiêm chủng khi sử dụng vắc xin phòng COVID-19. Thời gian triển khai từ tháng 12/2021 đến tháng 6/2022.
Quận Hà Đông đang lên kế hoạch tiêm vắc xin phòng chống dịch COVID-19 mũi bổ sung và nhắc lại cho người dân |
Đối với liều bổ sung, ngành Y tế yêu cầu đảm bảo khoảng cách sau liều cơ bản từ 28 ngày đến 3 tháng, gồm các nhóm đối tượng: Người trên 18 tuổi có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng… Người đã tiêm đủ liều cơ bản bằng vắc xin của hãng Sinopharm hoặc vắc xin Sputnik V.
Đối với liều nhắc lại, đảm bảo khoảng cách đối với liều cơ bản hoặc liều bổ sung ít nhất 3 tháng, bao gồm các đối tượng: Người đã hoặc tiêm chưa tiêm liều bổ sung; Ưu tiên người có bệnh nền, người cần được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế, người từ 50 tuổi trở lên, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19, nhân viên y tế.
Vắc xin trong chiến dịch tiêm chủng lần này là loại đã được Bộ Y tế phê duyệt để tiêm bổ sung và nhắc lại, liều lượng theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất đã được Bộ Y tế cho phép. Theo kế hoạch của ngành Y tế quận Hà Đông, các phường trên địa bàn quận tổ chức tiêm theo thứ tự ưu tiên và tiêm chủng miễn phí cho tất cả các đối tượng trên.
Nhân viên y tế tiêm vắc xin cho người dân |
Về lộ trình triển khai, quận sẽ tiêm cho đối tượng theo thứ tự ưu tiên và theo tiến độ cung ứng vắc xin của Sở Y tế; Triển khai tiêm ngay khi tiếp nhận vắc xin; Dự kiến triển khai từ tháng 12/2021 đến tháng 6/2022 theo tình hình dịch cũng như mức độ cung ứng vắc xin của Bộ Y tế.
Tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch
Cùng với việc đẩy mạnh tiêm vắc xin liều bổ sung và nhắc lại cho người dân, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố cũng tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong dịp lễ cuối năm 2021, đầu năm 2022.
Tại quận Thanh Xuân, các lực lượng chức năng quận đã quyết liệt, khẩn trương triển khai công tác phòng, chống dịch. Theo đó, từ quận đến phường chủ động xây dựng, ban hành các kịch bản, phương án ở mức cao hơn để sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch COVID-19, không để bị động, bất ngờ; Đảm bảo triển khai tối đa việc quản lý, điều trị F0 triệu chứng nhẹ và không triệu chứng tại nhà khi đủ điều kiện; Sẵn sàng kích hoạt các cơ sở thu dung điều trị F0; Điều tiết, hỗ trợ lực lượng, trang thiết bị giữa các phường. Đồng thời, các đơn vị thường xuyên đánh giá hiệu quả hoạt động của các trạm y tế lưu động, việc điều trị F0, cách ly F1 tại nhà để đưa ra biện pháp phù hợp.
Lực lượng chức năng của quận Thanh Xuân tăng cường kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn quận |
Bên cạnh đó, quận đã chủ động rà soát hệ thống y tế cơ sở, trạm y tế lưu động, cơ sở thu dung điều trị F0 để có giải pháp cụ thể về trang thiết bị y tế, thuốc, nguồn nhân lực y tế (ngoài công lập, sinh viên các trường cao đẳng, đại học, các y bác sỹ nghỉ hưu, tình nguyện viên…) tham gia phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Quận cũng thường xuyên cập nhật đầy đủ danh sách F0 điều trị tại nhà, đảm bảo việc cấp phát thuốc theo phác đồ điều trị và hướng dẫn đầy đủ quy trình cách ly, điều trị, xét nghiệm đối với người bệnh trong vòng 24 giờ đầu tiên khi phát hiện ca nhiễm.
Đặc biệt, 117 “Tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm COVID-19 tại nhà” với 412 thành viên đang phát huy hiệu quả tích cực: Tiếp tục duy trì nhiệm vụ hỗ trợ cho các Trạm Y tế, Trạm Y tế lưu động; Tiếp nhận thông tin từ người nhiễm COVID-19 tại nhà theo quy định, lấy mẫu xét nghiệm, hướng dẫn các biện pháp thực hiện cách ly tại nhà, ghi chép các thông tin nhận được từ người cách ly tại nhà thông báo ngay cho cán bộ y tế của Trạm Y tế phường, Trạm Y tế lưu động và các nhiệm vụ khác được giao.
Cơ sở thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 của quận Thanh Xuân |
Cùng với đó, các phường phân công cán bộ, đoàn thể để hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người dân là F0, F1 cách ly tại nhà (trường hợp đủ điều kiện theo quy định). Hiện các phường đang quản lý 388 F0 cách ly, điều trị tại nhà.
Theo dự đoán của các chuyên gia, số ca bệnh tại Hà Nội có thể sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Điều quan trọng nhất hiện nay là cần sớm kiểm soát tình hình, không để số ca tăng cao hơn nữa, nếu không muốn tình trạng quá tải hệ thống y tế xảy ra. Khi số mắc tăng quá cao, sức chịu đựng của ngành Y tế sẽ không đủ, hậu quả là nhiều trường hợp mắc bệnh, diễn biến nặng sẽ không được tiếp cận với y tế cũng như tư vấn và điều trị kịp thời, từ đó, tỷ lệ bệnh nhân tử vong cũng sẽ tăng cao.
Với tỷ lệ tiêm vắc xin cao, đa số các ca bệnh sẽ chỉ diễn biến nhẹ hoặc không có triệu chứng. Tuy nhiên, không phải 100% người dân tiêm đủ liều vắc xin đều sẽ diễn biến nhẹ khi mắc COVID-19. Vẫn có trường hợp diễn biến nặng, tử vong dù đã tiêm vắc xin. Ngoài ra, khi số mắc tăng cao, y tế quá tải, việc số trường hợp diễn biến nặng, tử vong tăng cao là hệ quả tất yếu.
Vì vậy, người dân cần nghiêm túc thực hiện khuyến cáo 5K của Bộ Y tế. Trong giai đoạn hiện nay, người dân nên hạn chế tiếp xúc khi không thực sự cần thiết, tránh những hoạt động, địa điểm có nguy cơ lây lan cao như các hoạt động hội họp, tụ tập đông người, đi chợ, mua bán tại những địa điểm không đảm bảo an toàn...
Duy trì thường trực 24/24/7 các đội phòng chống dịch cơ động
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngày 31/12, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh ký và ban hành công điện 27 về tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong dịp Tết Dương lịch và đầu năm mới 2022
Chủ tịch UBND TP yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố theo các văn bản chỉ đạo của Trung ương và thành phố; Yêu cầu thực hiện nghiêm quy định 5K, lắp đặt và triển khai quét mã QR căn cước công dân có gắn chíp; Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, đặc biệt tại các điểm công cộng, nhà ga, sân bay, bệnh viện, chợ, siêu thị… không để phát sinh tình trạng tập trung đông người trên địa bàn; Kiên trì tuyên truyền, vận động người dân có việc cần thiết mới ra ngoài.
UBND, Ban Chỉ đạo các quận, huyện, thị xã căn cứ vào cấp độ dịch trên địa bàn để áp dụng các biện pháp hành chính phù hợp và chỉ đạo các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử phạt các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch; Tăng tối đa công suất thu dung điều trị F0 tại xã, phường, tại nhà khi đủ điều kiện; Rà soát lại trang thiết bị y tế tại các trạm y tế lưu động, như ô xy, thuốc điều trị, thiết bị đo SpO2, xem xét cần thiết thì có thể bố trí phòng cấp cứu.
Các quận, huyện duy trì thường trực 24/24/7 các đội phòng chống dịch cơ động, tại các cơ sở y tế đảm bảo xử lý nhanh, kịp thời các tình huống dịch bệnh xảy ra trên địa bàn; Giám sát chặt người về từ các quốc gia, vùng có dịch, tăng cường giám sát phát hiện biến chủng mới Omicron của virus SARS-CoV-2 tại cộng đồng.
Các đon vị luôn trong tình trạng sẵn sàng phản ứng nhanh với các thông tin để phát hiện sớm, truy vết, điều tra, xác minh, khoanh vùng dập dịch kịp thời không để nguồn bệnh lây lan ra cộng đồng; Tăng cường các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm COVID-19 trong các cơ sở khám, chữa bệnh; Tiếp tục củng cố hệ thống y tế cơ sở, tổ chức tiêm vắc xin, thuốc, oxy y tế, giám sát dịch và nâng cao năng lực thực chất của hệ thống y tế, nhất là hệ thống y tế cơ sở, tăng cường thành lập các trạm y tế lưu động, đặc biệt trong các khu công nghiệp, phường đông dân cư.