Hà Nội sẵn sàng khởi công dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô
Giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô: Mặt trận vào cuộc gỡ “nút thắt” tư tưởng Bài 3: “Bám” dân, lắng nghe dân để tạo sự đồng thuận |
Cán bộ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội cùng đơn vị tư vấn thực hiện khảo sát phục vụ thiết kế dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 |
Giải phóng mặt bằng trở thành bệ phóng cho dự án tăng tốc
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm triển khai dự án đường bộ cao tốc diễn ra ngày 1/6, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, Hà Nội kết nối với các tỉnh, thành phố Vùng Thủ đô, từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây và ngược lại thông qua 7 tuyến cao tốc trọng yếu gồm: Nội Bài - Lào Cai; Đại lộ Thăng Long; Pháp Vân - Cầu Giẽ; Hà Nội - Hải Phòng; Hà Nội - Lạng Sơn; Hà Nội - Thái Nguyên; Hà Nội - Hạ Long. Các tuyến cao tốc này lại được kết nối với nhau trên cơ sở một số tuyến vành đai chính như: Vành đai 3, 4, 5…
Với dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, quá trình chuẩn bị đầu tư đã đạt một số kết quả rất tích cực, đặc biệt trong công tác giải phóng mặt bằng, bảo đảm sẵn sàng khởi công dự án. Để được kết quả trên, thành phố đã rất chủ động, quyết liệt, áp dụng 4 nhóm giải pháp chính.
Thứ nhất, Hà Nội tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án thành phần độc lập. Ưu điểm của giải pháp này là giúp cho việc giải phóng mặt bằng không còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố kỹ thuật mang tính chất chuyên ngành của các công trình kết cấu hạ tầng giao thông đường cao tốc; Có thể triển khai sớm công tác giải phóng mặt bằng ngay sau khi có chỉ giới đường đỏ được phê duyệt, đảm bảo việc giải phóng mặt bằng đi trước một bước.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn chia sẻ tại hội nghị |
Thứ hai, thành phố triển khai đồng thời với công tác giải phóng mặt bằng một số công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư như: Tổ chức lập, phê duyệt, bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng để các địa phương tổ chức thực hiện; Rà soát, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, rà soát nhu cầu tái định cư, trên cơ sở đó tổ chức lập dự án đầu tư xây dựng các khu tái định cư, thực hiện giải phóng mặt bằng khu tái định cư (nếu có).
Thứ ba, căn cứ theo Điều 111 của Luật Đất đai (năm 2013), Hà Nội đã ứng vốn cho việc bồi thường, giải phóng mặt bằng; tạo quỹ đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đã được phê duyệt để thực hiện giải phóng mặt bằng, làm cơ sở bố trí kế hoạch đầu tư công hằng năm.
Thứ tư, để tăng tính chủ động của địa phương, Hà Nội đã giao nhiệm vụ giải phóng mặt bằng trực tiếp cho các quận, huyện có tuyến Vành đai 4 đi qua triển khai, vốn bố trí được phân bổ cụ thể cho từng địa phương.
Nhờ những giải pháp quyết liệt, chủ động như vậy, hiện tại, khối lượng giải phóng mặt bằng dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn Hà Nội đã đạt 70%, dự kiến đạt 80% trước khi khởi công (vượt chỉ tiêu 10%). Giải phóng mặt bằng đã thực sự trở thành bệ phóng cho dự án tăng tốc ngay từ những bước đầu tiên.
Công tác đền bù được giải quyết kịp thời
Với quyết tâm khởi công dự án đúng kế hoạch đề ra, cả hệ thống chính trị của thành phố Hà Nội vào đã vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao nhận được sự ủng hộ và đồng thuận của người dân đã giúp cho công tác giải phóng mặt bằng của dự án đến nay bảo đảm tiến độ đề ra.
Chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai giải phóng mặt bằng tại địa phương, Bí thư Huyện ủy huyện Thường Tín Nguyễn Tiến Minh cho biết, Nhân dân đồng tình rất cao đối với dự án đường Vành đai 4 và chấp hành bàn giao mặt bằng để triển khai dự án.
Một số ý kiến về công tác đền bù đã được giải quyết kịp thời, ví dụ như dự án tái định cư của thôn Sâm Động, xã Vân Tảo, hay xã Yên Thái, bảo đảm quyền lợi chính đáng của Nhân dân.
Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dụng Công trình Giao thông thành phố Hà Nội cho biết, thành phố đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ các dự án thành phần thuộc dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 để khởi công xây dựng tuyến đường lớn bậc nhất này vào cuối tháng 6.
Theo Ban quản lý Dự án, đến nay kế hoạch vốn đã bố trí là 5.854,840 tỷ đồng (vốn quỹ đầu tư phát triển là gần 2.565 tỷ đồng; kế hoạch vốn năm 2022 và năm 2023 là 3.290 tỷ đồng); Trong đó, kế hoạch vốn đã bố trí cho Ban quản lý Dự án là 55 tỷ đồng (kế hoạch vốn năm 2023 là 53,255 tỷ đồng).
Kế hoạch vốn đã bố trí cho các quận, huyện thực hiện giải phóng mặt bằng là gần 5.800 tỷ đồng (vốn quỹ đầu tư phát triển là gần 2.565 tỷ đồng; Kế hoạch vốn năm 2023 là hơn 3.235 tỷ đồng).
Tổng giá trị giải ngân đến nay là gần 3.972 tỷ đồng (vốn ứng quỹ đầu tư phát triển là gần 2.565 tỷ đồng; giải ngân vốn kế hoạch là gần 1.407 tỷ), trong đó Ban quản lý Dự án đã giải ngân 2.394 tỷ đồng; Các địa phương giải ngân thực hiện giải phóng mặt bằng là 3.969,24 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 68,437%. Bên cạnh đó, thành phố còn có kế hoạch vốn đã bố trí hàng trăm tỷ đồng cho các dự án thành phần.