Hà Nội: Sáng tạo để Nghị quyết đại hội Đảng sớm đi vào cuộc sống
Hà Nội: 200 cán bộ, đoàn viên quận Cầu Giấy được quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng Đẩy mạnh học tập Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong đoàn viên, thanh niên |
Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội bằng 10 chương trình công tác
Xuất phát từ mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, các khâu đột phá trong Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, Thành ủy Hà Nội đã xây dựng chương trình hành động, trong đó xác định 10 chương trình công tác toàn khóa. Các chương trình không chỉ có ý nghĩa quan trọng, cấp bách trong giai đoạn trước mắt, mà còn có ý nghĩa hết sức cơ bản, lâu dài đối với sự phát triển của Thủ đô trong những giai đoạn tiếp theo.
Bên cạnh những chương trình mang tính kế thừa về công tác xây dựng Ðảng, xây dựng Nông thôn mới, an ninh - quốc phòng hay phòng, chống tham nhũng…, Thành ủy khóa XVII đã bổ sung 3 chương trình mới so với nhiệm kỳ khóa XVI. Ðó là Chương trình số 03-CTr/TU về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021-2025”; Chương trình số 07-CTr/TU về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2025” và Chương trình số 08-CTr/TU về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025”. Việc ban hành các chương trình công tác là giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo nhằm cụ thể hóa và sớm đưa Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống.
Hà Nội tổ chức phổ biến, quán triệt, triển khai 10 chương trình công tác của Thành ủy khóa XVII bằng hình thức trực tuyến và truyền hình trực tiếp |
Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị triển khai, học tập, quán triệt và tuyên truyền 10 Chương trình công tác của Thành ủy khóa XVII mới đây, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, 10 chương trình công tác của Thành ủy khóa XVII đã bám sát Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, được hình thành qua quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, bài bản, khoa học, trên cơ sở kế thừa và phát triển, tiếp thu ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý...
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cũng nêu rõ, nội dung 10 chương trình công tác đã bao phủ tất cả các lĩnh vực được nêu trong Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ TP. Trong đó, Chương trình 01 về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và cải cách hành chính là rất quan trọng; Chương trình 02, 03, 04 về đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế đô thị, nông thôn; Chương trình 05 về quy hoạch, tài nguyên, môi trường, phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; Chương trình 06, 07, 08 về phát triển văn hóa, con người, nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học công nghệ, đảm bảo an sinh xã hội; Chương trình 09 về quốc phòng, an ninh và Chương trình 10 về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí...
Các chương trình được kết cấu với mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp riêng, tuy nhiên lại có mối quan hệ biện chứng và logic với nhau, kết quả của chương trình này tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới chương trình kia và ngược lại.
Tuyên truyền sâu, rộng tới từng cán bộ, đảng viên
Việc triển khai, học tập, quán triệt và tuyên truyền 10 Chương trình công tác của Thành ủy khóa XVII thông qua Hội nghị trực tuyến và truyền hình trực tiếp là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong Đảng bộ và cả hệ thống chính trị để mỗi cán bộ, đảng viên, Nhân dân nắm vững và thực hiện đúng đắn, nghị quyết của Đảng; Tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng bộ, trong trong Nhân dân, nhằm xây dựng, phát triển Thủ đô trong 5 năm (2020 - 2025), định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Đây là cách làm mới, sáng tạo, chưa có tiền lệ, là cơ hội tốt cho các đảng viên cơ sở trực tiếp tiếp thu sâu sắc Nghị quyết của Đảng bộ từ những cán bộ chủ chốt của thành phố truyền đạt.
Các chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội khóa XVII không chỉ có ý nghĩa quan trọng, cấp bách trong giai đoạn trước mắt, mà còn có ý nghĩa hết sức cơ bản, lâu dài đối với sự phát triển của Thủ đô (Ảnh minh họa) |
Trực tiếp tham dự và theo dõi hội nghị, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Minh Khai (quận Hai Bà Trưng) Trịnh Lê Đức chia sẻ: Bài phát biểu khai mạc Hội nghị của Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho đến quán triệt, phổ biến 10 chương trình công tác của Thành ủy do các đồng chí Phó Bí thư Thành ủy, đồng thời là Trưởng Ban chỉ đạo các chương trình trình bày đều thể hiện rất sâu sát với tình hình chính trị đất nước và Thủ đô hiện nay; Có sức lan tỏa với các địa phương, tạo đồng thuận và thống nhất cao trong hệ thống chính trị về việc triển khai thực hiện 10 chương trình công tác này.
Bên cạnh đó, việc tổ chức hội nghị theo hình thức trực tuyến như vậy có tác dụng rất thiết thực cho các địa phương vì giúp chủ động trong bố trí thời gian, có nhiều thành phần cán bộ chủ chốt trong hệ thống tham dự được, đặc biệt đến tận các cán bộ cơ sở như cán bộ trong Ban Chấp hành Đảng bộ, bí thư chi bộ, tổ trưởng dân phố ở các địa bàn dân cư… Hình thức tổ chức này rất hiệu quả, rất cần tiếp tục được nhân rộng trong thời gian tới.
Anh Lê Hải Trung (ở phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân) cho rằng, hội nghị trực tuyến học tập, nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền 10 chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 rất quan trọng. Đây là cơ sở, tiền đề để triển khai thực hiện. Nếu không nắm chắc, không hiểu rõ những phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp được xác định trong 10 chương trình công tác thì không thể triển khai thực hiện đúng và hiệu quả, thậm chí là dễ mắc sai lầm, chệch hướng so với mục tiêu đề ra.
Trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19 và trong điều kiện công nghệ thông tin phát triển, việc TP tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền bằng hình thức truyền hình trực tiếp rất thuận lợi và cùng một lúc có thể truyền đạt tới nhiều người. Đặc biệt, những người trực tiếp truyền đạt nội dung của 10 chương trình tới các đại biểu đều là những đồng chí trong Thường trực Thành ủy. Đây đều là những người đã gắn bó trong suốt quá trình phát triển TP cũng như việc hình thành 10 chương trình. Điều này sẽ giúp cho việc truyền đạt nội dung của 10 chương trình tới các đại biểu được sát với thực tế và sinh động.
Việc chủ động tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt 10 chương trình công tác không chỉ là khâu đầu tiên mà còn là điều kiện, tiền đề để đưa nội dung của 10 chương trình đi vào cuộc sống, qua đó góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng phát triển. Cách làm sáng tạo, đổi mới này của Hà Nội tiếp tục khẳng định tính năng động sự tự tin, không ngại đổi mới của bộ máy chính quyền thành phố, khơi dậy khát vọng xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, giàu đẹp.