Hà Nội: Tăng cường ứng trực đảm bảo an toàn giao thông trước mưa lớn
Hà Nội còn 11 điểm trọng yếu về ngập úng
Những ngày qua, Hà Nội xuất hiện nhiều trận mưa lớn kéo dài nhiều giờ đồng hồ khiến cho một số tuyến đường ngập úng cục bộ sau mưa, giao thông nội đô bị tê liệt.
Theo thống kê của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, năm 2022, dự báo Hà Nội còn 11 điểm trọng yếu về ngập úng. Trong đó, lưu vực sông Tô Lịch có 8 điểm gồm: Phố Nguyễn Khuyến (khu vực trước cổng trường Lý Thường Kiệt, quận Đống Đa), phố Hoa Bằng (đoạn từ số nhà 91 đến 97 và số 54 đến 56, quận Cầu Giấy), ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, ngã năm Đường Thành – Bát Đàn (quận Hoàn Kiếm), phố Cao Bá Quát (đoạn qua Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội, quận Ba Đình), phố Thụy Khuê (dốc La Pho, quận Tây Hồ), phố Minh Khai (đoạn chân cầu Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng), phố Nguyễn Chính (đoạn từ ngõ 74 đến cống hóa mưng Tân Mai, quận Hoàng Mai).
Lưu vực sông Nhuệ có 1 điểm là khu vực Đại lộ Thăng Long (đoạn ngã ba Lê Trọng Tấn, hầm chui số 3, 5, 6, km9+656; Nút giao An Khánh, quận Nam Từ Liêm); Khu vực sông Cầu Bây (quận Long Biên) có 2 điểm gồm: Phố Ngọc Lâm (đoạn từ ngã ba Long Biên 1 đến Xí nghiệp Môi trường Đô thị Gia Lâm); Đường Hoàng Như Tiếp (đoạn từ trường Tiểu học Ngọc Lâm đến ngã 3 Hoàng Như Tiếp - Ái Mộ).
Hiện Hà Nội còn 11 điểm trọng yếu về ngập úng |
Theo lãnh đạo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, ngoài việc hạ tầng yếu kém, một trong những nguyên nhân chính khiến công tác thoát nước gặp nhiều khó khăn đó là tiến độ xây dựng của các dự án phát triển hạ tầng, trong đó có cả các dự án nâng cao năng lực của hệ thống thoát nước.
Dẫn chứng về vấn đề này, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, tại khu vực phố Thụy Khuê (đoạn dốc La Pho, quận Tây Hồ) - nơi việc tiêu thoát nước phụ thuộc chính vào hệ thống mương Thụy Khuê. Tuy nhiên, đến thời điểm này, dự án cải tạo mương Thụy Khuê vẫn đang trong quá trình triển khai xây dựng, giải phóng mặt bằng nên việc tiêu thoát nước gặp rất nhiều khó khăn.
Tại khu vực Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, việc nhà ga tàu điện S12 chậm triển khai đã khiến hệ thống tiêu thoát nước trong khu vực bị ảnh hưởng nặng nề. Bởi, để thực hiện dự án, đơn vị thi công đã nắn dòng đường thoát nước chung của tuyến vào một đường ống riêng chạy sát với công trường thi công. Song, đường ống này chưa đáp ứng được nhu cầu thoát nước trong khu vực, làm chậm khả năng tiêu thoát nước, tăng thời gian úng ngập khi có mưa lớn.
Kịp thời ứng phó với mưa giông
Để kịp thời ứng phó với mưa giông, đảm bảo an toàn cho người dân lưu thông trên đường, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội yêu cầu các Đội Thanh tra Giao thông trực thuộc bố trí lực lượng, phương tiện trực đảm bảo trật tự an toàn giao thông ứng phó với mưa lớn, lốc, sét, mưa đá và nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ngập úng cục bộ trên địa bàn thành phố.
Ban phòng, chống lụt bão và ứng phó với thiên tai Thanh tra Sở Giao thông Vận tải yêu cầu các Đội Thanh tra Giao thông trực thuộc chủ động bố trí quân số ứng trực theo phương án phân công của đơn vị; Sẵn sàng nhận nhiệm vụ chủ động ứng phó với mưa lớn, lốc, sét, mưa đá và nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ngập úng.
Các đơn vị kiểm tra, gia cố lại trụ sở đơn vị đảm bảo an toàn khi có bão, mưa lớn, lốc, sét, mưa đá... Sau mưa, triển khai ngay lực lượng nắm bắt tình hình úng ngập, cây xanh, cột điện gãy đổ, hư hỏng hệ thống biển báo, kết cấu hạ tầng giao thông.
Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội yêu cầu các Đội Thanh tra Giao thông trực thuộc bố trí lực lượng, phương tiện trực đảm bảo trật tự an toàn giao thông ứng phó với mưa lớn |
Thanh tra Sở cũng yêu cầu, đội trưởng các Đội Thanh tra Sở Giao thông trực thuộc phải chủ động theo dõi nắm bắt kịp thời diễn biến thời tiết, các điểm úng ngập, các tình huống sự cố... xảy ra trên địa bàn quản lý, báo cáo đột xuất theo chỉ đạo của lãnh đạo cấp trên và báo cáo thường xuyên về Thanh tra Sở trước 16h00 hàng ngày.
Trong thời gian ứng trực, cán bộ, công chức, thanh tra viên sử dụng bộ đàm để liên lạc, không tắt điện thoại di động, đảm bảo thông tin liên lạc 24h/24h; Không giải quyết chế độ nghỉ phép cho cán bộ, thanh tra viên, nhân viên trong thời gian ứng trực mưa giông.
Các đơn vị bố trí lực lượng, phương tiện phối hợp với lực lượng chức năng phân luồng, chống ùn tắc giao thông tại các điểm nước ngập, xử lý sự cố giao thông; Huy động phương tiện đưa người dân qua khu vực ngập nước.
Cùng đó, Đội Thanh tra Giao thông Vận tải đường thủy nội địa phối hợp với các Đội Thanh tra Giao thông Vận tải địa bàn kiểm tra ngay các phương tiện thủy của đơn vị đang neo đậu trên sông hồ; Gia cố chằng buộc, di chuyển các phương tiện thủy của đơn vị vào nơi an toàn, đảm bảo không thiệt hại khi mưa lớn đổ bộ vào Hà Nội;
Kiểm tra, nhắc nhở các chủ bến khách ngang sông, bến thủy nội địa, các khu vui chơi giải trí, các chủ phương tiện vận tải thủy chủ động có biện pháp để đảm bảo an toàn cho tài sản và phương tiện.
Đội Thanh tra Giao thông Vận tải Gia Lâm được giao phối hợp kiểm tra, rà soát các vấn đề liên quan, đảm bảo an toàn khu nhà điều hành cầu phao Đuống đảm bảo an toàn cho khu nhà điều hành khi mưa lớn đổ bộ vào Hà Nội.
Các Đội Thanh tra Giao thông Vận tải quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, yêu cầu các đơn vị thi công trên các tuyến đường đang khai thác có biện pháp đảm bảo an toàn về rào chắn, biển báo, cẩu, máy móc phục vụ thi công.