Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm mốc son chói lọi của lịch sử dân tộc
Quận Ba Đình tổ chức chuỗi sự kiện kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” |
Chiến công Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không cuối năm 1972 là một niềm tự hào vô cùng to lớn, một mốc son chói lọi của dân tộc ta. Nửa thế kỷ qua nhưng âm hưởng hào hùng của chiến thắng ấy vẫn còn vang vọng. Hướng tới sự kiện đặc biệt này, nhiều hoạt động ý nghĩa đã được diễn ra tại Thủ đô Hà Nội.
Những hoạt động không chỉ giúp chúng ta gợi nhớ về một thời bom đạn đỏ lửa, chiến đấu anh dung của chiến sĩ và Nhân dân Hà Nội và cả nước mà còn giúp thế hệ trẻ hình dung ra thời cuộc lúc bấy giờ, đồng thời thêm yêu và tự hào, biết ơn đối với thế hệ đi trước.
Lễ kỷ niệm cấp Bộ Quốc phòng
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quyết định tổ chức Lễ kỷ niệm cấp Bộ Quốc phòng, trong đó Quân chủng là đơn vị chủ trì.
Lễ kỷ niệm cấp Bộ Quốc phòng (Ảnh: Dương Toàn) |
Đại tá Ngô Quốc Chung - Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng cho biết: “Do tính chất quan trọng của sự kiện nên ngày 23/3/2021, Đảng ủy Quân chủng đã ban hành Chỉ thị số 149-CT/ĐU về tổ chức các hoạt động kỷ niệm, mở đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, thống nhất nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ trong Quân chủng; Xây dựng đề án, kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm cấp Bộ Quốc phòng, Quân chủng và phối hợp với các cơ quan, ngành chức năng triển khai, hướng dẫn các đơn vị trong toàn quân tổ chức thực hiện chặt chẽ, hiệu quả”.
Từ tháng 5-2021 đến nay, Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ) đã chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhằm tuyên truyền, giáo dục sâu rộng về truyền thống vẻ vang của quân và dân Thủ đô Hà Nội, đặc biệt là lực lượng PK - KQ đã góp phần làm nên Chiến thắng lịch sử “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (12/1972 - 12/2022).
Triển lãm “Điện Biên Phủ trên không - Bước ngoặt lịch sử”
Chiều 8/12, tại Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức trưng bày triển lãm đặc biệt này.
Tại triển lãm, trưng bày, giới thiệu hơn 200 tài liệu, hình ảnh, hiện vật tiêu biểu phản ánh tầm vóc, ý nghĩa thời đại và giá trị lịch sử của Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không năm 1972; khẳng định đường lối chiến tranh Nhân dân đúng đắn của Đảng trong lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc.
Triển lãm “Điện Biên Phủ trên không - Bước ngoặt lịch sử” (Ảnh: Trần Vương) |
Nhiều nội dung hấp dẫn được thể hiện như: Giới thiệu những hình ảnh tiêu biểu phản ánh sự lãnh đạo, chỉ đạo, quyết tâm của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quân ủy Trung ương đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược bằng B-52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương ở miền Bắc, buộc Chính phủ Mỹ nối lại đàm phán và ký Hiệp định Paris ngày 27/1/1973, tạo bước ngoặt lịch sử cho cách mạng Việt Nam, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Trưng bày chuyên đề “Khoảng lặng”
Đây là chuyên đề được tổ chức vào sáng 9/12 của Ban quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò. Có hai nội dung chủ để chính được thực hiện tại triển lãm đó là “Sau bức tường đá” và “Những ngày đỏ lửa” đều mang những ý nghĩa vô cùng sâu sắc và ấn tượng.
Chuyên đề “Khoảng lặng” tại Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò (Ảnh: Huyền Yến) |
Trong không gian trưng bày, đã phần nào tái hiện lại giai đoạn lịch sử những năm 1964 - 1973 tại miền Bắc Việt Nam, với hệ thống đường giao thông hào để người dân thuận tiện di chuyển, ẩn nấp khi có báo động phòng không; Chiếc kẻng làm từ vỏ bom, báo động cho người dân khẩn trương vào hầm trú ẩn mỗi khi máy bay địch tấn công; Hố tránh bom cá nhân còn gọi là hầm cá nhân, “hầm tăng xê” trên đường phố, với những chiếc nắp làm bê tông cốt thép hoặc bện bằng rơm; tấm rơm đậy nắp hầm thường được gọi là “con dúi”. Bên cạnh còn có những chiếc mũ bện từ rơm để tránh bom bi.
Cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không
Đây là cuộc thi được Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phát động từ tháng 8/2022 nhằm tuyên truyền sâu rộng tới cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa thời đại sâu sắc của Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không; Thể hiện truyền thống vẻ vang, tôn vinh những chiến công của trí tuệ, lòng quả cảm và ý chí quật cường của dân tộc, quân đội ta, của cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Phòng không - Không quân, quân dân Thủ đô và các tỉnh, thành phố miền Bắc.
Tác phẩm tại triển lãm tranh của Phạm Bình Định, Hà Nội (Tranh minh họa: H.Thanh) |
Từ hơn 500 tác phẩm của gần 300 tác giả trên khắp cả nước tham gia, Hội đồng nghệ thuật đã tổ chức chấm chọn được 68 tác phẩm tiêu biểu phục vụ công tác tuyên truyền. Triển lãm tấm lớn ngoài trời và trao giải, tổng kết cuộc thi sẽ được tổ chức tại Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội và một số địa phương liên quan trong tháng 12/2022.
Trưng bày tài liệu: “Hà Nội, ký ức 12 ngày đêm - Điện Biên Phủ trên không”
Vào chiều 5/12, Trung tâm Lưu trữ lịch sử thành phố Hà Nội, Chi cục Văn thư - Lưu trữ Hà Nội phối hợp với Trung tâm Lưu trữ quốc gia III - Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ) tổ chức trưng bày tài liệu: “Hà Nội, ký ức 12 ngày đêm - Điện Biên Phủ trên không”.
Tại đây, trưng bày giới thiệu 84 tài liệu lưu trữ, tư liệu hình ảnh, hiện vật có giá trị về chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” trên bầu trời Hà Nội diễn ra trong 12 ngày đêm cuối năm 1972.
Những hoạt động trên đã thu hút được sự tham gia, hưởng ứng của không chỉ người dân thủ đô mà còn của đông đảo Nhân dân cả nước. Đặc biệt đối với những thế hệ trẻ, thế hệ GenZ mọi hoạt động vừa mang lại sự thu hút, vừa là sự trải nghiệm hấp dẫn và thú vị và thêm yêu và tự hào dân tộc ta.