Hà Nội: Vẫn nhức nhối chuyện bãi trông xe trái phép
Khu vực đầu ngõ 72 Nguyễn Trãi tồn tại nhiều điểm trông xe trái phép
Bài liên quan
Giá trông xe “cắt cổ” quanh khu vực chợ Trung thu phố cổ Hà Nội
Tại Phố đi bộ và Chợ đêm: Bãi trông xe “nhái” "móc túi" người dân
Hà Nội “bác” đề xuất lập bãi trông xe dưới đường trên cao
Vỉa hè bị hàng quán, bãi trông xe xâm lấn
Nguyên nhân một phần do Hà Nội có số lượng phương tiện lớn nhưng hạ tầng lại không đáp ứng được yêu cầu. Hiện HĐND thành phố đang lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo Nghị quyết khuyến khích đầu tư xây dựng, khai thác bến xe, bãi đỗ xe ô tô và các phương tiện cơ giới khác; ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn...
Bài 1: Loay hoay chấn chỉnh, xử phạt
Cách đây không lâu, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải đã có văn bản yêu cầu các đội thanh tra rà soát các điểm trông giữ xe không phép, thu phí trái quy định, nhằm chấn chỉnh tình trạng lộn xộn, gây mất an ninh trật tự. Thế nhưng bất chấp quy định, sau hơn 1 tháng, tình trạng trông giữ xe trái quy định vẫn diễn ra phức tạp tại nhiều nơi trên địa bàn thành phố.
Giá gửi xe vẫn “đắt cắt cổ”
Chỉ cần căng dây, kẻ vạch, tận dụng các khu đất dự án chưa triển khai, thậm chí lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, một số điểm trông giữ phương tiện đã có thể thu lợi bất chính với giá vé trông xe “cắt cổ”.
Khu vực ngã ba Cầu Gỗ - Đinh Tiên Hoàng - Đinh Liệt nhiều năm nay là "điểm đen" trông giữ xe trái phép. Vào giờ cao điểm, ngày cuối tuần bãi trông xe hè phố này còn để xe thành hàng dài, tràn xuống lòng đường, gây ùn tắc cản trở giao thông. Ngang nhiên hoạt động và được thu phí trông giữ với giá “cắt cổ” lên đến 20.000 đồng một lượt; trên vé xe cũng không ghi tên đơn vị phát hành và không ghi giá vé, song điều đáng ngạc nhiên là điểm trông xe này vẫn không bị cơ quan chức năng xử lý, dù báo chí hay các phương tiện truyền thông phản ánh rất nhiều lần.
Không chỉ tại các tuyến phố cũ với những bất cập về hạ tầng, xung quanh các khu đô thị mới xây dựng nhiều bãi đỗ xe không phép cũng mọc lên nhan nhản.
Lượng người đến tham quan, mua sắm, vui chơi tại khu Trung tâm thương mại (TTTM) Vincom Mega Mall Royal City tại đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân (Hà Nội) luôn đông đúc, đã trở thành món hời đối với các bãi trông xe tự phát ngay phía ngoài cổng trung tâm.
Nắm bắt nhu cầu người dân muốn nhanh và tiện trong khi hầm gửi xe tại Khu TTTM Royal diện tích quá rộng, gây khó khăn cho việc gửi xe, các bãi xe ở đây thường xuyên có người chèo kéo. Bất cứ người nào khi đi qua khu vực ngõ 72 Nguyễn Trãi đều bị 5-6 người trong ngõ chạy ra mời mọc, gây mất an ninh trật tự tại khu vực này. Giá gửi xe ở những điểm này đều ở mức "trên trời", với giá 20.000 đồng / xe máy, 50.000 - 100.000 đồng/ô tô
Có khoảng 4,5 bãi xe hoạt động ở đầu ngõ 72 Nguyễn Trãi, dưới gầm đường sắt trên cao. Ðiều đáng nói là phần lớn các điểm gửi xe này đều không có giấy phép.
Tại khu đô thị Linh Đàm, bất cứ vỉa hè, lòng đường, góc công viên, hay khoảng đất trống nào cũng biến thành nơi trông giữ phương tiện. Các bãi xe cạnh tranh nhau từng mét đất và thu phí mỗi nơi một kiểu, phổ biến từ 1,2 đến 1,5 triệu đồng/ô tô/tháng. Đáng ngại, các bãi xe này đều không có bất cứ phương tiện bảo hộ bảo đảm an toàn, phòng chống cháy nổ nào.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, khu vực này có 12 tòa nhà, khoảng 10 nghìn hộ dân với 32 nghìn nhân khẩu nhưng không có hầm để xe ô tô, nên mặc dù giá cao, các bãi xe có sức chứa hơn 500 xe vẫn thường xuyên quá tải.
Một điểm trông xe dưới gầm cầu Vĩnh Tuy |
Gầm cầu vẫn tấp nập xe
Hà Nội từng có có văn bản đề xuất Bộ Giao thông Vận tải về việc duy trì các điểm trông giữ xe dưới gầm cầu đã được cấp phép. Tuy nhiên sau đó, Bộ này đã có văn bản bác bỏ, với lý do việc trông giữ xe tại các gầm cầu hiện nay không chỉ gây mất an toàn giao thông, dễ xảy ra cháy, nổ mà còn là gây ùn tắc trên các tuyến phố đi qua điểm trông giữ xe.
Bất chấp lệnh cấm, những ngày qua, tại các gầm cầu vượt gồm: Ngã Tư Vọng, Vành đai 3, Vĩnh Tuy, Chương Dương vẫn chật kín ô tô, xe máy. Phần lớn các bãi xe này nhận trông theo tháng và phục vụ khách vãng lai.
Trong hàng rào sắt được dựng lên chắc chắn của gầm cầu Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng) hàng trăm ôtô, xe máy vẫn án ngữ. Bãi xe này được kéo dài từ trụ cầu T3 đến trụ cầu T14. Đơn vị khai thác điểm trông giữ này là Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội.
Còn tại gầm cầu vượt Láng - Bưởi, lâu nay cũng được sử dụng làm bãi đỗ cho hàng chục chiếc ô tô luôn được xếp theo hàng lối ngay ngắn nhưng khi hỏi thông tin về chủ bãi xe này, đa phần mọi người đều né tránh và cho biết không có người trông coi.
Theo quy định, tất cả các bãi trông xe phải có bảng thông tin về giấy phép, thời gian còn hiệu lực của giấy phép… tuy nhiên bốn bãi trông xe dưới các gầm cầu vượt đều không một bảng thông tin nào về nội dung này.
TP Hà Nội hiện có hơn 600.000 xe ô tô của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, chưa kể một lượng lớn phương tiện từ các tỉnh/thành phố khác đến. Thế nhưng, các điểm đỗ xe hợp pháp mới đáp ứng được 10% nhu cầu của người dân, gần 90% số xe còn lại hiện không rõ đỗ ở đâu.
Tính trung bình, mỗi xe chi phí khoảng một triệu đồng/tháng tiền gửi, nếu nhân với khoảng 500.000 xe thì mỗi tháng ngân sách TP Hà Nội thất thu hàng chục tỷ đồng. Đó là chưa kể tới số lượng 6 triệu xe máy. Đáng chú ý, kể từ khi UBND TP Hà Nội tăng giá trông, giữ ô tô, xe máy thì lượng xe gửi tại các điểm trông giữ xe hợp pháp giảm đáng kể.
Trước những “nhức nhối” do các điểm trông, giữ xe không phép gây ra, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung từng có chỉ đạo yêu cầu UBND các quận, huyện kiểm tra, giải tỏa các điểm trông giữ phương tiện không phép, sai phép, vi phạm an toàn giao thông và vi phạm quy định thu phí, đặc biệt là các điểm trông giữ xe đã bị xử phạt vi phạm hành chính.
Chủ tịch UBND và trưởng công an xã, phường, thị trấn phải giám sát chặt chẽ các điểm trông, giữ xe. Nếu để xảy ra vi phạm trên địa bàn, chủ tịch UBND và trưởng công an xã, phường, thị trấn phải kiểm điểm, chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND quận, huyện. Trường hợp để các điểm trông giữ phương tiện không phép, sai phép, thu phí không đúng quy định mà không có biện pháp xử lý dứt điểm thì chủ tịch UBND quận, huyện chịu trách nhiệm trước pháp luật và chủ tịch UBND thành phố.
Mặc dù lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo quyết liệt nhưng do công tác quản lý còn nhiều bất cập, nhu cầu gửi xe của người dân cao, mang lại lợi ích lớn cho các cá nhân, tổ chức trông giữ xe trái phép nên đến giờ, thành phố Hà Nội vẫn đang loay hoay chưa có đáp án nào cho bài toán trông, giữ xe, ngoài các văn bản chỉ đạo kiểm tra, rà soát...
(còn nữa)