Hà Nội xóa được 7/33 điểm ùn tắc giao thông
Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, năm 2024, trên địa bàn thành phố còn tồn tại 33 điểm ùn tắc giao thông, gồm 22 điểm chuyển tiếp từ năm 2023 và 11 điểm phát sinh mới.
Trong 5 tháng đầu năm 2024, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã phối hợp với Công an thành phố, Ban An toàn giao thông thành phố Hà Nội và các đơn vị liên quan xử lý được 7 điểm “đen” ùn tắc giao thông, bao gồm: Khu vực đường Nguyễn Trãi cạnh hầm chui Thanh Xuân, hướng đi Nguyễn Xiển; nút giao Sa Đôi - đường 70; đường Nguyễn Xiển, đoạn từ Nguyễn Trãi - Phạm Tu (đường bao quanh Khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An);
Nút giao Lê Đức Thọ - Hàm Nghi - Nguyễn Hoàng; nút giao Lê Đức Thọ - Hồ Tùng Mậu - Trần Vỹ; đầu cầu Mai Dịch, hướng từ đường Phạm Văn Đồng đi Phạm Hùng; nút giao Hồ Tùng Mậu - Xuân Thủy (cầu vượt Mai Dịch).
Sở Giao thông vận tải Hà Nội tiếp tục tập trung xử lý, khắc phục điểm ùn tắc giao thông |
Ngoài ra, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã cùng các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, rà soát những vị trí tiềm ẩn tai nạn giao thông trên địa bàn 30/30 quận, huyện, thị xã, với tổng số 235 điểm. Hiện các cơ quan chức năng đang tổng hợp, phân loại kết quả rà soát để xây dựng phương án khắc phục.
Mới đây, UBND TP Hà Nội xin ý kiến Bộ Giao thông vận tải về dự thảo Đề án tổng thể đầu tư hệ thống đường sắt đô thị của Thủ đô. Trong đó, đường sắt đô thị được xác định là trục xương sống của hạ tầng giao thông vận tải, góp phần giảm ùn tắc.
Theo đó, đến năm 2030, UBND TP Hà Nội phấn đấu hoàn thành thi công xây dựng 96,8km đường sắt đô thị và thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư 301km, với sơ bộ tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 14,6 tỷ USD. Nếu hoàn thành mục tiêu này, đường sắt đô thị sẽ đảm nhận 7-8% lượng hành khách công cộng.
Đến năm 2035, UBND TP Hà Nội hoàn thành đầu tư xây dựng 301km đường sắt đô thị, sơ bộ tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 22,57 tỷ USD. Nếu hoàn thành mục tiêu này, sau năm 2035, đường sắt đô thị sẽ đảm nhận 35-40% lượng hành khách công cộng.
Đến năm 2045, Hà Nội phấn đấu hoàn thành đầu tư xây dựng 206,1km đường sắt đô thị được điều chỉnh, bổ sung theo Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô điều chỉnh được phê duyệt.