Hai gương mặt mới trong Hội đồng quản trị Sacombank
Sacombank lên tiếng về khoản nợ vay của Tập đoàn FLC Sacombank “chơi lớn”: Cổ đông dự Đại hội đồng cổ đông được tặng vàng |
Ngày 22/4, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, mã CK: STB) đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên năm tài chính 2021 và bầu ra Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát cho nhiệm kỳ mới 2022 - 2026.
Theo đó, đại hội thống nhất số lượng thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2022 - 2026 là 7 thành viên gồm: Ông Dương Công Minh - Chủ tịch Hội đồng quản trị, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm - Phó Chủ tịch Thường trực, ông Phạm Văn Phong - Phó Chủ tịch, ông Phan Đình Tuệ - Thành viên, ông Nguyễn Xuân Vũ - Thành viên.
Đáng chú ý, Hội đồng quản trị Sacombank xuất hiện hai gương mặt mới là Thành viên Hội đồng quản trị độc lập gồm: Ông Vương Công Đức và bà Phạm Thị Thu Hằng.
Được biết, bà Phạm Thị Thu Hằng, SN 1962, trình độ Tiến sĩ kinh tế, có 28 năm làm việc trong lĩnh vực chính sách thương mại và công nghiệp; Còn ông Vương Công Đức, SN 1971, có kinh nghiệm 28 năm làm việc trong lĩnh vực luật, tài chính, ngân hàng.
Đồng thời, đại hội cũng bầu ra 4 thành viên chuyên trách Ban Kiểm soát Sacombank nhiệm kỳ 2022 - 2026 gồm: Ông Trần Minh Triết - Trưởng Ban Kiểm soát, và các thành viên gồm: Ông Nguyễn Văn Thành, bà Hà Quỳnh Anh, ông Lâm Văn Kiệt.
Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát Sacombank nhiệm kỳ 2022 - 2026 (Ảnh: STB) |
Theo báo cáo của ban lãnh đạo Sacombank, kết thúc năm 2021, ngân hàng này đạt 12.660 tỷ đồng lợi nhuận, sau khi trích lập dự phòng rủi ro và phân bổ chi phí đề án tái cơ cấu, lợi nhuận trước thuế đạt 4.400 tỷ đồng, vượt 10% kế hoạch.
Tổng tài sản của Sacombank đạt trên 521.000 tỷ đồng, tăng gần 6%, trong đó tài sản có sinh lời tăng 8,9%; Vốn điều lệ 18.852 tỷ đồng; Tổng nguồn vốn huy động hơn 464.500 tỷ đồng, trong đó gần 97% đến từ các tổ chức kinh tế và dân cư; Tổng dư nợ tín dụng hơn 388.200 tỷ đồng, tăng trưởng 14%; Số lượng khách hàng chạm mốc 10 triệu (tăng mạnh ở nhóm khách hàng số); tỷ lệ nợ xấu kéo giảm còn 1,47%.
Bên cạnh đó, Sacombank cũng đã thu hồi gần 14.100 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng, trong đó gần 11.800 tỷ đồng là thuộc đề án, vượt mục tiêu Đại hội đồng cổ đông đề ra. Hiện ngân hàng vẫn tiếp tục thu theo tiến độ và sẽ thu hồi hơn 8.000 tỷ đồng.
Trong bối cảnh kinh tế đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ, Sacombank cũng đặt kỳ vọng cao trong 5 năm tiếp theo (2022 - 2026) với mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu cùng với chuyển đổi số hoá toàn diện thông qua nhiều giải pháp công nghệ trên mọi hoạt động chính.
Bắt đầu từ năm bản lề 2022, Sacombank đặt kế hoạch đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, tài sản tồn đọng còn lại và sớm hoàn thành đề án tái cơ cấu trước thời hạn. Bên cạnh đó, các chỉ số tài chính dự kiến tăng trưởng từ 10 - 20%, tổng tài sản tăng lên 573.500 tỷ đồng, tổng huy động vốn 512.700 tỷ đồng, tổng dư nợ tín dụng 435.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 5.280 tỷ đồng (tăng 20%), kiểm soát nợ xấu dưới 2%.
Kết thúc quý I/2022, lợi nhuận trước dự phòng đề án của Sacombank đạt hơn 4.400 tỷ đồng, sau khi trích lập dự phòng rủi ro và phân bổ chi phí theo đề án, lợi nhuận trước thuế đạt 1.589 tỷ đồng, tổng tài sản 552.551 tỷ đồng, tổng huy động 496.372 tỷ đồng, tổng dư nợ tín dụng 413.314 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,24%.