Hải Phòng căng buồm tăng tốc bứt phá…
Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, Nguyễn Văn Tùng |
- PV: Xin đồng chí cho biết những đánh giá cơ bản sự phát triển của TP Hải Phòng trong năm 2022 vừa qua?
Đồng chí Nguyễn Văn Tùng - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng: Năm 2022, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân TP tiếp tục đoàn kết, nỗ lực cao, quyết liệt chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực, tăng tốc thực hiện các giải pháp đột phá phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thành công chủ đề năm “Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị - Xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu - Thực hiện chuyển đổi số”.
Đặc biệt, TP tập trung xây dựng, phát triển, hiện đại hóa đô thị, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, trọng tâm là hạ tầng giao thông, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng du lịch và hạ tầng số. Đồng thời, TP tiếp tục thu hút, tạo mọi điều kiện để triển khai các động lực mới cho phát triển kinh tế TP trong năm 2023 và các năm tiếp theo.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Hải Phòng ước đạt 12,32% (kế hoạch giao 13%), gấp khoảng 1,5 lần bình quân chung cả nước, thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về tăng trưởng kinh tế.
Lãnh đạo Thành ủy, UBND TP Hải Phòng kiểm tra các dự án tại quận Ngô Quyền |
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt hơn 108.000 tỷ đồng, đạt 118,2% dự toán Trung ương giao và 102% dự toán HĐND TP giao. Trong đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước 66.000 tỷ đồng, đạt 118% dự toán Trung ương giao và 110% dự toán HĐND TP giao; Thu nội địa phấn đấu hoàn thành kế hoạch đạt 41.000 tỷ đồng theo dự toán HĐND TP giao.
Sản lượng hàng qua cảng 168 triệu tấn đạt kế hoạch HĐND TP giao. Vốn đầu tư công được tập trung đẩy mạnh giải ngân.
Các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu tiếp tục có sự tăng trưởng so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 14,5% (kế hoạch giao 19 - 20%); Kim ngạch xuất khẩu đạt 29 tỷ USD (kế hoạch giao 31 tỷ USD); Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 180.000 tỷ đồng (kế hoạch giao 200.000 tỷ đồng).
Lượng khách du lịch đến Hải Phòng dự kiến đạt 7 triệu lượt, bằng 154,53% kế hoạch giao (4,53 triệu lượt).
Hải Phòng đã hoàn thành đưa vào sử dụng, khai thác nhiều công trình có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của TP. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhiều dự án giao thông trọng điểm như dự án đầu tư xây dựng mở rộng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn TP Hải Phòng từ đường tỉnh 353 đến cầu Thái Bình; Các dự án giao thông trên địa bàn huyện Thủy Nguyên (dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 10 đoạn từ cầu Đá Bạc đến cầu Kiền; Cải tạo, nâng cấp đường 359, đường thị trấn Minh Đức, đường máng nước); Tập trung triển khai công tác chuẩn bị đầu tư mở rộng sân đỗ máy bay và xây dựng nhà ga hành khách số 2 (T2) sân bay Cát Bi, xây dựng cầu Nguyễn Trãi, các tuyến đường vành đai TP, các bến mới tại Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng...
- Thưa đồng chí, chuyển đổi số là mục tiêu được Đảng, Nhà nước và Nhân dân quan tâm. Với vấn đề này, Hải Phòng đã thực hiện như thế nào?
- Ban Thường vụ Thành uỷ ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số TP; Chỉ đạo xây dựng các kế hoạch triển khai thực hiện chuyển đổi số trong toàn Đảng bộ, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể; Ký kết biên bản ghi nhớ với Bộ Thông tin và Truyền thông và nhiều tập đoàn, tổng công ty hoạt động trên lĩnh vực chuyển đổi số về phối hợp thúc đẩy chuyển đổi số giai đoạn 2022 - 2025.
Đây là những chỉ đạo định hướng xuyên suốt trong quá trình thực hiện chuyển đổi số. Hải Phòng cũng lựa chọn thực hiện chuyển đổi số là một trong những nội dung của chủ đề năm 2022 và năm 2023 nhằm tập trung chỉ đạo, đầu tư nguồn lực và tạo đột phá trong thực hiện chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tưoứng Chính Phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng kiểm tra thực địa tại Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải |
Năm 2022 là năm khởi đầu cho công cuộc Chuyển đổi số của TP thực hiện mục tiêu và tầm nhìn đến năm 2030. Thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về Chuyển đổi số TP Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và chương trình hành động triển khai Nghị quyết, UBND TP đã ban hành kế hoạch chuyển đổi số năm 2022, xác định trọng tâm thực hiện tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức; Đẩy mạnh phát triển hạ tầng, nền tảng số, dữ liệu số và lựa chọn 5 lĩnh vực ưu tiên bố trí kinh phí thực hiện (Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng); Triển khai xây dựng dữ liệu chuyên ngành với 61 nhiệm vụ cụ thể.
Qua triển khai, đến nay bước đầu đạt một số kết quả tích cực, rõ nét. Nhận thức về chuyển đổi số của các cấp, ngành, doanh nghiệp và người dân đã có những chuyển biến tích cực.
TP chỉ đạo triển khai xây dựng, phát triển hạ tầng băng thông rộng chất lượng cao trên địa bàn; Đã hoàn thành đưa vào khai thác mới 258 trạm BTS công nghệ 4G. Hạ tầng băng thông rộng di động 4G đã được phủ đến 100% cấp huyện và xã; Triển khai thử nghiệm phát sóng di động 5G tại Cảng Tân Vũ, cảng Đình Vũ và tại khu vực Quán Hoa thuộc dải trung tâm.
TP hoàn thành việc triển khai thí điểm xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, kết nối liên thông giữa phần mềm đất đai (VBDLIS) tại Hải Phòng với hệ thống Một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến để giải quyết các thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai.
- Thế mạnh của Hải Phòng gồm 3 trụ cột chủ yếu: Công nghiệp công nghệ cao; Cảng biển - logistics; Du lịch - thương mại. Xin đồng chí cho biết cụ thể hơn về những mục tiêu cụ thể năm 2023?
- Tiếp nối những thành công và nhằm tiếp tục duy trì lợi thế phát triển, TP tiếp tục chọn chủ đề năm 2023 là: “Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị - Xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu - Thực hiện chuyển đổi số”.
Cầu Hoàng Văn Thụ nối Trung tâm thành phố với Khu đô thị mới Bắc sông Cấm |
Xác định mục tiêu trên, TP tập trung thực hiện chủ đề năm với các chỉ tiêu kinh tế - xã hội ở mức cao trong năm 2023, cụ thể: Tốc độ tăng trưởng GRDP tăng khoảng 12,7 - 13% so với năm 2022; Trong đó: Nhóm nông, lâm, thủy sản tăng 1,02%; Nhóm công nghiệp, xây dựng tăng 15,9 - 16,2%; Nhóm dịch vụ tăng 9,1 - 9,5%; Thuế và trợ cấp sản phẩm tăng 10,8%.
GRDP bình quân đầu người đạt 8.150 USD; Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng khoảng 15%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đạt 46%; Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 54,26%.
Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 116.442 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 42.500 tỷ đồng; Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 190.000 tỷ đồng; Sản lượng hàng hoá thông qua cảng đạt 185 triệu tấn; Kim ngạch xuất khẩu đạt 31 tỷ USD; Thu hút khách du lịch đạt trên 7,3 triệu lượt khách. Về công tác xây dựng Nông thôn mới: Hoàn thành xây dựng 35 xã Nông thôn mới kiểu mẫu từ năm 2022 chuyển sang và triển khai tại 35 xã tiếp theo trong năm 2023.
Một Góc đô thị Hải Phòng |
Tỷ trọng năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) đóng góp tăng trưởng đạt 43%; Thu hút 2,0 - 2,5 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài.
Những kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội đã đạt được năm 2022 là tiền đề, động lực để TP tiếp tục bứt phá, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trong năm 2023. Đồng thời, niềm tin của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và xã hội tăng lên, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư tại TP là những yếu tố thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Những con số ấn tượng Chỉ số cải cách hành chính năm 2021 (PAR) tiếp tục có sự bứt phá, chuyển biến tích cực, lần đầu xếp vị trí thứ 1/63 tỉnh, TP với kết quả đạt 91,8 điểm. Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2021 (SIPAS) xếp vị trí thứ 2/63 tỉnh, TP, xếp vị trí thứ 2/11 tỉnh, TP vùng Đồng bằng sông Hồng, đạt 93,38%. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 vượt lên xếp vị trí thứ 2/63 tỉnh, TP, đạt vị trí cao nhất từ trước tới nay. Năm 2021, Hải Phòng xếp vị trí 16/63 tỉnh, TP về chỉ số chuyển đổi số, tăng 5 bậc so với năm 2020… |