Hải Phòng - thành phố bừng sáng miền cửa biển
hủ tướng Chính phủ và Đoàn công tác khảo sát tại Cảng Container quốc tế Lạch Huyện |
Thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”
Năm 2021, trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, thành phố đã chỉ đạo quyết liệt, thực hiện hiệu quả “nhiệm vụ kép”, vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội.
Đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố phát biểu tại cuộc họp trực tuyến chỉ đạo phòng, chống dịch |
Kinh tế thành phố tiếp tục có sự tăng trưởng, cao hơn mức bình quân chung cả nước và các tỉnh, thành phố khác. Tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) so sánh năm 2020 ước tăng 12,38%, tuy không đạt kế hoạch đề ra (13,5%) nhưng đứng đầu và gấp hơn 5 lần bình quân chung cả nước. Tổng thu ngân sách đạt trên 90.400 tỷ đồng, tăng trên 7% so với năm 2020, vượt hơn 17% so với dự toán Trung ương giao và vượt dự toán HĐND thành phố giao.
Riêng chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng trên 18%, gấp hơn 4 lần bình quân chung cả nước. Thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài FDI đạt trên 3,1 tỷ USD; Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 25 tỷ USD; Sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt trên 150 triệu tấn; Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,34%; Tỷ trọng năng suất các yếu tố tổng hợp vào GRDP đạt kế hoạch năm là 41%.
Khu bến cảng Container và kho bãi của Vicoship |
Theo Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng: “Với sự tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đến nay thành phố có trên 1.500 ca dương tính COVID-19, thuộc nhóm các địa phương có ít ca dương tính nhất. Hải Phòng tích cực triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 và hoàn thành tiêm 2 mũi cho người trên 18 tuổi, trẻ em từ 12 đến 17 tuổi.
Cùng với đó, thành phố tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị và triển khai các dự án: Hoàn thành việc lập và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; Triển khai xây dựng đề án thành lập thành phố Thủy Nguyên trực thuộc thành phố Hải Phòng; Tập trung thi công hoàn thiện chung cư HH1-HH2 Đồng Quốc Bình; Xây dựng 8 công viên cây xanh trên địa bàn các phường; Hoàn thành cải tạo vỉa hè 6 tuyến đường trung tâm thành phố trước Tết Nguyên đán 2022; Chuẩn bị khởi công dự án cải tạo sông Tam Bạc từ cầu Lạc Long đến cầu Hoàng Văn Thụ…
Có thể thấy, bước vào năm đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố đã đạt được những thành tựu nổi bật, toàn diện, có tính đột phá trên mọi lĩnh vực, đưa Hải Phòng bước vào thời kỳ phát triển mới.
Huy động mọi nguồn đầu tư phát triển, có tính đột phá
Trong 2 năm qua, chủ trương của Đảng bộ thành phố về đổi mới công tác đầu tư, khơi thông và huy động mọi nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển đã có tính đột phá quan trọng. Theo đó, vốn đầu tư từ nguồn lực xã hội chiếm khoảng 90%, vốn đầu tư từ ngân sách là 10%.
Cầu Hoàng Văn Thụ nối giữa Hải Phòng và khu đô thị Bắc sông Cấm |
Từ nguồn vốn huy động để đầu tư phát triển, thành phố Hải Phòng đã phát triển mạnh mẽ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trước hết là kết cấu hạ tầng giao thông. Đến thời điểm này, Hải Phòng là địa phương có hệ thống giao thông tương đối đồng bộ, hiện đại, liên hoàn theo hướng văn minh, hiện đại; Hình thành nhiều khu đô thị mới phù hợp với bản sắc kiến trúc đô thị Hải Phòng như: Khu đô thị Vinhomes Imperia (Tập đoàn Vingroup), các khu đô thị của Tập đoàn Hoàng Huy, khu đô thị ven sông Lạch Tray của Tập đoàn Agape, Trung tâm thương mại AeonMall và một số khách sạn 5 sao.
Đáng chú ý, không gian đô thị được mở rộng theo đúng quy hoạch phát triển về 3 hướng. Nổi bật là phía Bắc sông Cấm đã hoàn thành cầu Hoàng Văn Thụ, hạ tầng giao thông kết nối Khu công nghiệp VSIP, đảo Vũ Yên; Hướng phát triển về phía Cát Hải - Cát Bà đã hoàn thành Nhà máy sản xuất ô tô Vinfast, hệ thống cáp treo vượt biển Cát Hải - Cát Bà, một số dự án nghỉ dưỡng cao cấp, 2 bến khởi động cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng; Hướng phát triển về phía Đồ Sơn, ven sông Lạch Tray đã hình thành một số khu đô thị sinh thái, trung tâm thương mại, bệnh viện quốc tế, khách sạn 5 sao, khu vui chơi giải trí, bãi biển nhân tạo Đồ Sơn.
Cùng với không gian đô thị, thành phố Hải Phòng triển khai đồng bộ kết cấu hạ tầng với những bước phát triển đột phá mới. Trong đó, sau khi đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đi vào vận hành, thành phố tiếp tục khánh thành, đưa vào sử dụng cầu Tân Vũ - Lạch Huyện, cảng hàng không quốc tế Cát Bi, đường trục World Bank, Quốc lộ 10 mở rộng… Từ đó diện mạo đô thị trung tâm thành phố phát triển theo đúng định hướng Nghị quyết Đại hội XVI đã đề ra.
Trong bức tranh tổng thể kinh tế xã hội của thành phố Hải Phòng có ba trụ cột kinh tế có bước phát triển vượt bậc và đóng góp quan trọng nhất cho sự phát triển. Trong đó, ngành công nghiệp đã được điều chỉnh cơ cấu, phát triển theo hướng công nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường, với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng cao và hơn 4 lần tốc độ tăng chung của cả nước. Cảng biển quốc tế Hải Phòng đã đi vào vận hành hai bến khởi động, đủ khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng 200 nghìn tấn.
Một nút giáo thông tại đường Võ Nguyên giáp, Hải Phòng |
Lĩnh vực du lịch thu hút một số doanh nghiệp lớn như Vingroup, Sungroup, Geleximco đầu tư hàng tỷ USD để xây dựng các khu du lịch tầm cỡ quốc tế. Kinh tế dịch vụ đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 9,42%/năm, dịch vụ logistics, dịch vụ hàng không, lượng khách du lịch đều đạt mức tăng trưởng cao.
Ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng, với tổng vốn huy động đạt 40.396 tỷ đồng. Thành phố cơ bản hoàn thành xây dựng các công trình hạ tầng tại 7 xã thí điểm Nông thôn mới kiểu mẫu từ năm 2020. Các huyện Kiến Thụy, An Dương, Tiên Lãng, Thủy Nguyên đã hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, công nhận huyện đạt chuẩn Nông thôn mới; Hai huyện Vĩnh Bảo, An Lão đang hoàn thiện hồ sơ.
Thành công từ chương trình xây dựng Nông thôn mới đã tạo sự chuyển biến căn bản về hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, điều kiện sống, lao động sản xuất. Đời sống của người dân khu vực nông thôn được nâng cao đáng kể.
Thực hiện Nghị quyết lần thứ XVI của Đảng bộ thành phố Hải Phòng, công tác giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe Nhân dân và các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thể dục, thể thao đều được quan tâm đầu tư, có bước phát triển mới. Công tác an sinh xã hội được quan tâm đặc biệt, thành phố đã ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù, tổ chức thực hiện có hiệu quả.
Quốc phòng, an ninh được tăng cường, trật tự trị an xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân toàn thành phố được cải thiện và nâng cao đáng kể. Nhân dân tin tưởng tuyệt đối vào vai trò lãnh đạo của Ðảng, tự hào về sự phát triển của thành phố.
Công tác xây dựng Đảng được quan tâm thường xuyên, luôn được xác định có tầm quan trọng hàng đầu; Các chủ trương, nghị quyết của Trung ương về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gắn với tinh giản biên chế được thực hiện với quyết tâm cao, đạt kết quả tích cực.
Trên cơ sở dự báo tình hình, UBND thành phố đề xuất chủ đề năm 2022 là “Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị - Xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu và thực hiện chuyển đổi số”. UBND thành phố cũng đề ra 19 chỉ tiêu chủ yếu và 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm các cấp, ngành, địa phương, đơn vị cần tập trung thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.
Hướng tới thành phố hàng đầu khu vực Ðông Nam Á
Nói về thành tích đạt được trong những năm qua của Đảng bộ thành phố Hải Phòng, theo đồng chí Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Ðảng, Phó Thủ tướng Chính phủ: Trước hết, Hải Phòng nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Ðảng, Quốc hội, Chính phủ, đồng thời là thành quả từ sự nỗ lực phấn đấu, đổi mới, sáng tạo của Ðảng bộ, chính quyền, quân và dân toàn thành phố. Đây cũng là kết tinh của quá trình lao động bền bỉ qua nhiều nhiệm kỳ của Ðảng bộ thành phố.
Một khu đô thị mới tại Hải Phòng |
Bài học kinh nghiệm quan trọng nhất trong nhiệm kỳ vừa qua đối với Ðảng bộ thành phố Hải Phòng là luôn chú trọng tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; Thực hiện nghiêm các nguyên tắc, quy định của Ðảng; Bảo đảm vai trò lãnh đạo toàn diện của Ðảng, duy trì sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ; Đồng thời xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, nhất là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, có trình độ, năng lực nổi trội, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, thật sự tiền phong gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết vì sự nghiệp chung. Ðây chính là yếu tố có ý nghĩa quyết định làm nên những thành công toàn diện của thành phố trong nhiệm kỳ vừa qua.
Bước vào nhiệm kỳ 2020 - 2025, Hải Phòng đứng trước những thuận lợi, cơ hội mới, tạo điều kiện cho thành phố đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển. Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với các lợi thế so sánh và đà phát triển đã có cùng với sức mạnh nội sinh của tinh thần đoàn kết, truyền thống đổi mới, sáng tạo, Hải Phòng hoàn toàn có thể phát triển bứt phá vươn lên. Mục tiêu xác định đến năm 2025, Hải Phòng hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại; Trọng điểm phát triển kinh tế biển của cả nước, trung tâm du lịch quốc tế…
Với truyền thống "Trung dũng - Quyết thắng", phẩm chất “Đoàn kết - Nghĩa tình - Năng động - Sáng tạo” cùng khí thế “bừng sáng của miền cửa biển”, bước vào nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ðảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố Hải Phòng sẽ vượt qua khó khăn, thách thức, đổi mới, sáng tạo, hiện thực hóa khát vọng vươn lên; Hướng tới là một trong những thành phố hiện đại hàng đầu của khu vực Ðông Nam Á năm 2030 và Châu Á vào năm 2045 như Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị đã đề ra.