Hàng giả, hàng nhái tung hoành trên mạng xã hội
Đội Quản lý thị trường số 1 kiểm tra thu giữ túi xách tay nhập lậu, nhái nhãn mác trên phố Giải Phóng, Hà Nội
Bài liên quan
Thị trường da giầy nội địa các giải pháp chống hàng giả, hàng nhái
Kỷ luật nghiêm những cán bộ, công chức có hành vi bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu
Thêm nhân viên y tế bị khởi tố vì liên quan đến vụ buôn bán bảo hộ y tế giả
Hà Nội: Khởi tố 3 nhân viên Công ty Đức Anh buôn bán bảo hộ y tế phòng dịch Covid-19 giả
Hàng giả tràn lan trên “thị trường mạng”
Lướt Facebook ở bất kỳ thời điểm nào trong ngày, người ta cũng có thể bắt gặp những livestream bán hàng của các shop mỹ phẩm, túi xách, quần áo, sữa nhập ngoại…
Có tem, có mác, full box… là những lời quảng cáo quen thuộc của các chủ shop online trên Facebook. Giá trên tem của sản phẩm thường được niêm yết tiền triệu nhưng chủ shop sẵn sàng sale với giá vài trăm thậm chí vài chục nghìn đồng để "lấy tương tác" và "tri ân khách hàng"...
Trên thực tế, hầu hết các sản phẩm rao bán với giá rẻ như vậy trên livestream đều là những sản phẩm được làm giả, làm nhái từ các thương hiệu lớn trên thế giới. Cộp mác của Dior, Gucci, giá bán của nó được đẩy lên gấp 3 đến 5 lần so với giá gốc.
Các sản phẩm làm giả, làm nhái chủ yếu có nguồn gốc từ Trung Quốc, một số sản phẩm từ được sản phẩm ở Việt Nam sau đó được gắn mác hàng “chính hãng” vào để đội giá.
Điều đáng nói là ngày càng nhiều các shop online công khai bán hàng giả; ngày càng nhiều người mải mê với các livestream bán hàng trên mạng khiến thị trường này được dịp “bung lụa”. Chị Nguyễn Thị Thu Nga (ở Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Do ít có thời gian đi mua sắm nên mình thường mua đồ qua mạng. Gần đây nhiều shop thực hiện livestream giảm giá sốc vào buổi trưa hoặc ngày cuối tuần nên mình thường vào xem và mua được khá nhiều sản phẩm gắn mác thương hiệu với giá khá rẻ. Vừa xem live vừa làm việc nhà lại có thể mua đồ, mình thấy rất tiện, dù 10 lần mua thì chỉ được 1 - 2 lần tạm hài lòng về chất lượng”.
Tin vào quảng cáo, nhiều người mua hàng mất tiền oan hết lần này tới lần khác. Anh Ngô Văn Minh (nhân viên văn phòng một công ty bất động sản) chia sẻ: “Vợ tôi nghiện xem livestream mua đồ nhưng đồ mua về thì có những thứ cả năm chưa một lần dùng đến. Nhiều món đồ được rao bán với giá rẻ như cho nhưng khi nhận được thì cho cũng không ai lấy”
Hy hữu có trường hợp như tại Tây Ninh mới đây, shipper bị người dân dọa đánh, bắt trả tiền hàng vì hàng giao không giống như mẫu trên quảng cáo.
Hàng giả, hàng nhái có thể ngập tràn trên các livestream và dần trở thành “mảnh đất” màu mỡ của người bán một phần nguyên nhân do cơ quan chức năng không thể kiểm soát. Đại diện Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, phần lớn đối tượng bán hàng giả, nhái trên mạng xã hội đều không có địa điểm, trụ sở cố định nên việc tìm kiếm điểm kiểm tra gặp nhiều khó khăn.
Trong tuần qua, dưới sự chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường, các đội quản lý thị trường của Cục Quản lý thị trường Hà Nội ngày 21 và 22/5 đã chia nhiều điểm kiểm tra đột xuất các cửa hàng kinh doanh quần áo, giày túi, ví… trên phố cổ Hà Nội.
Lực lượng quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra và thu giữ hàng trăm sản phẩm có dấu hiệu giả, nhái các thương hiệu lớn tại cửa hàng số 27 Hàng Cá (Hoàn Kiếm) trong ngày 21/5 vừa qua |
Hơn 2.300 sản phẩm gồm áo, quần, mũ, dép, áo sơ mi, túi, ví, thắt lưng da giả mạo nhãn hiệu Burberry, Gucci, Chanel, LV, Hermes, Dior, Valentino, Salvatore Ferragamo... tại các cửa hàng cửa hàng TMQ 23 Hàng Ngang, SIS Mai Linh số 3 Hàng Điếu, số 71 Hàng Đường, 111 Hàng Bông, 27 Hàng Cá, 46 Hàng Cân... đã được lực lượng chức năng lập biên bản, tạm giữ chờ xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo Cục trưởng Cục quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên, việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa, nếu cơ quan thực thi không có bằng chứng rõ ràng, không bắt quả tang hoặc giám định thì việc phát hiện vi phạm là rất khó khăn.
“Việc xử lý xâm phạm quyền và giả mạo sở hữu trí tuệ còn bất cập khi chưa có hướng dẫn cụ thể về quy mô thương mại; Các vụ việc tái phạm trị giá hàng hóa vi phạm dưới 200 triệu đồng không xử lý hình sự được… dẫn đến các đối tượng lợi dụng cố tình tái phạm nhiều lần nhưng chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính”, lãnh đạo Cục Quản lý thị trường khẳng định.
“Vá” những kẽ hở về pháp luật
Tuy đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành về ngăn ngừa, hạn chế, truy cứu trách nhiệm sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái… song hiệu lực thực thi của một số văn bản còn thấp do chưa được cụ thể hóa hoặc chưa theo kịp với những diễn biến phức tạp nảy sinh trong cuộc sống.
Ý kiến của lực lượng chức năng, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, để đẩy lùi hàng giả, hàng không rõ xuất xứ làm trong sạch thị trường đòi hỏi cơ quan quản lý phải sửa đổi, thống nhất các quy định, tạo cơ sở pháp lý rõ ràng qua đó cho các lực lượng chức năng kiểm soát tốt thị trường.
Về vấn đề này, Bộ Công thương khẳng định trong thời gian tới sẽ tập trung tiếp tục rà soát, sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả được giao.
Để xử lý việc lạm dụng livestream trên Facebook bán hàng giả, nhái, kém chất lượng, Cục Quản lý Thị trường Hà Nội đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mỗi người dân phải là người tiêu dùng thông thái. Với với trách nhiệm của mình, lực lượng quản lý thị trường đã và đang xây dựng kế hoạch kiểm tra, rà soát cụ thể. Ngoài ra, Cục Quản lý Thị trường Hà Nội sẽ kết hợp với Cục thương mại điện tử (Bộ Công thương) và cơ quan công an thực hiện kiểm tra.
Ông Vũ Xuân Bính, Trưởng phòng Nghiệp vụ 2, Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường (Tổng Cục Quản lý thị trường) cho biết, thời gian tới, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ xây dựng và phát triển các công cụ kết nối giữa cơ quan quản lý với doanh nghiệp, người dân đến bất kỳ đâu đều có thể tố cáo với lực lượng quản lý thị trường về hành vi vi phạm hàng giả, hàng nhái.
Ngoài ra, Tổng Cục quản lý thị trường cũng triển khai Nhà trưng bày hàng giả, cung cấp thông tin nhận biết hàng thật, hàng giả; Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống vi phạm trên môi trường thương mại điện tử và các giao dịch kinh doanh phi truyền thống (mạng xã hội, thanh toán điện tử…).
“Năm 2020, Tổng Cục Quản lý thị trường tiếp tục tập trung đấu tranh, giải quyết triệt để các địa bàn nổi cộm tại 20 tỉnh, thành phố trong kế hoạch 3972; Đặt mục tiêu cụ thể và giao trách nhiệm người đứng đầu quản lý các địa bàn nổi cộm”, ông Bính khẳng định.
Ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là nhiệm vụ trọng tâm và lâu dài, đòi hỏi sự “chung tay” của các cơ quan chức năng, hiệp hội, doanh nghiệp, người tiêu dùng.