Hàng hóa Việt Nam ngày càng chiếm lòng tin của người tiêu dùng
Người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn đến việc lựa chọn, sử dụng các hàng hóa có xuất xứ, thương hiệu Việt Nam
Bài liên quan
Khởi động Chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”
Khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc
Người tiêu dùng ngày càng thay đổi nhận thức và hành vi sử dụng hàng Việt
Đẩy mạnh tôn vinh các sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao
Xây dựng niềm tin của khách hàng
Có thể nói rằng, những năm qua, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đi vào chiều sâu, tạo được sự quan tâm, hưởng ứng của người dân, doanh nghiệp, địa phương. Với những nỗ lực tích cực từ các cơ quan, bộ, ngành Trung ương, công tác tuyên truyền, vận động đã được triển khai đến tận các khu dân cư và tạo được sự lan tỏa trong nhân dân, làm thay đổi nhận thức, hành vi của người tiêu dùng và các doanh nghiệp ngày càng rõ rệt.
Cụ thể, người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn đến việc lựa chọn, sử dụng các hàng hóa có xuất xứ, nhãn hiệu, thương hiệu Việt Nam. Đối với cộng đồng doanh nghiệp, cuộc vận động đã tác động khuyến khích mạnh mẽ với các doanh nghiệp trong sản xuất qua việc nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm hàng hóa để đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, cũng như đáp ứng được yêu cầu của thị trường trong xu thế hội nhập quốc tế.
Nói về những thay đổi của người tiêu dùng trong việc sử dụng các sản phẩm chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng và đặc biệt là những mặt hàng được sản xuất trong nước, anh Trương Anh Tú, nhân viên bán hàng của một siêu thị tiện lợi tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết: Giữa “ma trận” nguồn cung và chất lượng thực phẩm trên thị trường, hệ thống các siêu thị tiện lợi luôn là lựa chọn của các bà nội trợ.
Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng chính là xây dựng niềm tin của khách hàng, qua đó góp phần tăng giao dịch mua bán sản phẩm, dịch vụ |
Để thu hút người tiêu dùng, các siêu thị luôn lựa chọn các dòng thực phẩm sạch, chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và hiện nay, người tiêu dùng đang có xu hướng sử dụng các loại thực phẩm hữu cơ, được sản xuất, chế biến từ các doanh nghiệp trong nước.
Với mức thu nhập và nhận thức của người tiêu dùng hiện nay, giá cả không còn là yếu tố quan trọng nhất, mà độ an toàn, chất lượng của sản phẩm mới mang tính quyết định. Do đó, không chỉ riêng hệ thống siêu thị tiện lợi của tôi mà hầu hết các cửa hàng, siêu thị trên toàn quốc đặc biệt chú trọng các tiêu chí, tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm khi lựa chọn các mặt hàng phân phối trong hệ thống.
Khi khách hàng có bất kỳ phản hồi gì về chất lượng sản phẩm thì các mẫu sẽ được gửi đi kiểm nghiệm tại các phòng kiểm định của đơn vị, với các xét nghiệm phức tạp hơn có thể gửi đến các phòng xét nghiệm của các trường, viện chuyên môn và sẽ phản hồi lại kết quả cho khách hàng trong 24 giờ.
Để thu hút khách hàng, đồng thời bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Không chỉ giảm giá, tặng quà khuyến mại để kích cầu tiêu dùng như trước đây, các doanh nghiệp còn đi sâu vào các chế độ hậu mãi, bảo đảm chất lượng sản phẩm, thái độ phục vụ và đổi mới các phương thức mua sắm.
Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng chính là xây dựng niềm tin của khách hàng, qua đó góp phần tăng giao dịch mua bán sản phẩm, dịch vụ. Đây cũng là thước đo quan trọng hàng đầu thể hiện trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp, mang lại thành công và uy tín cho chính doanh nghiệp.
Nền tảng cho doanh nghiệp phát triển
Xu hướng của nền kinh tế hội nhập đang mở ra những cơ hội nhưng cũng đặt ra những thách thức cho nền kinh tế Việt Nam. Hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hơn thì tính cạnh tranh cũng gay gắt hơn nhưng đó cũng là điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam phải nỗ lực vươn lên.
Chính vì vậy, Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đưa ra những định hướng để phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành, các địa phương khuyến khích, động viên các doanh nghiệp vươn lên.
Cụ thể, trong những năm qua, Ban Chỉ đạo Trung ương cuộc vận động đã triển khai các đề án mà Bộ công thương quản lý để phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động như việc xây dựng các điểm bán hàng Việt, thực hiện đề án kết nối cung cầu để tạo ra sự gặp gỡ giữa người tiêu dùng và các doanh nghiệp, các sản phẩm trong nước.
Cùng với đó, các ban, ngành cũng hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu để khẳng định được vị thế của doanh nghiệp trên thị trường, giữ được thị phần trong xu thế hội nhập. Mặt khác, các đơn vị chức năng cũng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để các thương hiệu Việt đã được xây dựng ngày càng lan tỏa hơn giúp người tiêu dùng trong nước và quốc tế biết đến các thương hiệu Việt nhiều hơn, sâu sắc hơn.
Qua những đợt hội chợ, triển lãm người tiêu dùng được tiếp cận nhiều hơn với các hàng hóa có xuất sứ Việt Nam |
Không chỉ tuyên truyền, vận động nhằm quảng bá thương hiệu cho các doanh nghiệp, các ban, ngành chức năng còn tạo điều kiện cho doanh nghiệp có môi trường kinh doanh thuận lợi, tạo tâm lý tích cực, kích thích việc phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao uy tín, chất lượng thương hiệu sản phẩm...
Từ đó, tạo ra nhiều sản phẩm của doanh nghiệp trong nước ngày càng có chất lượng tốt hơn, giá cả phù hợp hơn. Nhờ đó, đến nay, cả nước đã có khoảng 4.823 sản phẩm đặc sản, trong đó có 695 sản phẩm có đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Đặc biệt, để tạo nền tảng cho doanh nghiệp phát triển, từ đầu năm đến nay, Sở Công thương các tỉnh, thành phố trong cả nước đã tổ chức 114 đợt bán hàng Việt về nông thôn, hơn 150 lượt khuyến mại; 115 hội chợ, triển lãm hàng Việt. Đáng chú ý, đến nay đã xây dựng được hơn 100 điểm bán hàng Việt Nam cố định tại gần 60 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Ngoài ra, Bộ Công thương đã tư vấn trả lời 2.153 vụ việc khiếu nại, giải quyết 213 vụ việc khiếu nại của người tiêu dùng để củng cố, xây dựng niềm tin của người tiêu dùng đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Cùng với việc tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc sử dụng hàng Việt Nam, các doanh nghiệp trong nước cũng cần thay đổi mạnh mẽ hơn nữa thông qua tái cơ cấu doanh nghiệp, tăng năng suất lao động, tối ưu hóa nguồn lực, thay đổi công nghệ, xây dựng thương hiệu, thị trường để sản phẩm, dịch vụ ngày càng chất lượng và cạnh tranh.