“Hành trình” từ khoai tây thối… đến hành phi thơm lừng -Bài 2: Trên bảo dưới không nghe
![]() |
(TTTĐ) “Đúng là trong quá trình sản xuất hành phi, nhiều hộ dân trong thôn Thuận Quang đã không chấp hành đúng quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Chỉ vì mưu sinh, vì lợi nhuận trước mắt họ đã thờ ơ với sức khỏe của cộng đồng…”, ông Hoàng Đức Hiểu, Phó Chủ tịch UBND xã Dương Xá (Gia Lâm, Hà Nội) thừa nhận.
>>“Hành trình” từ khoai tây thối… đến hành phi thơm lừng:
Bài 1: Từ đầu vào đến đầu ra… đều bẩn
Kiểm tra đột xuất là thấy vi phạm
Theo tìm hiểu của phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, nghề làm hành phi ở thôn Thuận Quang có từ lâu. Ban đầu, họ chỉ đơn giản là đi buôn hành. Sau này nhận thấy công việc bán buôn vất vả lại không đem lại lợi nhuận cao nên dần dần họ chuyển sang làm hành sấy. Hơn chục năm trở lại đây, nhiều hộ dân trong thôn quyết định chuyển hướng kinh doanh từ làm hành sấy sang hành phi.
![]() |
Ông Hoàng Đức Hiểu, Phó Chủ tịch UBND xã Dương Xá
Theo ông Hiểu, hầu hết những hộ dân sản xuất và kinh doanh hành phi trong thôn Thuận Quang đều có giấy phép đăng kí kinh doanh và giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ chưa đủ điều kiện để cấp giấy phép kinh doanh và chưa đủ tiêu chuẩn để cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, trong khoảng thời gian này, do có một vài điểm thay đổi nên tất cả các hộ sản xuất trong thôn Thuận Quang đều đang trong quá trình xin cấp lại giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo ông Hiểu, sản xuất hành phi, có rất nhiều công đoạn, từ chọn mua nguyên liệu, sơ chế nguyên liệu, chế biến và đóng túi… Ở tất cả các công đoạn này, hầu hết những hộ sản xuất kinh doanh tại đây thực hiện rất nghiêm túc, đảm bảo đúng quy định vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, cũng còn một số hộ trong quá trình sơ chế nguyên liệu hay đóng gói sản phẩm đã có sai phạm, ảnh hưởng đến chất lượng của sản phẩm.
“Ban An toàn vệ sinh thực phẩm của xã Dương Xá thường xuyên tổ chức đoàn kiểm tra xuống các cơ sở sản xuất, kinh doanh hành phi trên địa bàn. Khi kiểm tra định kỳ không phát hiện nhiều sai phạm nhưng hễ cứ kiểm tra đột xuất là có sự chuệch choạc. Chúng tôi cũng tổ chức nhiều buổi tập huấn, hướng dẫn bà con thực hiện đúng quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Thậm chí, trên loa phát thanh của xã cũng tuyên truyền đậm đặc các chương trình về an toàn thực phẩm nhưng vẫn để tồn tại những hạn chế, thiếu sót”, ông Hiểu giãi bày.
Thực tế, ban An toàn vệ sinh thực phẩm chỉ có nhiệm vụ hướng dẫn các hộ sản xuất kinh doanh làm cam kết về quy trình sản xuất đảm bảo, an toàn, hợp vệ sinh. Việc xử phạt vi phạm thuộc thẩm quyền của Đội quản lí thị trường hoặc đội kiểm tra liên ngành của huyện. Vì thế, trong công tác quản lí, giám sát và xử lí vi phạm ban an toàn vệ sinh thực phẩm của xã Dương Xá gặp rất nhiều khó khăn.
Được biết, Đội quản lí thị trường số 8 cũng đã yêu cầu tất cả các chủ cơ sở kí cam kết đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; nhiều lần xử lý các hộ gia đình nhưng họ vẫn cứ làm. “Do các gia đình đấy làm nhỏ, lẻ trong nhà và mang tính thời vụ nên chúng tôi không thể kiểm soát hết” – ông Nguyễn HồngLong, đội phó đội Quản lí thị trường số 8 cho biết thêm.
Lỗi một phần do chính quyền sở tại
Một vấn đề đáng quan tâm nữa là hầu hết các hộ sản xuất, kinh doanh sản phẩm hành phi tại thôn Thuận Quang đều không đăng kí nhãn mác cho sản phẩm. Các sản phẩm hành phi sau khi chế biến chỉ được đóng vào các túi bóng kính, không có nhãn mác thể hiện cơ sở sản xuất, nguồn gốc nguyên liệu hay đơn giản như ngày sản xuất và hạn sử dụng đều không có. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lí, giám sát chất lượng sản phẩm và truy nguyên nguồn gốc khi xảy ra sự cố làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Hành tây được đặt ngay ven đường làng ẩm ướt
Giải đáp thắc mắc này, một cán bộ thôn Thuận Quang cho hay: “Hầu hết các hộ sản xuất hành phi trong thôn Thuận Quang không đủ điều kiện để đăng kí nhãn mác. Cũng có nhiều trường hợp hành phi sau khi xuất đi bị trả về vì đã mốc. Bản thân sản phẩm hành phi sau khi đưa ra thị trường cũng có thời gian sử dụng nhất định, nếu không ghi rõ ngày sản xuất và hạn sử dụng trên bao bì, người tiêu dùng sẽ rất khó để xác định thời hạn sử dụng của sản phẩm còn hay hết. Trong trường hợp đã hết hạn sử dụng mà người tiêu dùng không nắm được, vẫn sử dụng sản phẩm sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe”.
Đó là vấn đề nhãn mác, còn chuyện những hộ sản xuất hành phi trong thôn Thuận Quang trộn lẫn khoai tây với hành tây để tăng sản lượng hành phi, ông Hiểu biện minh: “Tất cả cũng vì kế mưu sinh, vì lợi nhuận trước mắt nên họ làm vậy. Tuy nhiên, “tiền nào của ấy”, hành phi cũng có nhiều loại, ứng với nhiều giá tiền khác nhau. Nếu loại không pha trộn nguyên liệu khác sẽ có giá cao hơn, còn loại pha trộn tùy vào mức trộn nhiều hay ít mà giá tiền khác nhau. Hành tây và khoai tây được nhập từ các tỉnh như Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Giang, Thanh Hóa… còn mỡ để phi hành thì hầu hết các hộ dân đều mua tại một cơ sở sản xuất mỡ trong xã. Tuy nhiên, cơ sở sản xuất mỡ cung cấp cho các hộ sản xuất hành phi cũng bị Đội quản lí thị trường số 8 kiểm tra phát hiện thấy nhiều vi phạm về nguồn gốc và vệ sinh thực phẩm nên đã bị xử phạt 4 triệu đồng hồi năm ngoái”.
Như vậy đã rõ, để sản xuất ra một sản phẩm hành phi thơm lừng, đằng sau nó ẩn chứa cả một quy trình “siêu bẩn”. Từ việc sơ chế nguyên liệu, đến chế biến sản phẩm, rồi đóng gói, nhãn mác trên bao bì… Nhiều người cho rằng, việc này một phần do lỗi của chính quyền sở tại trong việc chưa sâu sát thực tế, chưa nắm bắt tình hình cũng như công tác quản lí còn bị bỏ ngỏ. Vì vậy, đã đến lúc các cơ quan chức năng đưa ra các biện pháp chế tài để chấn chỉnh hoạt động sản xuất này. Có như vậy, người tiêu dùng mới yên tâm sử dụng sản phẩm của làng nghề.
Khắc Nam
.
Thiết lập đường dây nóng phản ánh vi phạm an toàn thực phẩm
Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế vừa chính thức thiết lập đường dây nóng tiếp nhận phản ánh vi phạm an toàn thực phẩm.
Theo đó, các cá nhân và đơn vị khi phát hiện nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm có thể gọi điện đến đường dây nóng qua số điện thoại: 04.32321556 hoặc địa chỉ email: [email protected].
Những năm gần đây, mối nguy mất an toàn trong các loại thực phẩm rất được người dân quan tâm. Trên nhiều phương tiện truyền thông cũng đã phản ánh khi có nhiều sản phẩm như rau không an toàn, thịt lợn chứa kháng sinh.
Theo thống kê của Bộ Y tế trong tháng 8/2016 đã xảy ra 20 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 493 người bị ngộ độc, trong đó 2 trường hợp tử vong.
Trong 8 tháng vừa qua, trên địa bàn cả nước xảy ra 92 vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng, làm 2904 người bị ngộ độc, trong đó đã có 8 trường hợp tử vong.
Nguyên nhân của các vụ ngộ độc là do độc tố tự nhiên, nhiều vụ do vi sinh vật/nghi do độc tố vi sinh vật…
Thu Hoài
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

TP Hồ Chí Minh phát hiện nhiều vụ sản xuất, buôn bán hàng giả

Phú Yên lập tổ công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại,hàng giả

Thu giữ 11 tấn thực phẩm "bẩn" tuồn vào thị trường

Đà Nẵng: Xử phạt hai cơ sở bán hàng hiệu giả, buộc tiêu hủy

TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh "dẹp loạn" hàng giả

Hà Quảng (Cao Bằng): Thu giữ 656kg nguyên liệu thuốc lá không rõ nguồn gốc

Lãnh đạo UBND TP Hội An yêu cầu cấp dưới kiểm điểm trách nhiệm

Trùng Khánh và Hà Quảng (Cao Bằng): Thu giữ 1.128 kg nguyên liệu thuốc lá không rõ nguồn gốc

Huyện Nhơn Trạch rà soát nhầm đất dân là đất công
