Hào hùng, sâu lắng chương trình nghệ thuật "Vinh quang thầm lặng 2024"
Viết tiếp trọng trách vinh quang, làm cho ý Đảng "quyện" cùng lòng dân Giữ trọn lời thề dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng Tôn vinh thành tựu và cống hiến của ngành Cơ yếu Việt Nam |
Đến dự chương trình, về phía lãnh đạo Đảng, Nhà nước có các đồng chí: Võ Thị Ánh Xuân - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam; Nguyễn Kim Sơn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Bắc - Phó Giám đốc Thường trực Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Lê Hải Bình - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Trung tướng Lê Quang Minh - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam cùng các đồng chí lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương và địa phương.
Các đại biểu tham dự chương trình |
Về phía khách quốc tế có đồng chí: Khamphao Ernthavanh - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa dân chủ Nhân dân Lào tại Việt Nam và các đồng chí tham tán, cán bộ các Đại sứ quán: Nga, Cuba, Lào tại Việt Nam.
Về phía Ban Cơ yếu chính phủ có: Thiếu tướng Vũ Ngọc Thiềm - Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ; các đồng chí Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Ban Cơ yếu Chính phủ cùng cán bộ, nhân viên đã và đang công tác trong ngành Cơ yếu Việt Nam qua các thời kì.
Chương trình do Ban Cơ yếu Chính phủ chỉ đạo nội dung; Tạp chí An toàn Thông tin chủ trì, phối hợp với Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội, Công ty Cổ phần Quảng cáo Truyền thông Oscar (Oscar Media) thực hiện. Cố vấn nghệ thuật của chương trình: NSND Lê Chức; Tổng đạo diễn: Mai Thanh Tùng - Tổng Giám đốc Oscar Media.
Những chiến công thầm lặng mà vẻ vang
Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng - Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ phát biểu khai mạc chương trình |
Chương trình nghệ thuật "Vinh quang thầm lặng 2024" được tổ chức với mục đích tri ân đối với những đóng góp to lớn của Ngành Cơ yếu Việt Nam trong suốt 79 năm qua; chào mừng 80 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân. Chương trình đã mang đến một sự kiện văn hóa đặc sắc, mang ý nghĩa lịch sử, góp phần tôn vinh những thành tựu và cống hiến của Ngành Cơ yếu Việt Nam, Quân đội Nhân dân Việt Nam và phong trào Quốc phòng toàn dân.
Phát biểu khai mạc "Vinh quang thầm lặng 2024", Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng - Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ, Trưởng ban Tổ chức chương trình cho biết: Ngược dòng thời gian, mùa thu lịch sử cách đây 79 năm, ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Trong buổi đầu của chính quyền non trẻ, công tác bảo vệ bí mật nội dung thông tin lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang trở thành một yêu cầu hết sức quan trọng và cấp bách.
Tập thể nghệ sĩ với ca khúc "Hành khúc Cơ yếu Việt Nam" |
Để đáp ứng yêu cầu đó, ngày 12/9/1945, Ban Mật mã quân sự tổ chức tiền thân của ngành Cơ yếu Việt Nam được thành lập tại cơ quan Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Thực hiện Lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Mật mã là công tác cơ mật, quan trọng, vẻ vang... các cô, các chú làm công tác mật mã phải bí mật, đoàn kết và quân sự hóa”, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ cơ yếu qua các thời kỳ đã nỗ lực phấn đấu, cống hiến không ngừng, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, làm nên những chiến công thầm lặng mà vẻ vang, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tiết mục "Tự hào là người lính" do Nguyễn Thu Thủy và Vũ đoàn Lavender trình bày |
Chương trình nghệ thuật “Vinh quang thầm lặng 2024" ca ngợi lịch sử hào hùng của dân tộc, của Quân đội và của ngành Cơ yếu Việt Nam, là lời tri ân sâu sắc đối với công lao đóng góp của thế hệ cha anh, của gần 1.000 liệt sỹ cơ yếu đã anh dũng ngã xuống trên khắp các chiến trường, các thương binh đã để lại một phần máu xương của mình, tất cả vì sự nghiệp bảo vệ thông tin cơ mật của Đảng, Nhà nước.
Đây cũng là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng đối với toàn thể cán bộ, nhân viên ngành Cơ yếu Việt Nam, có ý nghĩa giáo dục và nhân văn sâu sắc, truyền cảm hứng và tiếp lửa cho các thế hệ tiếp theo, phát huy truyền thống “Trung thành, Tận tụy, Đoàn kết, Kỷ luật, Sáng tạo”, quyết tâm xây dựng ngành Cơ yếu Việt Nam “Cách mạng, chính quy, hiện đại”.
Sao Mai Ngọc Ký thể hiện ca khúc "Tự nguyện" |
Theo đó, chương trình nghệ thuật “Vinh quang thầm lặng 2024” với những hình ảnh, câu chuyện, gặp gỡ nhân chứng, các tiết mục nghệ thuật đặc sắc ca ngợi lịch sử hào hùng của ngành Cơ yếu Việt Nam, lòng biết ơn sự hy sinh vĩ đại của các thế hệ đi trước và khơi dậy lòng sục sôi quyết tâm của thế hệ trẻ hôm nay để viết tiếp truyền thống vẻ vang của ngành, thực hiện sứ mệnh thiêng liêng của lịch sử và thời đại.
Bên cạnh việc tôn vinh những thành tựu và cống hiến của các thế hệ cán bộ, nhân viên Ngành Cơ yếu qua các thời kỳ, chương trình còn khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của Ngành Cơ yếu trong thời kỳ hội nhập quốc tế, với những thách thức mới về an ninh mạng, an toàn thông tin.
Chương trình "Vinh quang thầm lặng 2024" khắc họa rõ nét những chiến công vẻ vang của ngành Cơ yếu Việt Nam |
Chương trình có sự kết nối tinh tế giữa quá khứ - hiện tại - tương lai tạo nên một bức tranh hoàn chỉnh về hành trình thầm lặng mà rất đỗi vinh quang của ngành Cơ yếu Việt Nam.
Đặt trọn niềm tin
Chương trình nghệ thuật “Vinh quang thầm lặng 2024” được chia làm 3 chương: Sứ mệnh lịch sử; Những chiến công thầm lặng; Hành trình vinh quang.
Đồng chí Lê Mai Sơn - nguyên Phó Cục trưởng Cục Cơ yếu - Công nghệ thông tin, Bộ Ngoại giao đã tiết lộ với khán giả những khó khăn và sự nhanh nhạy, khắc phục mọi hoàn cảnh để thực hiện nhiêm vụ được giao của cán bộ Cơ yếu |
Phần giao lưu với các nhân chứng lịch sử đã hé mở một phần những khó khăn, gian khổ mà các cán bộ, chiến sĩ Cơ yếu phải trải qua nhưng họ đã sáng tạo không ngừng, khắc phục mọi hoàn cảnh, dũng cảm, mưu trí để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.
Những chiến công thầm lặng ấy được các loại hình nghệ thuật kết hợp nhuần nhuyễn càng đưa lên tầm cao mới, thấm vào lòng khán giả, khiến họ cảm nhận sâu sắc hơn những giá trị, đóng góp của ngành Cơ yếu Việt Nam. Những chiến công ấy đã hóa thân vào hình hài đất nước, góp phần bảo vệ và dựng xây Tổ quốc để mỗi chúng ta hôm nay được sống trong hòa bình, ổn định và phát triển.
Ca sĩ Nguyễn Ngọc Anh với ca khúc "Màu cờ tôi yêu" |
Sự đan xen giữa các tiết mục một cách hài hòa, hợp lý đã nâng tầm ý nghĩa mà BTC muốn gửi gắm tới người xem và mang đến sức nặng cho chương trình.
Phần âm nhạc được lựa chọn kĩ càng với những tác phẩm nổi tiếng, sống mãi với thời gian và ghi đậm dấu ấn trong lòng người yêu nước Việt Nam như: "Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người" (Trần Kiết Tường); "Khát vọng" (Phạm Minh Tuấn), "Một đời người một rừng cây" (Trần Long Ẩn); "Linh thiêng Việt Nam" (Lê Quang); "Tự hào là người lính" (Huyền Ngọc), "Khát vọng tuổi trẻ" (Vũ Hoàng), "Tự hào tôi là tương lai Việt Nam (Hoàng Hồng Ngọc)… dệt nên hành trình gần 80 năm vinh quang, kiên định, trung thành của ngành nhằm hướng tới "Thịnh vượng Việt Nam sáng ngời".
Ca sĩ Tùng Dương với "Khát vọng tuổi trẻ" và "Một vòng Việt Nam" |
Các tác phẩm cũng thể hiện tin thần xuyên suốt với quá khứ hào hùng, hiện tại vững chắc và tương lai tươi sáng, tràn đầy khí thế của thế hệ trẻ ngành Cơ yếu Việt Nam.
Đặc biệt, hai ca khúc được viết riêng cho ngành Cơ yếu Việt Nam là “Hành khúc Cơ yếu Việt Nam” (thơ: Đồng chí Văn Duy - Nguyên Phó Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ; nhạc: An Thuyên) và “Vinh quang thầm lặng” (thơ: Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng - Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ; nhạc: Bùi Hoàng Uyên Minh) đã khắc họa rõ nét những tâm huyết, sáng tạo, trung thành, kỷ luật, vẽ nên những đặc trưng cơ bản của ngành.
Ca sĩ Minh Quân thể hiện tác phẩm "Thịnh vượng Việt Nam sáng ngời" |
Các giọng hát giàu nội lực và được khán giả yêu mến như: Tùng Dương, Minh Quân, Vũ Thắng Lợi (Á quân Sao Mai 2011), Nguyễn Thu Thủy (Quán quân Sao mai 2017), Nguyễn Ngọc Anh (Á quân Sao Mai 2005), Viết Danh (Huy chương Vàng chuyên nghiệp toàn quốc), Ngọc Ký (Á quân Sao Mai 2019)... góp phần chắp cánh cho những thông điệp của chương trình thăng hoa và tràn đầy cảm xúc.
Tập thể nghệ sĩ với ca khúc "Tự hào Cơ yếu Việt Nam" |
Với thời lượng 120 phút, sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật, “Vinh quang thầm lặng 2024” chỉ phần nào giải mã được những chiến công của lực lượng Cơ yếu trong suốt hành trình gần 80 năm đầy vinh quang. Còn rất nhiều những chiến công, những con người trong ngành ngày đêm góp phần bảo vệ Tổ quốc chưa được nhắc đến nhưng vẫn thầm lặng viết tiếp lịch sử hào hùng.
Lãnh đạo Ban Cơ yếu Chính phủ và khách mời chụp ảnh lưu niệm cùng các nghệ sĩ |
Thông qua chương trình, Ban Tổ chức cũng mong muốn gửi gắm quyết tâm trong chặng đường tiếp theo, cán bộ, nhân viên ngành Cơ yếu sẽ tiếp tục đoàn kết, nêu cao tinh thần trách nhiệm, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, phát triển vượt bậc về mọi mặt, lập nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc.
Chính bởi vậy, chương trình không chỉ ghi dấu ấn trong lòng cán bộ, công nhân viên trong ngành mà còn khiến khán giả cả nước thấy tự hào và đặt trọn niềm tin vào Cơ yếu Việt Nam.