Viết tiếp trọng trách vinh quang, làm cho ý Đảng "quyện" cùng lòng dân
Sứ mệnh đi trước mở đường
Lịch sử công tác Tuyên giáo gắn liền với lịch sử Đảng và lịch sử dân tộc Việt Nam. Ngay trong quá trình hoạt động, để tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt coi trọng công tác truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng, đường lối cách mạng vào trong nước, vào các tầng lớp Nhân dân, nhất là các hạt nhân ưu tú. Những hoạt động đó của Người đã đặt nền móng đầu tiên cho công tác tuyên truyền, tuyên giáo của Đảng; định hình sứ mệnh đi trước mở đường của công tác tuyên giáo trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, công tác tuyên truyền, giáo dục được tổ chức chặt chẽ; coi đây là mặt trận quan trọng hàng đầu trong toàn bộ hoạt động của Đảng. Vì thế, ngay sau Hội nghị thành lập Đảng tháng 2/1930, Ban Chấp hành Trung ương đã lập Ban Cổ động và Tuyên truyền - Cơ quan tham mưu chỉ đạo và tổ chức công tác tuyên truyền, cổ động của Đảng, với nhiệm vụ trước mắt là tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt và đường lối cách mạng; cổ vũ, động viên các tầng lớp Nhân dân giác ngộ cách mạng, hiểu Đảng, ủng hộ Đảng, tin tưởng và đi theo Đảng.
Những hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đã đặt nền móng đầu tiên cho công tác tuyên truyền, tuyên giáo của Đảng |
Ngày 1/8/1930, nhân kỷ niệm Ngày quốc tế đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ hòa bình, Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng đã xuất bản tài liệu “Ngày quốc tế đỏ, mồng một tháng Tám”. Sau khi được phát hành, tài liệu “Ngày quốc tế đỏ, mồng một tháng Tám” đã tạo được tiếng vang lớn, cổ vũ mạnh mẽ quần chúng Nhân dân yêu nước đứng lên đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, chống áp bức, bóc lột, phản đối chiến tranh xâm lược, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc.
Chỉ trong một thời gian rất ngắn (từ tháng 8 đến tháng 10/1930), đã có hàng trăm cuộc mít tinh, biểu tình cách mạng của Nhân dân ta nổ ra với khí thế và tính chất mới. Vị trí, vai trò và sức mạnh của công tác tuyên truyền - một hình thái công tác tư tưởng của Đảng đã được khẳng định và đi vào lịch sử cách mạng Việt Nam.
Năm 2000, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định lấy ngày 1/8 hàng năm làm Ngày truyền thống công tác Tư tưởng - Văn hoá của Đảng. Năm 2007, sau khi Ban Khoa giáo Trung ương và Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương hợp nhất thành Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá X) quyết định lấy ngày 1/8 hàng năm làm Ngày Truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng.
Mỗi giai đoạn lịch sử, một nhiệm vụ thiêng liêng
94 năm qua, ngành Tuyên giáo và công tác tuyên giáo trở thành bộ phận không thể tách rời, luôn gắn bó sâu sắc với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Những thắng lợi vĩ đại mà Đảng và Nhân dân ta đã đạt được trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc đều có sự đóng góp to lớn của ngành Tuyên giáo và công tác tuyên giáo của Đảng.
Thời kỳ 1930 - 1945, nhiệm vụ chủ yếu của công tác Tuyên giáo là tập trung cho việc tuyên truyền, giác ngộ, vận động và phát động quần chúng giành lại chính quyền về tay Nhân dân và đã đưa đến thắng lợi với cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Thời kỳ 1945 - 1975, công tác tuyên giáo tập trung tuyên truyền, động viên, cổ vũ cho việc huy động sức mạnh con người Việt Nam, nền văn hóa Việt Nam và truyền thống yêu nước quật cường của dân tộc theo lời kêu gọi của Bác Hồ: “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”; “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.
Công tác Tuyên giáo đã tập trung lực lượng phục vụ cho hai cuộc kháng chiến thần thánh. Đó là chuyển ý chí, quyết tâm, lòng dũng cảm, lòng yêu nước của mọi người dân Việt Nam thành sức mạnh vật chất to lớn, tạo nên những cú đấm chiến lược trong những thời điểm quyết định của chiến tranh, đánh bại ý chí xâm lược của kẻ thù, buộc chúng phải ra khỏi lãnh thổ quốc gia, giải phóng dân tộc khỏi ách thực dân xâm lược.
Đất nước hòa bình, độc lập, thống nhất, công việc tái thiết đất nước thật bộn bề. Khó khăn chồng chất khó khăn. Hậu quả của chiến tranh vô cùng lớn, tác động đến nhiều thế hệ. Nhiệm vụ của ngành Tuyên giáo lúc này là động viên Nhân dân cả nước khắc phục khó khăn, thắt lưng buộc bụng, từng bước đẩy lùi đói nghèo và lạc hậu.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh... tham quan gian trưng bày tại Hội báo toàn quốc 2024. |
Trong giai đoạn đổi mới, ngành Tuyên giáo đã chủ động, tích cực tham mưu cho cấp ủy thực hiện hiệu quả nhiều nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác tư tưởng, lý luận đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đội ngũ cán bộ tuyên giáo đã góp phần thúc đẩy công tác đấu tranh, phòng, chống quan điểm sai trái, thù địch; lực lượng nòng cốt trong các cấp, các ngành đối với công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đã góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, làm cho quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội.
Đồng thời, nâng cao bản lĩnh chính trị, kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tiến hành thắng lợi đường lối đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Quyết tâm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Từ khi Nghị quyết số 35-NQ/TW “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” ra đời đã trở thành dấu mốc quan trọng trong sự phát triển lý luận, nhận thức và tổ chức về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết, công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng được tổ chức triển khai ngày càng bài bản, đồng bộ, toàn diện, quyết liệt, từng bước đi vào chiều sâu, đạt kết quả bước đầu rất quan trọng, cung cấp nhiều luận cứ khoa học để phục vụ cho công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Trên cơ sở đó, ngành Tuyên giáo đã có những chỉ đạo, định hướng kịp thời trong công tác tuyên truyền đẩy mạnh hoạt động đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng. Các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh mạng, gỡ bỏ, triệt phá, xử lý thông tin xấu độc trên internet, mạng xã hội được đẩy mạnh, thực hiện thống nhất, đồng bộ và hiệu quả...
Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 |
Từ sau Đại hội XIII của Đảng, ngành Tuyên giáo đã nỗ lực hoàn thành khối lượng công việc rất lớn, với chất lượng, hiệu quả được nâng lên rõ rệt trên tất cả các mặt… trong đó có những việc khó và phức tạp. Nhiều việc được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cán bộ, đảng viên và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao như: Tham mưu tổ chức công tác tuyên truyền, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; chủ động, tích cực tham gia góp phần vào thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026; tổ chức thành công Hội nghị Văn hóa toàn quốc; chỉ đạo định hướng làm tốt công tác tuyên truyền, kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện chính trị - xã hội quan trọng của đất nước, quốc tế, công tác phòng, chống đại dịch COVID-19, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực...
Theo đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, những truyền thống tốt đẹp là hành trang quý báu để ngành Tuyên giáo của Đảng không ngừng đổi mới, sáng tạo, vượt qua những khó khăn, thách thức, vững bước đi lên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng vai trò “đi trước mở đường” trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Để hoàn thành trọng trách lớn lao mà Đảng và Nhân dân tin tưởng giao phó, ngành Tuyên giáo phải nỗ lực, cố gắng, đổi mới không ngừng, nâng cao chất lượng, hiệu quả tham mưu, tổ chức thực hiện nhất là những vấn đề có tầm chiến lược, góp phần xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh. Trong đó, yếu tố quyết định là phải luôn chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, xây dựng đội ngũ cán bộ tuyên giáo bảo đảm đủ số lượng và chất lượng tốt, vừa “hồng” vừa “chuyên”, có bản lĩnh chính trị, kiên định, vững vàng, đạo đức trong sáng, xứng đáng là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tuyên giáo của Đảng.
Mỗi cán bộ ngành Tuyên giáo phải luôn luôn tự học, tự nghiên cứu, rèn luyện nâng cao ý thức chính trị, trình độ chuyên môn, nêu cao tinh thần trách nhiệm, sự nhiệt huyết, yêu nghề, tận tụy với công việc được giao, lao động thật sự nghiêm túc, khoa học; quan trọng nhất, đó là phải “đặt lợi ích của Đảng lên trên hết, trước hết”…
Dù còn nhiều khó khăn, song với truyền thống 94 năm đầy tự hào, ngành Tuyên giáo và công tác tuyên giáo của Đảng sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu và kết quả to lớn hơn nữa; từ đó đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước.