Hậu họa khôn lường từ chung cư mini, loại nhà ở biến tướng
Tiếp tục công tác hỗ trợ nạn nhân vụ cháy chung cư mini Chuyên gia y tế "mách" kỹ năng phòng ngạt khói trong các đám cháy Nhiều bệnh nhân vụ cháy chung cư mini đã qua cơn nguy kịch |
Chung cư mini - "cháy nhà mới ra mặt chuột"
Ở Việt Nam, có thể nói, chưa có loại hình nhà ở nào được gọi với cái tên là "chung cư mini" được quy định chi tiết trong luật, mà nó chỉ là được người ta gắn tên mĩ miều hơn so với phòng trọ, bởi có nhiều tiện ích và diện tích gần như các căn hộ chung cư.
Thực tế, chung cư mini là loại hình nhà ở đã xuất hiện và từng nổi đình nổi đám ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM cách đây nhiều năm.
Ở Hà Nội, các công trình chung cư mini "mọc lên" nhan nhản ở các quận nội thành như: Cầu Giấy, Thanh Xuân, Ba Đình, Đống Đa, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm... thường được xây chỉ 1 tòa nhà với số tầng khoảng từ 5 - 10, phân chia hàng chục căn hộ diện tích 30 - 45m2, được thiết kế 1 - 2 phòng ngủ có nhà vệ sinh để cho thuê hoặc bán.
Đáng nói, khi xin cấp phép, đa số chủ đầu tư thường xin phép là xây dựng nhà ở riêng lẻ, sau đó họ xây sai phép, rồi tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng cho thuê hoặc bán căn hộ. Vì diện tích nhỏ nên hầu hết chủ nhà đều cố gắng tận dụng tối đa quỹ đất nên ít làm lối thoát hiểm, cơ sở vật chất phòng cháy chữa cháy chỉ mang tính hình thức nên tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao.
Tầng 1, nơi để xe của một công trình chung cư mini ở Hà Nội. |
Có thể, chủ đầu tư bị lợi nhuận che mắt và chính quyền buông lỏng trong quản lý khiến không ít công trình xây dựng nhà ở biến tướng thành chung cư mini vượt tầng, không đảm bảo an toàn phòng cháy, hậu quả đã để lại những sự việc thương tâm và vụ cháy ở Khương Hạ, phường Khương Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đúng nghĩa là "cháy nhà mới ra mặt chuột".
Lý giải vì sao chung cư mini có sức hút, anh Nguyễn Văn Đ (Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, nguyên nhân là do gần trung tâm, các trường đại học và đặc biệt là vừa túi tiền với người thu nhập thấp.
"Năm 2013 - 2017 là giai đoạn chung cư mini bùng nổ, rất nhiều người dân xây lên rồi cho thuê và bán. Thời điểm đó, giá mỗi căn hộ rơi vào khoảng 500 triệu đồng đến 700 triệu đồng, tùy diện tích từ 35 - 45m2, với mức giá này thì nhiều người mua được vì vừa túi tiền", anh Đ chia sẻ.
Cũng theo anh Đ, một nguyên nhân nữa khiến người dân đổ xô đi mua căn hộ chung cư mini là vì khi rao bán chủ đầu tư mời chào và cam kết sẽ làm được sổ hồng, chứng nhận quyền sở hữu căn hộ và việc mua bán cũng được các bên làm hợp đồng.
"Chủ đầu tư cam kết là vậy chứ thực tế rất khó có thể được cấp sổ cho loại hình nhà ở này, bởi đa số là xây dựng sai phép, không có quy định pháp lý nào cấp sổ riêng căn hộ cho nhà ở riêng lẻ", anh Đ nhận định.
Cẩn trọng với chung cư mini, loại nhà ở biến tướng
Theo Luật sư Phan Thị Lam Hồng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), giá thành rẻ là lý do khiến loại hình căn hộ chung cư mini hấp dẫn người mua, nhưng vấn đề pháp lý là điều quan trọng nhất trước khi người dân muốn sở hữu loại nhà ở này.
Chung cư mini thường được xây ở các con ngõ nhỏ, công tác chữa cháy sẽ gặp rất nhiều khó khăn. |
Luật sư Hồng cho rằng, người dân mua căn hộ chung cư mini thường đối mặt với nhiều rủi ro. Trong đó có việc không đảm bảo quyền lợi của chủ sở hữu căn hộ khi xảy ra tranh chấp, không được cấp sổ hồng riêng sở hữu cho căn hộ của mình.
Một rủi ro khác có thể kể tới như do nhu cầu vốn, chủ đầu tư thường thế chấp toàn bộ quyền sử dụng đất thậm chí công trình gắn liền với đất tại ngân hàng dẫn đến thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở gắn liền với đất không thể thực hiện được.
Đặc biệt, chất lượng căn hộ cũng không đảm bảo, không áp dụng theo quy chuẩn xây dựng nào; hệ thống phòng cháy chữa cháy không có hoặc không đạt chuẩn, đa số chất lượng xây dựng của căn hộ như đảm bảo an toàn chịu lực, phòng cháy chữa cháy... thường không đúng tiêu chuẩn quy định; diện tích nhỏ nên không đủ chỗ gửi xe, an ninh lỏng lẻo; năng lực của chủ đầu tư kém về kinh nghiệm và tài chính dẫn đến tính chịu trách nhiệm không cao...
"Các công trình chung cư mini thường không đảm bảo quy định phòng cháy chữa cháy, bởi xây sai phép, loại hình nhà ở biến tướng thì đơn vị nào dám thẩm định, nghiệm thu phòng cháy chữa cháy, thường thì chủ đầu tư vượt mặt cơ quan chức năng, và cơ quan quản lý cũng buôn lỏng nên mới xảy ra tình trạng như vậy", Luật sư Hồng phân tích.
Cũng theo Luật sư Hồng, điều trớ trêu là chủ đầu tư vi phạm các quy định pháp luật nhưng người mua nhà là người gánh hậu quả.
"Ký hợp đồng mua bán, tiền trao xong rồi thì lại phụ thuộc vào chủ nhà, khi xảy ra tranh chấp pháp lý thì thường người mua sẽ thua thiệt. Mặt khác, công trình không đảm bảo chất lượng, xảy ra cháy nổ thì chính người ở mới là người lĩnh hậu quả", bà Hồng nêu.
Do đó, vị luật sư khuyến cáo người dân nên cẩn trọng khi quyết định mua căn hộ chung cư mini, đặc biệt là cơ quan quản lý cũng phải đề cao trách nhiệm của mình trong việc cấp phép, giám sát việc xây dựng, phải kiên quyết xử lý những vi phạm để tránh những thảm họa tương tự như vụ cháy ở Thanh Xuân vừa qua.