Hệ thống tiêu chuẩn kĩ thuật phải phù hợp với Việt Nam
Cần thiết phải có khung tiêu chuẩn thống nhất Chuyên gia quốc tế hiến kế phát triển đường sắt đô thị Giải phóng mặt bằng khâu then chốt hoàn thành dự án đúng tiến độ |
Sớm đồng bộ quy chuẩn về đường sắt đô thị
Thực tế, cũng như những thành phố, đô thị lớn của các quốc gia trên thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản... Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh qua quá trình phát triển đã sớm xây dựng các đồ án quy hoạch đô thị có chất lượng và tầm nhìn xa đảm bảo cho sự phát triển dài hạn. Trong đó, hệ thống đường sắt đô thị được xem như bộ “xương sống” của hệ thống hạ tầng giao thông vận tải của hai thành phố.
Việc đẩy mạnh đầu tư xây dựng mạng đường sắt đô thị được kỳ vọng không chỉ thay đổi diện mạo đô thị, giải quyết triệt để các vấn đề về ùn tắc giao thông mà còn thay đổi được thói quen sử dụng phương tiện công cộng và văn hóa giao thông của người dân trong tương lai, giảm thiểu phương tiện cá nhân và ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, thực tế triển khai các dự án đường sắt đô thị đang bị chậm tiến độ. Một trong những nguyên nhân của việc chậm tiến độ là chủ đầu tư cũng như các nhà thầu gặp một số vướng mắc khi áp dụng nhiều hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn trong nước cũng như nước ngoài đối với các dự án, đặc biệt mỗi dự án sử dụng các công nghệ của các nước khác nhau thì áp dụng các hệ thống tiêu chuẩn cũng khác nhau, những khó khăn trong công tác quản lý dự án.
TS Phan Hữu Duy Quốc tham luận tại hội thảo |
Tại phiên chuyên đề quy chuẩn, tiêu chuẩn kĩ thuật (TCKT), công nghệ và quản lý dự án đường sắt đô thị diễn ra sáng 19/1, trong khuôn khổ hội thảo khoa học phát triển hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, TS Phan Hữu Duy Quốc, Chủ tịch HĐQT Công ty Searefico E&C, thành viên hội đồng tư vấn về phát triển đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh chỉ ra các vấn đề tiềm tàng khi sử dụng các tiêu chuẩn kĩ thuật khác nhau.
Cụ thể như gây lãng phí nguồn lực khi không tận dụng được thiết bị, các sản phẩm kỹ thuật (bản vẽ, tính toán, kinh nghiệm thi công…), đội ngũ kỹ sư lành nghề ở dự án này có thể không có kinh nghiệm ở dự án khác; không có sự thống nhất trong cách vận hành và khai thác, khó khăn trong việc kết nối giữa các tuyến đường sắt được thiết kế và vận hành theo các tiêu chuẩn kỹ thuật khác nhau; khó khăn cho công tác thẩm tra, thẩm định vì mỗi tiêu chuẩn đòi hỏi sự hiểu biết và kinh nghiệm khác nhau…
“Cần thiết phải phát triển một hệ thống tiêu chuẩn thống nhất cho việc phát triển hệ thống đường sắt đô thị của Việt Nam. Tuy nhiên, việc phát triển hệ thống tiêu chuẩn cần rất nhiều thời gian và chi phí vì nó phải dựa trên một quá trình nghiên cứu lâu dài và có hệ thống.
Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu phát triển hệ thống đường sắt đô thị trong thời gian tới, tôi đề xuất việc áp dụng một hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật sẵn có, với những điều kiện đặc thù mang tính địa phương như tải trọng, môi trường”, TS Phan Hữu Duy Quốc đề xuất.
Quang cảnh hội thảo |
Về tiêu chí lựa chọn tiêu chuẩn áp dụng cho đường sắt đô thị, TS Phan Hữu Duy Quốc đưa ra một số tiêu chí như: Đã được áp dụng và kiểm chứng qua nhiều dự án ở nhiều nơi trên thế giới; dễ dàng tìm kiếm thông tin, dễ dàng tiếp cận tư liệu; thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh giữa những thực thể liên quan công tác thiết kế, tư vấn, và xây dựng; thúc đẩy việc huy động nguồn nhân lực quốc tế, đảm bảo tính toàn cầu hoá trong đội ngũ kỹ thuật khi thực thi các dự án; không có sự xung đột với hệ thống quy chuẩn và tiêu chuẩn của Việt Nam; không có rào cản lớn về ngôn ngữ cho người sử dụng…
Ưu tiên xây dựng các tiêu chuẩn liên quan đến lĩnh vực công trình
Tại hội thảo, TS Lê Công Thành, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ, Bộ Giao thông vận tải chia sẻ về một số vấn đề trong nghiên cứu xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn cho hệ thống đường sắt đô thị Việt Nam.
TS Lê Công Thành, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ, Bộ Giao thông vận tải chia sẻ về xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn cho hệ thống đường sắt đô thị |
Những năm gần đây, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải đã và đang triển khai xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật (QCKT) áp dụng cho các hệ thống ĐSĐT theo xu hướng chung là chuyển dịch (hoàn toàn về nội dung) các tiêu chuẩn của EN, IEC, ISO… thành các tiêu chuẩn Việt Nam hoặc tham chiếu các tiêu chuẩn này để xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp với Việt Nam, trong đó ưu tiên xây dựng các tiêu chuẩn, QCKT liên quan đến lĩnh vực công trình, phương tiện, khai thác, vận hành và bảo trì.
Theo TS Lê Công Thành, do ĐSĐT là hệ thống phức tạp liên quan đến rất nhiều chuyên ngành, bao gồm: Công trình, cơ khí, vật liệu, điện, điện tử, thông tin tín hiệu, công nghệ thông tin… khối lượng các tiêu chuẩn liên quan đến ĐSĐT rất lớn, trong khi nguồn lực (cả về nhân lực, kinh phí) còn hạn chế nên kết quả công tác xây dựng ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan ĐSĐT còn hạn chế.
Vì vậy, TS Lê Công Thành cho rằng, cần thiết phải có tổng hợp và so sánh hệ thống tiêu chuẩn, QCKT của ĐSĐT tại các nước phát triển trên thế giới và Việt Nam, từ đó nghiên cứu, phân tích, đánh giá và đề xuất xây dựng tiêu chuẩn, QCKT, định hướng danh mục các tiêu chuẩn của hệ thống tiêu chuẩn cho ĐSĐT phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội tại Việt Nam, phù hợp với hệ thống tiêu chuẩn tiên tiến, đang ứng dụng phổ biến trên thế giới.
Việc sớm thống nhất một quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về đường sắt đô thị tại Việt Nam là hết sức cần thiết. Bởi với đường sắt đô thị, do phải huy động nguồn vốn đầu tư từ nhiều nguồn khác nhau nên cũng đặt ra nhiều thách thức liên quan đến tính đồng bộ, tính tương thích liên quan tới các thông số kỹ thuật chủ yếu của các tuyến đường sắt đô thị.
Chẳng hạn như, yêu cầu thống nhất về diện tích tiết diện hầm đường sắt đô thị; yêu cầu chuẩn hóa phương thức lấy điện của tàu; yêu cầu chuẩn hóa hệ thống điều khiển kết nối với trung tâm điều hành OCC…
Nói cách khác, việc sớm có quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ phù hợp với điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế, xã hội của Việt Nam sẽ góp phần giúp tăng khả năng tự chủ hướng tới công nghiệp hóa ngành đường sắt, giảm chi phí sửa chữa, bảo dưỡng.