Hẹn ngày chiến thắng trở về trường xưa (*)
Học sinh hào hứng thi tìm hiểu về Chiến thắng lịch sử 30/4 Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh sống cống hiến, xứng đáng truyền thống cha ông Hồi ức không quên trong chiến thắng mùa Xuân 1975 |
(*) Trích trong tập thơ Xếp bút nghiên của tác giả Trần Anh Phương
Với tinh thần “Ba sẵn sàng”, từ năm 1970 - 1972, hơn 10.000 sinh viên các trường đại học ở Hà Nội lên đường nhập ngũ, trực tiếp tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ. Trong đó, phong trào "Ba sẵn sàng" với 3 nội dung: Sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu dũng cảm; Sẵn sàng gia nhập các lực lượng vũ trang; Sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần đến được ví như "mồi lửa" đã thắp sáng tinh thần cách mạng của thanh niên, học sinh, sinh viên Hà Nội vốn đã như "củi khô" chờ được đốt cháy.
Hơn một vạn sinh viên miền Bắc đã “xếp bút nghiên” để đến với các chiến trường miền Nam, trở thành biểu tượng cho một thế hệ tri thức “Xếp bút nghiên lên đường cầm súng / Học người xưa đi cứu non sông” (Ảnh tư liệu TTX) |
Ngay trong tuần đầu tiên phát động phong trào đã có hơn 80.000 thanh niên Hà Nội đăng ký nhập ngũ rồi chỉ trong thời gian ngắn đã nhanh chóng tăng lên hơn 200.000. Chỉ tính riêng từ năm 1970 - 1972, hơn 10.000 sinh viên các trường đại học ở Hà Nội đã lên đường nhập ngũ, trực tiếp tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Hàng nghìn sinh viên, học sinh còn thể hiện quyết tâm bằng việc viết thư bằng máu xin được ra trận. Nhập ngũ đông nhất là sinh viên các trường Bách khoa, Tổng hợp, Nông nghiệp, Xây dựng, Kinh tế - kế hoạch (nay là Kinh tế quốc dân); Có nhiều người mới học xong năm thứ nhất, cũng có người sắp tốt nghiệp, chuẩn bị đi tu nghiệp nước ngoài.
Tiễn đưa thanh niên “Ba sẵn sàng” của khu Đống Đa (Hà Nội) lên đường nhập ngũ, tháng 8/1964, sau khi Mỹ mở rộng đánh phá bằng không quân ra miền Bắc (Ảnh tư liệu TTX) |
Năm 1970, nhiều trường đại học trở về Hà Nội sau những năm tạm sơ tán tránh máy bay Mỹ ném bom. Thời gian này, cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn căng thẳng, nhu cầu chi viện cho các mặt trận phía Nam trở nên cấp bách. Hưởng ứng phong trào “Ba sẵn sàng” và thực hiện lệnh tổng động viên, các địa phương đồng loạt gọi thanh niên, sinh viên đi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.
Đợt tuyển quân đông nhất là vào năm 1971. Hàng nghìn sinh viên bước vào năm học mới cũng là lúc nhận được giấy báo nhập ngũ. Ngày 6/9/1971, lễ xuất quân diễn ra ngay tại sân nhiều trường đại học, có bạn bè, thầy cô đưa tiễn. Những anh lính sinh viên tinh nghịch bắt bạn bè phải gọi là chú bộ đội. Những khuôn mặt thư sinh, mặc nguyên áo trắng lên đường tòng quân.
Lễ xuất phát của đoàn thanh niên xung phong Hà Nội lên đường chống Mỹ, cứu nước, tổ chức ở Nhà hát Lớn Hà Nội, ngày 11/7/1969 (Ảnh tư liệu TTX) |
Toàn bộ sinh viên nhập ngũ đợt tháng 9/1971 được đưa lên huấn luyện tại vùng đồi núi thuộc tỉnh Hà Bắc (cũ). Ở đây, họ được học về chiến thuật, chiến lược, kỹ thuật sử dụng vũ khí và tác chiến. Mỗi đêm các tân binh phải đeo đến 20kg đất đựng trong sọt tre mà đi, chạy để rèn sức dẻo dai cho chuyến hành quân bộ vào miền Nam.
Cuối đợt huấn luyện, sau khi phân loại là sinh viên trường nào, họ được xếp vào binh chủng cho phù hợp: Bách khoa thì vào pháo binh, thông tin; Y vào quân y; Mỏ địa chất vào công binh; Kinh tế, tổng hợp vào bộ binh… Phần đông sinh viên còn lại được biên chế vào các đơn vị chiến đấu như: Trung đoàn 95, 101, 18 của Sư đoàn 325, 338, 308 để trực tiếp tham chiến ở mặt trận Bình - Trị - Thiên.
Chiến sĩ Lữ đoàn đặc công biệt động 316 sau trận đánh chiếm và bảo vệ cầu Rạch Chiếc - cây cầu chiến lược trên xa lộ Biên Hòa, tạo bàn đạp cho cánh quân phía Đông của ta tiến vào giải phóng Sài Gòn. Trận chiến tại cầu Rạch Chiếc trong 2 ngày 27-28/4/1975 được xem là một trong những trận đánh ác liệt cuối cùng của Chiến dịch Hồ Chí Minh (Ảnh tư liệu TTX) |
Đầu năm 1972, chuyến tàu chở bộ đội, chủ yếu là tân binh sinh viên đi thẳng từ ga Kép (Bắc Giang) đến ga Vinh, rồi từ đây hành quân vào chiến trường. Nhiều cựu sinh viên kể lại, khi tàu đi qua ga Hàng Cỏ (ga Hà Nội ngày nay), những lá thư từ các toa được thả xuống trắng đường. Ngoài bì thư chỉ ghi vội dòng chữ “Nhờ ai nhặt được thư này chuyển đến giúp số nhà...”, “Hẹn trở về, Hà Nội mến yêu” hay “Đi B, ngày…”.
Lớp lính sinh viên ấy có mặt trên khắp trận tuyến, từ Thành cổ Quảng Trị đến chiến trường Đông Nam Bộ, tham gia giải phóng Buôn Mê Thuột, Sài Gòn vào ngày 30/4/1975. Trong hơn 10.000 sinh viên lên đường thì trên một nửa hy sinh tại các mặt trận phía Nam, trên đất Lào nhưng nhiều nhất là trong chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị năm 1972. Có người ngã xuống ở cửa ngõ Sài Gòn như liệt sĩ Nguyễn Văn Tư (sinh viên Bách khoa), hy sinh lúc 10h ngày 30/4/1975, cách giờ phút thống nhất chưa đầy hai tiếng.
Nhà báo Phùng Huy Thịnh - Chủ tịch Hội sinh viên chiến sĩ 6971 |
Sau ngày thống nhất, những người lính sinh viên lại trở về giảng đường, tiếp tục đi học. Nhiều người mang thương tật chiến tranh, di chứng của những trận sốt rét rừng. Rất nhiều trong số đó trở thành nhà khoa học, giáo sư, cán bộ chủ chốt của các trường đại học, tướng lĩnh quân đội, nhà thơ, nhà văn. Một số người giữ chức vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước như: Ông Đinh Thế Huynh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Ông Nguyễn Quốc Triệu, nguyên Bộ trưởng Y tế...
Năm tháng sẽ qua đi nhưng không khí sục sôi ra trận của người Hà Nội trong cuộc kháng chiến chống Mỹ với những phong trào "Ba sẵn sàng", "Ba đảm đang", "Năm xung phong", "Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược"… sẽ luôn được thế hệ trẻ Thủ đô và lớp người đi qua chiến tranh trân trọng, giữ gìn. Truyền thống quý báu, tự hào đó còn là điểm tựa để thế hệ trẻ Thủ đô hôm nay phát huy hơn nữa trí tuệ, sức lực trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nhà báo Phùng Huy Thịnh, Chủ tịch Hội sinh viên chiến sĩ 6971, bày tỏ: "Đã nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày ấy, ngày 6/9/1971, ngày mà gần 4.000 sinh viên và cán bộ giảng dạy của 33 trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp toàn miền Bắc “xếp bút nghiên lên đường ra trận” theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ngày mà trái tim họ thì bồi hồi chia tay thầy bạn nhưng bước chân thì “giục ẩm tỳ bà mã thượng thôi” với tâm niệm “ai cũng nghĩ đến mình thì còn đâu Tổ quốc / chúng tôi ra đi không tiếc đời mình...” xen chút lãng mạn học trò “những chàng trai chữa trắng nợ anh hùng”... nhuốm màu tiểu tư sản trí thức bên cây đàn vang những lời ca lãng mạn cách mạng: “Còn chân còn nhịp bước còn tiến lên / Còn đôi mắt sáng ta đâu chịu hèn!”. Có thể nói, với lòng tự trọng sâu sắc, tinh thần “mình vì mọi người” được thấm nhuần từ nhỏ và với tri thức khoa học đang có từ trường đại học, những người lính sinh viên quả cảm ấy sau ít tháng huấn luyện tốc đã được về các quân binh chủng hiện đại, đặc biệt là về Sư đoàn bộ binh 325 giữ đất giữ Thành cổ Quảng Trị khốc liệt năm 1972. Họ với lòng tự trọng sâu sắc, tinh thần chiến đấu can trường, đã trải qua những ngày tháng chiến đấu gian lao trên nhiều chiến trường; Không ít người trong số họ cùng đồng đội nhiều đơn vị đã hiến dâng tuổi hai mươi của mình cho đất nước “những lá xanh vĩnh viễn trút cho đời”... |