Hiểm họa đuối nước: Đến hè lại lo
Liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn đuối nước
Theo thông tin từ Công an thành phố Hà Nội, trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4-1/5, trên địa bàn thành phố liên tiếp xảy ra 8 vụ đuối nước làm 9 người tử vong. Cụ thể, ngày 29/4, nhóm 4 học sinh lớp 11 rủ nhau ra bãi sông Hồng (cầu Vĩnh Tuy) chơi và tắm. Trong lúc tắm, 2 học sinh bị nước cuốn mất tích.
Riêng hồ Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội), tối 3/4 vừa qua, nhóm công nhân (nghề tự do) rủ nhau ra hồ Linh Đàm để tắm, sau đó một trong số những người này bị đuối nước.
Hồ Linh Đàm có diện tích 74ha thuộc quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội từ nhiều năm trở lại đây là địa điểm lý tưởng của người dân “giải nhiệt” vào mùa hè, cơ quan chức năng đã đặt biển cảnh báo nguy hiểm và cấm tắm dưới hồ nhưng nhiều người vẫn không tuân thủ quy định này.
Ghi nhận của phóng viên, những ngày gần đây, nền nhiệt độ khoảng 32-33 độ C, trời nắng nóng, tại "hồ tử thần" này vẫn có hàng trăm người, từ già đến trẻ, nam đến nữ vô tư ra hồ tắm để “xả” nóng.
Một số người dân trang bị chiếc phao tự chế như bình, can nhựa... buộc bên người |
Sống cạnh khu vực hồ Linh Đàm, anh Vũ Văn Huy (Hà Nội) bày tỏ sự lo ngại trước nguy hiểm tiềm ẩn của việc tắm hồ: "Mực nước sâu, không có đội cứu hộ, lại có biển cấm ở khắp nơi, hồ Linh Đàm tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn không lường trước được. Tôi có 2 con nhỏ nhưng không dám cho các cháu ra tắm hồ này”.
Cùng với hồ Linh Đàm, Hồ Tây cũng được tận dụng như một "bể bơi công cộng" khi Hà Nội trải qua đợt nắng nóng đỉnh điểm với nền nhiệt độ gần 40 độ. Dù đã có biển cảnh báo "cấm tắm, bơi lội" nhưng dường như bị người dân phớt lờ. Nhiều người trang bị cả những chiếc phao tự chế như can nhựa để làm đồ bảo hộ. Đáng nói, tại khu vực lòng hồ, rác thải sinh hoạt vứt ngổn ngang nhưng nhiều người chẳng bận tâm nguồn nước sạch hay bẩn.
Không chỉ người lớn mà trẻ nhỏ cũng được cha mẹ cho ra hồ tắm. Xung quanh khu vực hồ không có bất cứ người giám sát hay nhân viên cứu hộ nào nhưng địa điểm này vẫn cứ tấp nập người đến. Thậm chí, có người tắm cách xa bờ hàng chục mét.
Vẫn biết, nhu cầu giải nhiệt là cần thiết nhưng người dân cần chọn địa điểm an toàn và trang bị phương tiện bảo hộ đầy đủ bởi khi tắm tại những khu vực cảnh báo thì không khác nào tự đánh cược mạng sống của mình.
Chủ động phòng ngừa đuối nước
Theo Công an thành phố Hà Nội, đuối nước là một tình trạng rất thường gặp, nhất là vào mùa hè. Đuối nước có thể gặp ở bất cứ đối tượng nào, kể cả những người bơi thành thạo. Do đó, nếu không được cấp cứu kịp thời, xử lý đúng cách có thể để lại các tổn thương nặng nề lên tim, phổi, thần kinh, thậm chí gây ngừng tim, ngừng thở và tử vong.
Trước tình trạng nhiều vụ đuối nước xảy ra trên địa bàn thành phố và cả nước thời gian gần đây, các bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục tăng cường giải pháp bảo vệ trẻ em, đặc biệt chú trọng công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ. Các địa phương, gia đình cần quản lý chặt chẽ trẻ em trong thời gian các em không đến trường, đặc biệt là dịp nghỉ hè, thời gian xảy ra bão, lũ, thiên tai để bảo đảm an toàn cho trẻ em, nhất là tai nạn đuối nước.
Nắng nóng gay gắt đầu mùa kéo dài cả ngày với nền nhiệt độ khoảng 32-33 độ C, nhiều người dân tìm đến các sông, hồ ở Hà Nội vào buổi chiều để giải nhiệt |
Cùng với đó, các địa phương cần tổ chức vận động các hộ gia đình cam kết trách nhiệm xây dựng ngôi nhà an toàn, bảo đảm an toàn cho trẻ em; rà soát, lập bản đồ cảnh báo kịp thời các địa điểm hố nước, hồ ao, sông ngòi, các khu vực nước sâu, nguy hiểm, công trình chứa nước… có nguy cơ gây tai nạn đuối nước tại địa bàn.
Các đơn vị triển khai các biện pháp phòng ngừa, khắc phục như làm rào chắn, biển cảnh báo, cảnh giới, nhắc nhở; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất phục vụ việc tổ chức dạy bơi trong các cơ sở giáo dục, tăng cường truyền thông về trách nhiệm, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước trẻ em cho cha mẹ, trẻ em, học sinh và cộng đồng dân cư.
Để chủ động phòng ngừa đuối nước, cơ quan công an khuyến cáo người dân và cộng đồng cần trang bị các kỹ năng đảm bảo an toàn và xử lý tình huống khi bơi như khởi động kỹ trước khi xuống nước, cách xử lý khi bị chuột rút, gặp vùng nước xoáy, cách sơ cứu khi gặp người bị đuối nước…
Đối với những nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước như sông, suối, ao, hồ, những vùng nước sâu, nước xoáy.... cần phải đặt biển cảnh báo nguy hiểm. Đối với các bể bơi, người dân chỉ bơi ở những nơi có người và phương tiện cứu hộ đồng thời tuân thủ các quy định của bể bơi, khu vực bơi. Khi cho trẻ đi bơi cần phải luôn bên cạnh, trông chừng và theo dõi trẻ.
Khi đi tắm biển hay sông, người biết bơi hay không cũng chỉ nên tắm gần bờ, đặc biệt là ở biển, chỉ nên bơi trong khu vực an toàn được chỉ định; chấp hành tốt các quy định về an toàn khi tham gia các phương tiện giao thông đường thủy như mặc áo phao.
Cơ quan công an khuyến cáo, khi phát hiện người đuối nước cần bình tĩnh xử lý, hô hoán, kêu gọi mọi người đến ứng cứu, giúp đỡ ngay từ khi nhìn thấy nạn nhân (nhanh chóng tìm bất kỳ vật dụng nào để có thể cứu gián tiếp như: cây sào, phao, áo, quần, dây nịt…cho những người bị đuối nước bám vào các vật dụng này để người trên bờ kéo dần vào.
Người dân tuyệt đối không được nhảy theo cứu nạn nhân nếu không biết bơi và không biết cách cứu đuối nước) đồng thời gọi điện báo ngay cho lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Công an thành phố Hà Nội theo số máy 114.
Khi đưa nạn nhân bị đuối nước lên bờ cần bình tĩnh đánh giá tình trạng của nạn nhân. Trường hợp nạn nhân bất tỉnh, có ngừng tim, ngừng thở, cần áp dụng ngay các biện pháp cấp cứu ngừng tuần hoàn, kiên trì đến khi nạn nhân có nhịp tim trở lại thì nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời. Trong trường hợp nạn nhân khi được đưa lên bờ vẫn tỉnh táo, tự thở được, cần lau khô, ủ ấm, đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị.